Thứ 2, 08/07/2024, 19:23[GMT+7]

Bảng lảng di văn

Thứ 2, 21/09/2020 | 08:25:24
6,656 lượt xem

Tượng lính dõng, voi đá, ngựa đá, bia đá trụ tròn khắc di văn của Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm ở lăng Thiều quận công tại làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng.

Người xưa có câu: “Chữ còn như người còn”, lời cổ nhân “linh ứng” khi các nhà nghiên cứu văn hóa phát hiện ở đền thờ Quận công Phạm Huy Đĩnh (người làng Cao Mỗ, tổng Cao Mỗ, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, nay là xã Chương Dương, huyện Đông Hưng) bia đá tròn có tên: “Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký” ghi lại công lao, đức độ của Quận công Phạm Huy Đĩnh với triều đình Lê - Trịnh nhưng điều đáng chú ý nhất là “di văn” quý giá để lại cho hậu thế chính do Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (thân phụ đại thi hào Nguyễn Du) soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772).

Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong nước và quốc tế tìm về lăng Quận công Phạm Huy Đĩnh ở làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng nghiên cứu về quần thể tượng voi đá, ngựa đá, tượng những người lính canh gác lăng bằng đá xếp thành hai hàng dọc trong khuôn viên ngôi đền thờ Quận công triều hậu Lê ở một tỉnh “ba mặt sông, một mặt biển” sông ngòi chằng chịt, lúa tốt bời bời được cho là một “hiện tượng” có sức hút mãnh liệt. Bởi Thái Bình là tỉnh đồng bằng Bắc Bộ duy nhất không có núi đá nên sự có mặt của những pho tượng đá nặng hàng tấn đã tồn tại ở đây hàng trăm năm với kỹ thuật chạm khắc đá tinh xảo trên bia đá và những pho tượng cổ có thể so sánh với hàng tượng đá chỉ có ở lăng vua Minh Mạng trong Đại nội Huế… Những bia đá tròn và tượng lính cùng linh vật hé lộ những “manh nha” vụ “hãm hại” Thái tử Lê Duy Vĩ trong triều vua Lê - chúa Trịnh mà theo sử cũ kẻ chủ mưu là Trịnh Sâm nhưng tội vạ lại “đổ” lên đầu Quận công. Các nhà nghiên cứu “ái Kiều” cũng đã “vô tình” phát hiện kho báu “di văn” hiếm hoi của Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong chuyến điền dã tìm hiểu về mối “nhân duyên” giữa dòng họ Nguyễn “Tiên Điền” hiền khảo của đại thi hào Nguyễn Du với mảnh đất “ven bờ, cuối bãi” Thái Bình, tôi cùng chuyên gia Hán Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về làng Cao Mỗ, xã Chương Dương thăm lăng Quận công Phạm Huy Đĩnh, “tiện thể” nhờ ông “hỗ trợ” dịch bài ký khắc bằng chữ Hán Nôm trên tấm bia đá kích thước cao 2m, thân bia cao 1,1m, chu vi 2,25m, kiểu dáng trụ tròn được làm trên chất liệu đá thanh. Theo các tài liệu khảo cứu khẳng định đây là “di văn” của cụ Nguyễn Nghiễm, nội dung “di văn” ca ngợi công đức của Quận công nhưng áng hùng văn của Đại tư đồ thì năm tháng chẳng hề phôi phai: “Cái cao quý nhất là đức, thứ đến là việc cho ơn và đền báo. Các quan hiền tài ngày xưa được lập đền thờ là để báo đáp những chính sách tốt của các vị lúc đương triều vậy. Còn như việc tình cảm thấm đượm trong ngoài, ơn sâu khắp cả thôn xóm, không chỉ người nay, đời nay được hưởng ân huệ đó mà đến trăm nghìn đời sau vẫn còn không hết, vua chúa noi theo hiền đức của các ngài, bắt chước cách đối xử thân thiết của các ngài, người dân thường hưởng cảnh an lạc, hưởng những lợi ích mà các ngài đã để lại cho, đó cũng là để báo đáp có thể đem ví với những chính sách tốt vậy. Xét thấy có Thái tể Thiều quận công Phạm Huy Đĩnh vốn là Đương triều Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Suy trung Tuyên lực Tráng liệt công thần, Phụng sai Dao lĩnh Thái Nguyên xứ trấn thủ kiêm Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự Trung Thắng Tiền Dực đẳng doanh Cơ trưởng Doanh quan, Thiêm quản Thị hầu thị trù Nội thủy Trung hầu Tử trạch Ưu tiền đẳng đội thuyền, Nội sai Ngũ phủ phủ liêu Tri thị nội thư tả, Hộ phiên Tư lễ giám Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc, quen biết chúa từ khi còn ở ngôi thế tử được làm bề tôi tâm phúc ở nơi màn trướng. Bên trong trông coi cung điện, bên ngoài trấn thủ những nơi trọng yếu. Phát giác sự nổi loạn trong cung, đề phòng và quét sạch những bọn phản loạn như Vương Mãng, vì thế được sủng ái ban cho tước lớn không ai bằng, huân vọng lớn nhất một thời, nhiều công lao không sao kể xiết, ông có tính hiếu đễ, yêu rộng rãi mọi người lại thân với điều nhân, ân trạch ở một ấp mà chan chứa khắp bốn bề thôn xóm. Vì thế mọi người trong huyện hơn một vạn người từ già đến trẻ đều yêu mến, ngưỡng mộ ông. Lúc này các xã trong huyện cùng nói rằng: “Xóm dưới có công việc cần làm thì nhân tài vật lực đều thiếu may được nhờ Thái tể tiên công được phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Nam Đô đốc phủ Tả Đô đốc cao đình hầu quan tâm giúp đỡ nên mới có ngày hôm nay. Nối tiếp chí của người xưa làm cho người già được yên ổn, trẻ nhỏ được chăm sóc, đùm bọc, giúp dân các việc tiện lợi, trừ bỏ những việc tệ hại khắp nơi đều nhận được ơn đức của ông, thêm vào đó uy vọng của ông làm mọi người đều thuần phục. Xóm làng trăm dặm rực rỡ như đài xuân vực thọ. Dân ta yêu như cha mẹ, ngước nhìn như sao thái tuế. Được nhờ bóng mát của cây cao mà nhớ đến tấc lòng cỏ dại phải nghĩ đến việc báo đáp ân đức của ông, mà chưa thể được. Việc đền ơn đáp nghĩa như bài thơ Quỳnh Dao ở chương “Vệ Phong” trong Kinh Thi sao bằng đặt lệ hương hỏa phụng thờ nơi lăng mộ”.

