Thứ 2, 08/07/2024, 11:14[GMT+7]

Vào nghề - Bước ngoặt của cuộc đời

Thứ 5, 07/04/2011 | 09:52:26
2,045 lượt xem
Hàng năm, chỉ riêng tỉnh Thái Bình cũng đã có trên dưới hai vạn rưỡi học sinh tốt nghiệp THPT ra trường. Số học sinh đỗ vào các trường cao đẳng đại học, nhiều nhất cũng chỉ được 1/3, số học sinh còn lại chủ yếu là vào các trường học nghề. Vì vậy, hầu hết các trường THPT trong tỉnh đều chú ý hướng nghiệp và tư vấn cho học sinh lớp 12 trong việc chọn ngành chọn nghề cho phù hợp với trình độ của bản thân và yêu cầu của xã hội.

Song thực tế, còn rất nhiều học sinh vẫn đua nhau đi thi đại học, một phần vì chưa đánh giá được thực chất khả năng của mình, một phần còn có tư tưởng cầu may, vậy nên cứ thử sức xem sao! Việc đi thi theo phong trào đã gây bao nhiêu khó khăn cho nhà nước và lãng phí bao nhiều tiền của và công sức của gia đình; nhiều học sinh còn nộp đơn thi đến hai ba trường, sự khó khăn tốn kém còn tăng lên gấp bội.

Đã thế, sau khi báo kết quả, tâm lý thi trượt khá nặng nề, tạo cho gia đình một tâm trạng khủng hoảng rất đáng lo ngại. Đó là một vấn đề khá nan giải mà hậu quả không thể lường hết được. Không khí trong gia đình buồn rầu, ảm đạm, bố mẹ và mọi người trong nhà đành ngậm bồ hòn làm vui để động viên cho người con không đỗ nguôi ngoai tư tưởng chán nản, tiêu cực...

Không thi vào được trường cao đẳng đại học, nhiều học sinh lại tìm đến những trường dạy nghề. Vì số lượng trường dạy nghề tương đối nhiều nên khi quyết định thi vào các trường này, cũng còn có những học sinh nông nổi, quá vô tư và dễ dãi đối với nghề nghiệp mà mình sẽ gắn bó suốt cả đời. Đến khi bắt tay vào học, mới thấy hiện ra khó khăn, mới thấy không thích, mới sinh ra “đứng núi này trông núi nọ” thế là bỏ dở, lại tiếp tục nộp đơn xin vào trường khác. Sự không chín chắn này cũng lại tạo ra những phiền phức cho nhà trường, tốn kém tiền của gia đình và bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội phấn đấu của tuổi trẻ.

Công việc thi cử và học hành đã vậy, sau khi được đào tạo, được cấp bằng ra trường rồi, học sinh có được nhận vào làm việc hay không, cũng lại là một vấn đề khác. Đành rằng việc ít, người nhiều là khó khăn chung của xã hội. Nhưng hiện nay cũng có nhiều xí nghiệp đã được mở ra, đang cần nhiều lao động, có tay nghề phù hợp. Tuy thế, không phải mọi việc đều suôn sẻ, mà học sinh được đào tạo ra, cũng còn nhiều đáng phải suy nghĩ.

Anh Nguyễn Văn Biên học xong khóa học có quy củ ở một trường kỹ thuật của tỉnh ta, chăm học được cấp bằng tốt nghiệp loại khá. Anh đi liên hệ xin việc, giám đốc nhận cho làm thử việc một tháng trả lương theo thỏa thuận. Hết tháng, giám đốc kiểm tra tay nghề kết luận: không đạt yêu cầu, anh đã bị loại. Ngậm ngùi ra về, anh đành làm một việc tạm thời để chờ đợi thời cơ. Một thời gian sau, mới lại tìm đến một xí nghiệp khác, anh lại được giám đốc cho thử việc một tháng trả lương hai triệu rưỡi. Hết tháng làm thử, giám đốc báo đến gặp. Trong cuộc trao đổi, anh được đánh giá tốt về nhiều mặt, nhưng kết luận cuối cùng là tay nghề chưa đạt, nên không được nhận vào làm hợp đồng chính thức.

Thế là anh Biên không lại hoàn không, vẫn chưa có việc làm. Thời gian chờ đợi xin việc của anh Biên đã diễn ra tương đối lâu. Năm nay, anh đã tròn ba mươi tuổi, đã có vợ và mới có con nhỏ. Không biết sau này sẽ tiếp tục xoay sở ra sao để có việc làm ổn định có thu nhập tốt, cải thiện cuộc sống cho vợ con.

Nguyên nhân chính dẫn đến mọi thất bại của anh là do anh thỏa mãn về bằng cấp, được đào tạo chính quy ở nhà trường, vì vậy không chịu rèn luyện và trau dồi học hỏi thêm. Anh không biết rằng kiến thức kỹ năng mà nhà trường đào tạo, nếu học tốt cũng chỉ được sáu bảy mươi phần trăm, muốn làm được việc, nhất là làm có năng suất, chất lượng cao thì còn phải cố gắng học hỏi và rèn luyện thêm trong thực tế rất nhiều. Từ nhà trường đến nhà máy xí nghiệp còn là một khoảng cách rất lớn về nhiều điều mà học sinh cần phải biết. Máy móc và kỹ thuật được đổi mới và phát triển liên tục nên phải tự học thêm, cập nhật những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, phải học kinh nghiệm nghề nghiệp của những người đi trước, nhất là những người có nhiều thâm niên, giàu kinh nghiệm, phải cần cù say sưa lao động và học hỏi đến vô cùng, có như thế thì những học sinh tốt nghiệp ra trường mới có được những cơ hội tốt đẹp để đến với nghề.

Kỳ thi vào các trường đại học và chuyên nghiệp năm nay đã đến gần, mong sao những hiện tượng không chín chắn, thức thời như trên sẽ không còn tiếp diễn; những học sinh đã được đào tạo chuyên nghiệp cũng sẽ biết phải làm gì để có việc làm thuận lợi.

Đào Nguyễn
(Thái Hưng, Hưng Hà)

  • Từ khóa