Thứ 2, 01/07/2024, 13:30[GMT+7]

Triển khai thực hiện các công điện của Bộ Y tế

Thứ 3, 10/03/2015 | 18:33:03
812 lượt xem
LTS: Ngày 4 tháng 3 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Công văn số 574/UBND-VX thực hiện Công điện số 1225/CĐ-BYT của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau tết và mùa lễ hội 2015 và Công điện số 1226/CĐ-BYT của Bộ Y tế về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội năm 2015. Báo Thái Bình đăng toàn văn Công điện số 1225 và công điện số 1226 của Bộ Y tế.

Cần lựa chọn những địa điểm ăn uống hợp vệ sinh tại các lễ hội để bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa.

 

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau tết và mùa lễ hội 2015

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 269/CĐ-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Y tế trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

 

1. Chỉ đạo Sở Y tế:

 

- Tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu tại cộng đồng, các cơ sở khám chữa bệnh, tại các cửa khẩu; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

 

- Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

 

- Đẩy mạnh công tác tổ chức tiêm chủng các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt chú ý tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi, ho gà. Tăng số ngày tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tháng để bảo đảm cho trẻ được tiêm đúng lịch và tiêm vét được hết các đối tượng. Rà soát, thống kê, tổ chức tiêm vét các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ, đảm bảo không để sót đối tượng lưu ý các đối tượng di biến động. Đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi - rubella cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 14 tuổi đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường. Vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm, tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của cơ sở y tế; không chờ tiêm vắc-xin dịch vụ để tránh việc trẻ bị mắc bệnh do tiêm vắc-xin muộn.

 

2. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời thông báo cho ngành Y tế để có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

 

3. Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan thực hiện điều tra ngăn chặn gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm.

 

4. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh sởi, ho gà, các bệnh cúm gia cầm. Tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tăng cường truyền thông người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.

 

5. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với ngành Y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ em tại các trường học. Thực hiện các bệnh pháp cách ly học sinh có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, thông báo ngay cho cơ sở y tế để kịp thời xử lý.

 

6. Chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung kịp thời kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.

 

7. Tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

 

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

 

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội năm 2015

 

Hàng năm, sau tết Nguyên đán thường diễn ra các lễ hội ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại khu vực lễ hội, hoạt động dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thường đa dạng và khó kiểm soát do các hoạt động ở đây có tính chất thời vụ, địa điểm kinh doanh không cố định, khó bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất lớn.

 

 Thực hiện Công điện số 269/CĐ-TTg ngày 24/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của các lễ hội, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

 

1. Sắp xếp, bố trí nơi kinh doanh, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có đủ nước sạch, nơi thu gom rác, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh chung và cảnh quan lễ hội.

 

2. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức (loa phát thanh, băng rôn, poster...) về an toàn thực phẩm và cách lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn tại khu vực diễn ra lễ hội và các điểm du lịch.

 

3. Yêu cầu các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm tại khu vực lễ hội ký cam kết và thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến và bày bán sản phẩm.

 

4. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, tổ chức các đoàn kiểm tra tại khu vực lễ hội, các cơ sở sản xuất thực phẩm có nhiều sản phẩm bán tại các khu vực lễ hội, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng biết và không sử dụng những sản phẩm không đảm bảo an toàn. Kiên quyết không để các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm không an toàn tại khu vực lễ hội và các địa điểm du lịch.

 

5. Bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, điều tra xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Thực hiện báo cáo kết quả triển khai và báo cáo vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định.

 

Bộ Y tế trân trọng cám ơn và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày