Thứ 6, 05/07/2024, 20:24[GMT+7]

Kết hợp drone và AI để làm ruộng

Chủ nhật, 01/11/2020 | 20:35:59
1,345 lượt xem
Dữ liệu cây trồng được thu thập bằng drone, xử lý bằng AI để phát hiện bất thường trước khi nạp vào một drone khác để phun thuốc xử lý.

Giải pháp dùng drone phát hiện sức khỏe cây trồng đạt giải nhất tại cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam (Viet Solutions). Ảnh: Mismart.

Hệ thống có tên Mismart, được hai kỹ sư người Việt: Phạm Thanh Toàn - chuyên gia về AI và Trần Phi Vũ - chuyên gia về phương tiện bay không người lái (UAV) phát triển trong thời gian hai năm. Những chiếc drone đầu tiên đã bay trên những cánh đồng miền Tây từ đầu năm 2020, thay thế dần sự phụ thuộc vào con người trong việc canh tác những thửa ruộng lớn.

Tương tự quy trình của người nông dân trong việc chăm sóc đồng ruộng, giải pháp của Mismart vẫn có các bước cơ bản, như thăm đồng, phát hiện bệnh của cây, và phun thuốc xử lý. Tuy nhiên, quy trình này sử dụng hoàn toàn máy móc và công nghệ.

Việc thăm đồng được thực hiện bằng máy bay không người lái gắn camera độ phân giải cao để thu thập dữ liệu hình ảnh. Các dữ liệu này sẽ được đưa vào phần mềm quản lý, nhằm lập bản đồ cây trồng, đồng thời phân tích hình ảnh nhằm phát hiện bệnh nếu có. Sau khi khoanh vùng khu vực cây nhiễm bệnh, việc phun thuốc sẽ được thực hiện bằng một drone khác và sẽ chỉ phun trong khu vực bị bệnh với liều lượng chính xác dựa trên các thuật toán.

Hệ thống camera kết hợp AI giúp lập bản đồ cây trồng. Ảnh: Mismart 

"Với cách này, người làm nông có thể tiết kiệm đến 80% thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch, phần ruộng được phun thuốc được đánh dấu và bỏ ra, vì vậy sẽ có sản phẩm nông nghiệp sạch 100%", anh Toàn chia sẻ.

Một bộ drone và giải pháp hiện có giá 200 - 250 triệu đồng. Nhà đồng sáng lập của dự án cho biết hiện sản phẩm nhắm đến phân khúc hợp tác xã nông nghiệp, những công ty phun tưới hoặc các tập đoàn nông nghiệp lớn. Giải pháp này cần chi phí đầu tư cao, đồng thời cần có giấy phép bay và người điều khiển có kỹ năng.

Toàn bộ các yếu tố công nghệ trong giải pháp của Mismart đều do người Việt làm chủ. Hai nhà đồng sáng lập đều là những chuyên gia trong lĩnh vực của mình, như UAV và AI, nên họ không gặp nhiều khó khăn về mặt phát triển phần mềm. Tuy nhiên, dự án cũng đã "ngốn tiền tỷ" vì chi phí cho các thiết bị bay không hề rẻ, theo chia sẻ từ anh Phạm Thanh Toàn.

Mẫu drone chuyên phun tưới Mis GA-22 do đơn vị này phát triển sử dụng vỏ bằng vật liệu carbon fiber, trang bị 6 cánh quạt và hiện có khả năng chở thùng tưới 22 kg. Hệ thống drone kết hợp AI này có thể thay cho 10 lao động.

Tuy nhiên, giải pháp dùng drone và AI trong nông nghiệp vẫn gặp không ít trở ngại tại Việt Nam, như xin giấy phép bay còn khó khăn, công nghiệp phụ trợ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất drone. "Những bộ phận quan trọng nhất của máy bay là động cơ và pin vẫn phải nhập khẩu. Chúng tôi mong muốn tìm được những đối tác Việt Nam để cùng phát triển sản phẩm này trong thời gian tới", đồng sáng lập Mismart nói.

Theo vnexpress.net