Thứ 6, 05/07/2024, 20:00[GMT+7]

Quang Trung: Tích cực tái đàn lợn

Thứ 5, 14/05/2020 | 08:47:41
1,324 lượt xem
Khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra năm 2019, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Quang Trung (Kiến Xương) đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp tái đàn lợn, từng bước khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất chăn nuôi.

Người chăn nuôi tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn.

Trước đây, khu chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Thủy ở thôn Mỹ Nguyên thường xuyên nuôi hơn 100 con lợn, trong đó có gần 30 lợn nái, còn lại là lợn thịt. Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả đàn lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy. Gắn bó với nghề nuôi lợn đã nhiều năm và nguồn thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi, không đành lòng để chuồng trại bỏ trống nên gia đình chị đã tích cực vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chờ thời điểm thích hợp để tái đàn. Một trong những cách vệ sinh chuồng trại được gia đình chị áp dụng đó là dùng vôi củ xếp trên nền các ô chuồng nuôi, bơm nước vào để vôi nở ra và sinh nhiệt, hơi nóng bốc lên tường, mái chuồng nhằm tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường đồng thời thường xuyên phun hóa chất sát trùng xung quanh khu vực chăn nuôi. Sau 2 tháng xử lý chuồng trại, tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng đã ổn định và không phát sinh thêm lợn ốm chết, gia đình chị bắt đầu tiến hành tái đàn. 

Chị Thủy cho biết: Khó khăn lớn nhất khi tái đàn là việc tìm mua con giống vì nguồn cung khan hiếm, giá thành đắt. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nhà nước, gia đình tôi đã nhận được hơn 150 triệu đồng nên đẩy nhanh tiến độ tái đàn. Để hạn chế rủi ro từ khâu chọn con giống, tôi liên hệ với công ty chăn nuôi có uy tín, bảo đảm nguồn gốc nhập về 9 con lợn nái ngoại trong đó có 4 con nái đã trưởng thành với giá 9,4 triệu đồng/con, 5 con nái hậu bị với giá 2,1 triệu đồng/con. Từ đàn lợn nái đã dần nhân lên số lượng lợn nuôi tại gia trại và cho nguồn thu. Tổng đàn lợn của gia đình hiện có 31 con và tiếp tục tăng quy mô đàn trong thời gian tới.

Cũng ảnh hưởng do bệnh dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ đàn lợn gần 80 con của gia đình ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Trà Đông bị tiêu hủy gây thiệt hại hơn 170 triệu đồng. Sau khi nhận số tiền hỗ trợ đợt 1 hơn 90 triệu đồng, ông đã cải tạo lại chuồng trại và mua con giống để tái đàn. Thay vì mua được con giống tại các trại lợn ở trong tỉnh với giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/con như trước đây, bây giờ ông phải cất công sang tận tỉnh Hà Nam mua con giống với giá từ 2,7 - 3 triệu đồng/con. Mặc dù muốn tái đàn đủ số lượng nuôi như trước nhưng do thiếu vốn, con giống khan hiếm và giá thành cao nên gia đình ông thực hiện tái đàn dần dần bằng số lợn nái đang có. 

Ông Túy cho biết: Hiện gia trại mới khôi phục được đàn lợn gồm 6 con nái và 29 con lợn thịt. Để bảo vệ sức khỏe đàn lợn, tôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Các vấn đề về thức ăn chăn nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt là vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, cải tạo môi trường chăn nuôi luôn được quan tâm hàng đầu.

Ông Phạm Duy Phớn, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Quang Trung cho biết: Trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, toàn xã có gần 700 hộ chăn nuôi lợn với số lượng trên 8.000 con. Từ ngày 20/3 đến ngày 14/8/2019, bệnh dịch xảy ra buộc phải tiêu hủy hơn 2.000 con lợn với tổng trọng lượng gần 123.900kg. Số lợn khỏe mạnh còn lại được người dân giết mổ và tiêu thụ theo hình thức kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Sau khi địa phương công bố hết dịch bệnh, tổng đàn lợn chỉ còn lại hơn 300 con. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác tái đàn, xã Quang Trung đã cố gắng duy trì và phát triển đàn lợn bằng chính nguồn giống của địa phương và mua thêm con giống từ các nơi khác. Sau khi tiếp nhận số tiền hỗ trợ đợt 1 hơn 3,3 tỷ đồng, địa phương đã khẩn trương chi trả cho người chăn nuôi để có kinh phí tái đàn. Hiện toàn xã có hơn 100 hộ chăn nuôi với hơn 1.200 con. Khó khăn lớn nhất trong công tác tái đàn đó là nguồn giống khan hiếm, giá đắt nhưng vẫn không thể mua được trong khi phần lớn người chăn nuôi bị thiệt hại về kinh tế sau dịch bệnh. Bên cạnh đó là nỗi lo dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, chưa có vắc-xin phòng bệnh, chi phí chăn nuôi cao, đến khi lợn đủ tiêu chuẩn xuất bán mà giá thành hạ thì sẽ không có lãi nên nhiều hộ chăn nuôi chỉ dám tái đàn dè dặt. Mong muốn chung của người chăn nuôi là sớm được hỗ trợ thiệt hại, có biện pháp tháo gỡ khó khăn về con giống, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, tạo điều kiện được vay vốn ưu đãi để có kinh phí tái đầu tư, khôi phục sản xuất chăn nuôi.

Để công tác tái đàn lợn đạt hiệu quả, xã Quang Trung đã đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng công tác phòng bệnh, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn, thực hiện tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh cho đàn lợn theo quy định.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày