Thứ 4, 03/07/2024, 09:03[GMT+7]

Giờ học ngoại khóa

Thứ 3, 20/12/2011 | 09:26:10
3,005 lượt xem
Đã thành thông lệ, hoạt động ngoại khóa nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam được Trường THCS Nam Phú duy trì từ nhiều năm qua, nhằm giúp các em học sinh thêm hiểu về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những thành tích, chiến công mà các thế hệ cha anh đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu để đạt được, cho non sông được nở hoa độc lập, kết quả tự do, cho các em có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Giờ học ngoại khóa về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam tại Trường THCS Nam Phú (Tiền Hải)

Buổi sáng một ngày trung tuần tháng 12, cùng các đồng chí trong đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Thái Bình và Đồn Biên phòng 72, chúng tôi có mặt tại Trường THCS Nam Phú (Tiền Hải). Đang trong tiết học đầu tiên nên sân trường yên ắng quá. Chỉ nghe thoang thoảng tiếng giảng bài xen lẫn những tiếng rít của gió mang theo cái lạnh tê người của vùng quê ven biển. Trong hội trường, cô giáo Hiệu trưởng Mai Thị Ly cùng các đồng nghiệp của mình đang rà soát lại những công việc cuối cùng chuẩn bị cho giờ học ngoại khóa nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2011).

Rót chén trà nóng mời khách, cô Ly vui vẻ cho chúng tôi biết: Đây là hoạt động mà nhà trường đã duy trì từ nhiều năm qua nhằm giúp các em học sinh thêm hiểu về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, những thành tích, chiến công mà các thế hệ cha anh đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu để đạt được, cho non sông được nở hoa độc lập, kết quả tự do, cho các em có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay. Đặc biệt trong giờ học ngoại khóa năm nay nhà trường sẽ bàn giao bài tham dự cuộc thi tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia năm 2011 cho đại diện ban tổ chức cuộc thi, các em học sinh sẽ trao tặng báo tường cho Hội Cựu chiến binh xã và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, trưng bày thư của học sinh nhà trường gửi các chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo. Đây cũng là một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực chào mừng ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, giờ học ngoại khóa của Trường THCS Nam Phú hôm ấy ngoài lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Hội Cựu chiến binh xã còn có đại biểu Đồn Biên phòng 72, Trạm Kiểm soát biên phòng cồn Vành, Đài Quan sát phòng không 55 (thuộc Trạm Ra đa 25, Đơn vị H95, Đoàn B63 Quân chủng Phòng không – Không quân).

Khi kim đồng hồ chỉ sang số 8, giờ học bắt đầu. Ở phía dưới, gần ba trăm học sinh với giấy, bút để ghi chép đã sẵn sàng. “Cách đây 67 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, chính thức được thành lập. Ngày mới thành lập, đội chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ…”. Bác Bùi Đức Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Phú mở đầu câu chuyện của mình về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam như thế. Trong câu chuyện của bác, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, phát triển và trưởng thành nhanh chóng, lập được những chiến công mà dấu ấn còn ghi đậm đến tận bây giờ. Mở đầu là trận Phai Khắt, Nà Ngần – chiến thắng “đầu tay”; sau đó là bao chiến dịch, bao trận đánh khiến quân thù “kinh hồn, bạt vía” mà tiêu biểu nhất là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và ngày toàn thắng 30/4/1975 thống nhất Tổ quốc, thu non sông về một mối… Biết bao chiến công lẫy lừng mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên, góp phần xây đắp truyền thống vẻ vang “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, được nhân dân trìu mến gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Nam Phú cũng rất tự hào khi có 631 công dân ưu tú gia nhập quân đội, chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong số ấy có 75 người đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, hóa thân mình thành mùa xuân giải phóng của dân tộc; 42 người khác để lại một phần thân thể nơi chiến trường…

Câu chuyện của các cựu chiến binh thực sự cuốn hút những tâm hồn thơ trẻ, vốn chỉ biết đến chiến tranh qua những giờ học lịch sử hay câu chuyện mà các thế hệ đi trước kể lại. Có lẽ vì thế mà các em vẫn muốn biết thêm: “Tại sao ngày xưa khó khăn, gian khổ là thế mà các bác vẫn có thể vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được” hay “Tại sao các chú bộ đội lại vừa giỏi cả trong luyện tập, sẵn sàng chiến đấu lẫn trong tăng gia sản xuất như vậy”. Với sự trìu mến, cựu chiến binh Hồ Chí Tình giúp các em hiểu hơn: Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ, một lòng vì nước, vì dân nên dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng chẳng sờn lòng, dù kẻ thù hung bạo đến đâu cũng chẳng nản chí. Vì vậy mà quân đội ta mới có thể chiến thắng mọi khó khăn, gian khổ, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Cùng có mặt tham dự giờ học, Trung tá Nguyễn Mạnh Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng 72 giải thích cho các em biết thêm, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân công tác, đội quân sản xuất, không chỉ bảo vệ đất nước, quê hương mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hơn một tiếng của giờ học ngoại khóa trôi qua thật nhanh. Trong tâm trí các em giờ đây in đậm hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - những người “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Phạm Thị Quý, học sinh lớp 9A cho biết, em thấy mình cần học tập, rèn luyện tốt hơn nữa để xứng với công lao của các thế hệ đi trước. Còn Ngô Văn Huân, học sinh lớp 9B thì thổ lộ ước mơ của mình: Em muốn được tiếp bước cha anh làm người chiến sĩ súng chắc trong tay canh giữ cho hòa bình của Tổ quốc!

Bài, ảnh: Minh Sơn

  • Từ khóa