Thứ 2, 08/07/2024, 10:03[GMT+7]

Ngành Tài nguyên và Môi trường Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thứ 5, 17/12/2020 | 08:34:48
1,528 lượt xem
Năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn, ngành Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Kết quả nổi bật là công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát lòng sông, ven biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo chung công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các dự án trọng điểm của tỉnh về giao thông, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đã thẩm định, trình UBND tỉnh 150 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, điều chỉnh mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất và gia hạn tiến độ sử dụng đất với diện tích 397,49ha. Thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 103 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) của các tổ chức, diện tích  117,4ha (trong đó có 63 giấy chứng nhận, diện tích 79,11ha cấp đồng thời với hồ sơ giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất). Giám đốc Sở đã ký gần 16.800 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thay đổi quy mô, địa điểm, số lượng dự án, công trình trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Thái Bình để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; hướng dẫn UBND cấp huyện lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; đôn đốc các sở, ngành, huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu sử dụng đất 2021 - 2030. Báo cáo UBND tỉnh giải quyết hồ sơ thuê đất đối với dự án thực hiện tại các khu, cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; vướng mắc khi thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất; việc quy hoạch dân cư tạo nguồn vốn xây dựng cơ bản; việc quy hoạch các khu dân cư để tạo nguồn vốn thực hiện dự án tuyến đường 221A, tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; hướng dẫn thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...

Lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được ngành đặc biệt quan tâm, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, giám sát ô nhiễm tại các nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường, tập huấn, hội thảo, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn; tổ chức phát động hưởng ứng các ngày lễ về BVMT, đa dạng sinh học; lấy mẫu đột xuất, kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh và xử lý chất thải tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; giám định chất lượng môi trường tại các khu vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh; kiểm tra việc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình BVMT; kiểm tra, đưa khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; kiểm tra tiêu hủy phế liệu; duy trì trung tâm quản lý số liệu quan trắc tự động; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước về môi trường; kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Thái Bình đến năm 2025; khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đối với các xã sau sáp nhập; tiêu chí môi trường đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.

Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được tăng cường và chuyên sâu. Thanh tra Sở đã hoàn thiện kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của UBND 8 huyện, thành phố và 16 xã, phường, thị trấn; hoàn thiện kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, BVMT, tài nguyên nước của chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kết luận thanh tra, kiểm tra tại 1 bệnh viện và 23 doanh nghiệp. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của 9 doanh nghiệp theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 và theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phối hợp với Công an tỉnh tuần tra, kiểm tra việc khai thác cát tại các sông trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch và phản ánh của các tổ chức, công dân. Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất lúa tại 3 huyện (Hưng Hà, Thái Thụy, Đông Hưng). Chánh Thanh tra Sở đã quyết định xử phạt 18 trường hợp với tổng số tiền xử phạt và tiền tịch thu gần 730 triệu đồng; đã hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 7 trường hợp với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do dịch Covid-9 theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Giám đốc Sở đã ban hành văn bản điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra (hoãn thanh tra, kiểm tra đối với 69 tổ chức, cá nhân), chỉ thực hiện đối với 13 tổ chức cần thiết, trong quá trình thực hiện thanh tra bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực của ngành để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc cắt giảm thời gian thực hiện và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thuận lợi, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, nghiệp vụ cho các huyện, thành phố trong công tác cấp giấy chứng nhận; phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực ngành quản lý.

Minh Nguyệt