Thứ 4, 03/07/2024, 12:10[GMT+7]

Thêm yêu mảnh đất, con người Thái Bình

Thứ 3, 19/05/2020 | 09:30:13
12,153 lượt xem
Cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác” và cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức đã thành công tốt đẹp. Gần 210.000 bài dự thi và 222 tác phẩm được gửi về ban tổ chức cuộc thi các cấp đã minh chứng đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Khu lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa (Vũ Thư) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình và nghỉ lại một đêm ngày 31/12/1966.

Đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), 130 năm ngày thành lập tỉnh (21/3/1890 - 21/3/2020) và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Tạo sức lan tỏa về học và làm theo lời Bác

Cuộc thi “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác” được phát động từ tháng 9/2019 đến tháng 1/2020. Sau gần 4 tháng phát động và triển khai, cuộc thi đã để lại dấu ấn sâu đậm, thể hiện tình cảm sâu sắc, lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao của Người với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nói riêng. Trải qua các vòng xét loại, Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã tiếp nhận 560 bài dự thi có chất lượng tốt của các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Các bài dự thi đã bám sát đề cương, gợi ý trả lời, đáp ứng yêu cầu về nội dung, thể lệ cuộc thi. Nhiều bài dự thi trình bày đẹp, công phu, thể hiện sự sáng tạo, cách nhìn nhận, đánh giá, phân tích, tổng hợp các sự kiện lịch sử sâu sắc, lập luận chặt chẽ, khoa học với nhiều hình ảnh, tư liệu phong phú, sinh động. Bên cạnh đó, nhiều tác giả đã thể hiện được sự trân trọng và tâm huyết đối với cuộc thi, dành tình cảm, lòng thành kính với Bác Hồ bằng chính nét chữ viết tay nắn nót của mình.

Cùng với những “chất liệu” sưu tầm, kinh nghiệm thì điều làm nên thành công của các bài dự thi chủ yếu đối với các câu hỏi liên hệ bản thân. Trên cương vị cá nhân, người dự thi đã thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của bản thân, đề ra những giải pháp phù hợp, phương hướng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương của Bác. Nhiều bài dự thi chọn hướng tiếp cận đặc biệt “người thật, việc thật” - là những “bông hoa” người tốt, việc tốt, là những tập thể tiêu biểu trong “vườn hoa” thực hiện Chỉ thị số 03, số 05 của Bộ Chính trị. Đó là người lính, những cựu chiến binh, thương binh bước qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trở về với đời thường, tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp công sức xây dựng quê hương; là những cán bộ, chiến sĩ, giáo viên... tiêu biểu trên các mặt trận phát triển kinh tế, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống tội phạm, công tác xã hội...; là những học sinh, sinh viên vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập hay là những doanh nhân, nông dân, người tu hành... có nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương, đất nước.

Tỏa sáng đất và người Thái Bình

Cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình” không chỉ nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của những người cầm bút, các nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu mà còn nhận được sự tham gia sôi nổi của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và các cán bộ, đảng viên. Sau 4 tháng phát động cùng thời điểm phát động cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác”, Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã nhận được 222 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự, trong đó 165 tác phẩm báo chí, 57 tác phẩm văn học nghệ thuật. Các tác phẩm dự thi đa dạng về thể tài, giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về mảnh đất và con người Thái Bình trong ngàn năm lịch sử, truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của người Thái Bình xưa và nay.

Nhiều tác phẩm báo chí dự thi được đánh giá cao khi đã phản ánh sâu sắc, toàn diện bức tranh Thái Bình trong công cuộc xây dựng và phát triển, sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thái Bình… Một số tác phẩm đã giới thiệu đến bạn đọc những con người quê lúa có công lao, đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội không chỉ ở Thái Bình mà khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua các tác phẩm đã tôn vinh phẩm chất đáng quý của người Thái Bình dù ở đâu, làm gì, ở mỗi con người quê lúa đều toát lên vẻ đẹp cần cù, chịu khó, sáng tạo, năng động, luôn hướng về nguồn cội, quê hương. Họ cũng chính là cầu nối để quảng bá mảnh đất, con người Thái Bình đến muôn nơi… Cùng với đó, các tác phẩm văn học, nghệ thuật tham dự cuộc thi cũng chính là những công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của những cây bút có tiếng ở Thái Bình, góp thêm vào dòng chảy lịch sử của Thái Bình những chất liệu mới, phát hiện mới.  

Có thể nói, mỗi tác phẩm dự thi cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác” và cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình” đều mang đậm hơi thở của cuộc sống, chất chứa tình cảm với Bác Hồ kính yêu, yêu mến và gắn bó với mảnh đất và con người Thái Bình. Thông qua cuộc thi nhằm giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống, từ đó tạo hiệu ứng tích cực cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, người Thái Bình đang sinh sống, học tập, lao động, công tác ở ngoài tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, ra sức phấn đấu góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức

Cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình” huy động được sự tham gia tích cực của giới báo chí, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử tốt đẹp của Thái Bình mà truyền thống đó là điểm tựa để phát huy, vươn lên trong giai đoạn tới. Hơn 20 năm kể từ ngày nghỉ hưu, tôi đã dày công nghiên cứu lịch sử đất và người Thái Bình và đã có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa dân gian được các cấp ghi nhận. Cuộc thi lần này, tôi tham gia tác phẩm “Thái Bình vùng địa linh nhân kiệt”. Tác phẩm này, tôi đã dành công sức, trí tuệ cũng như tâm huyết của mình trong suốt 20 năm kể từ ngày về hưu để nghiên cứu, tìm hiểu và viết về đề tài đất Thái Bình, trong đó làm nổi bật nên vùng đất Thái Bình địa linh - nơi sản sinh ra nhiều bậc anh hào kiệt hiệt cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Chính Quy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tân Bình, thành phố Thái Bình

Tôi đã tham gia nhiều cuộc thi nhưng có lẽ cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác” để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất. Để có được tác phẩm trọn vẹn nhất, tâm huyết nhất, tôi đã trực tiếp tìm hiểu, đọc, chắt lọc tư liệu từ hàng chục cuốn sách viết về Bác Hồ, đi thực tế tại các địa phương của tỉnh mà Bác từng đến thăm, gặp gỡ các nhân chứng từng gặp Bác. Ngoài ra cũng dành thời gian tìm kiếm các nguồn tư liệu ảnh về Bác. Tôi đã tự tay viết hơn 400 trang với 2 tập tác phẩm. Bài thi thể hiện tình cảm, là sự kính trọng của tôi dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác và 130 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình.

Thượng tá Phạm Quang Huynh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác”. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trực thuộc đều có từ 1 - 2 bài dự thi chất lượng cao. Hưởng ứng cuộc thi này, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia, nhiều bài dự thi có chất lượng được Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đánh giá cao và đạt giải. Qua cuộc thi, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong đơn vị sẽ thêm hiểu về truyền thống quê hương, từ đó ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Tất Đạt