Có thể trong cuộc đời hoạn lộ của Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm bậc huân thần danh vọng bậc nhất cuối thời Lê Trung hưng đã để lại một số “di văn” rải rác trên đất nước ta mà các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa tìm ra, nhưng “di văn” của cụ để lại ở lăng Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh ở làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng là một minh chứng sinh động cho mối “lương duyên” dòng họ Nguyễn “Tiên Điền” với đất Thái Bình. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thọ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại tư đồ Xuân Quận công nguyên Tế tửu, Tri Quốc tử giám Nguyễn Nghiễm thuộc dòng họ Nguyễn “Tiên Điền” đã được các nhà nghiên cứu “nhắc” đến nhiều, chủ yếu do mối liên hệ nghiên cứu về đại thi hào Nguyễn Du, đặc biệt là khoảng thời gian “mười năm gió bụi” lánh nạn ở “Phong nguyệt sào” trên quê vợ Hải An (Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ nay) của cụ Nguyễn Du. Dòng họ Nguyễn “Tiên Điền” vốn dòng dõi Trạng nguyên Nguyễn Thiến (có tài liệu ghi là Thuyến) triều Mạc, quê xã Canh Hoạch (tức làng Vác, huyện Thanh Oai, trước thuộc Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) vì làm quan triều Mạc nên rất khó trọng dụng ở triều Lê Trung hưng. Sách “Nghi Xuân địa chí” có ghi: “Nguyễn Nhiệm quê ở xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai (Hà Nội nay) là cháu nội Trạng nguyên Nguyễn Thiến và là cháu của Thường Quốc công Nguyễn Quyện, con của Phù Hưng hầu Nguyễn Miễn”. Nguyễn Nhiệm có một thời gian “Nam chinh Bắc chiến” trong lòng mang bao mối thù hận với triều vua Lê - chúa Trịnh mà trước hết với Thượng phụ Bình An vương Trịnh Tùng đã hãm hại ông nội và bác ruột, ông quyết chí trả thù nên “đánh Đông dẹp Bắc” tỏ rõ một trang hào kiệt hơn đời, thắng thua nhiều trận vẫn không sờn lòng, nản chí. Sử cũ ghi: Nam Dương hầu đem 200 chiếc thuyền đến xứ Ông Mặc huyện Thanh Trì đánh nhau với quân nhà Lê - Trịnh bị thua to và chạy ra giữ cửa biển. Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm về vùng Kỳ Bố tuyển nhiều tráng đinh, tích lúa gạo và gia súc có ý đồ trụ lại lâu dài để dưỡng binh nuôi nhuệ khí.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Khoảng năm 1988, tôi có về làng Cao Mỗ nghiên cứu và dịch thuật bia ký “Tiên Hưng phủ Thần Khê huyện các xã từ vũ bi ký”, thông qua nhiều tư liệu khảo cứu có thể khẳng định chắc chắn rằng văn bia do chính Đại tư đồ Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du viết.
Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Ngoài ca ngợi công danh, đức độ của Thiều Quận công với triều Lê - Trịnh và với quê hương, đất nước, di văn Hán Nôm của cụ Nguyễn Nghiễm là di sản văn hóa Hán Nôm quý giá còn sót lại trên địa bàn tỉnh ta rất cần được bảo vệ.
Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Kiều học Thái Bình
Có rất nhiều bản tham luận về mối quan hệ giữa đại thi hào Nguyễn Du với Thái Bình nhưng bản “di văn” của cụ Nguyễn Nghiễm là bằng chứng khẳng định dòng họ Nguyễn “Tiên Điền” rất sâu nặng với Thái Bình.


Quang Viện