Thứ 4, 03/07/2024, 09:12[GMT+7]

Đất trũng chuyển mình

Thứ 2, 13/04/2020 | 09:11:41
4,662 lượt xem
Nằm ở vùng trũng của tỉnh, huyện Kiến Xương không có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Song với truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sức bật trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sơn Hà (cụm công nghiệp Vũ Ninh, Kiến Xương).

5 năm qua, kinh tế của huyện đều tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 9,85%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nếu như năm 2016, tỷ trọng sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm 33,6% thì đến năm 2020 dự kiến giảm còn 24,1%; công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng từ 43,4% lên 52,1%; thương mại, dịch vụ tăng từ 23% lên 23,8%. Trên địa bàn huyện hiện có 196/220 doanh nghiệp và HTX hoạt động khá tốt. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, đầu tư sản xuất những sản phẩm mới mang lại hiệu quả, đạt tới trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, như các sản phẩm dệt, may, chạm bạc, thủ công mỹ nghệ... Từ năm 2016 đến nay, Kiến Xương đã tiếp nhận thêm nhiều dự án đầu tư có công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư 1.801 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Toàn huyện có 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 335,67ha, trong đó có 16 dự án đầu tư đã đi vào sản xuất tạo việc làm cho 7.439 lao động với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề và làng nghề tiếp tục được mở rộng và phát triển với 24 làng nghề hoạt động hiệu quả. Các nghề truyền thống lâu đời như chạm bạc, mây tre đan, thảm len, đệm cói tiếp tục mở rộng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Trong phát triển nông nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích nhằm nâng cao đời sống  nhân dân. Do đó, sản xuất nông nghiệp phát triển trên tất cả các lĩnh vực, quy mô, chất lượng, hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn... Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 ước đạt 2.945,2 tỷ đồng, tăng bình quân 2,06%/năm. Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với tổng diện tích gần 1.300ha. Đặc biệt đã phát triển các hình thức thuê, mượn đất, liên kết để tích tụ ruộng đất với quy mô lớn. Toàn huyện có 911ha đất đã được tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên, tăng 640ha so với năm 2015. Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa nông nghiệp, trong đó đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch lúa. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm theo nhu cầu của thị trường; nuôi trồng thủy sản được mở rộng phát triển với diện tích gần 200ha. Duy trì gần 160 tàu thuyền, sản lượng đánh bắt đạt trên 1.500 tấn/năm. Bảo tồn, duy trì các đặc sản truyền thống như mắm cáy, rươi... và quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 28ha tại xã Hồng Tiến. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. 100% số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đang đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất dịch vụ năm 2020 ước đạt 2.748,9 tỷ đồng, tăng bình quân 7,74%/năm. Thị trường xuất khẩu được giữ vững, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, chạm bạc và một số mặt hàng thủ công khác tiếp tục duy trì.

Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Kiến Xương còn 3,16%. Năm 2020, ước tính giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 71,64 triệu đồng. Trong 5 năm tới, huyện phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân 9,45%/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, có từ 10 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày