Thứ 6, 05/07/2024, 20:20[GMT+7]

Nuôi thỏ thương phẩm an toàn sinh học

Thứ 6, 15/01/2021 | 08:43:44
1,386 lượt xem
Sau thời gian thử nghiệm chăn nuôi gà, lợn, gia đình anh Lê Văn Quân, thôn Quyết Thắng, xã Hòa Bình (Vũ Thư) quyết định nuôi thỏ thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. Bước đầu mô hình đã giúp gia đình anh có mức thu nhập khá.

Gia đình anh Lê Văn Quân nuôi thỏ thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.

Trang trại rộng 3ha của gia đình anh Quân trước đây là cánh đồng cấy lúa kém hiệu quả. Mấy năm trước, anh thuê lại để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. 

Anh Quân cho biết: Tôi từng thử sức chăn nuôi gà, lợn thời gian khá dài nhưng đầu năm 2019 tôi quyết định chuyển hướng phát triển nuôi thỏ New Zealand thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. So với gà, lợn hay vịt thì dịch bệnh trên thỏ rất ít khi xảy ra, nếu có thì thường ở mức độ thấp, không lây lan, do đó giảm rủi ro cho người chăn nuôi. Mặt khác, thỏ có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nuôi thỏ tuy khó nhưng nếu nắm chắc đặc tính của thỏ thì sẽ thành công, quan trọng nhất là thỏ New Zealand kém chịu nóng nên chuồng nuôi cần bảo đảm thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng thường xuyên. Để chủ động ngăn ngừa bệnh nấm, rối loạn tiêu hóa, tôi thực hiện tiêm phòng vắc-xin định kỳ đầy đủ cho đàn thỏ.

Nuôi thỏ theo biện pháp nuôi thông thường sẽ gặp nhiều rủi ro hơn vì thỏ dễ nhiễm bệnh. Để bảo đảm nguồn thức ăn sạch, an toàn cho thỏ, anh Quân dành một phần đất ở trang trại để trồng cây chè đại. Đây là loại cây có hàm lượng dinh dưỡng và lượng kháng sinh tự nhiên cao, rất tốt cho thỏ. Ngoài ra anh trồng thêm những cây dược liệu khác có tác dụng tăng sức đề kháng cho thỏ. Trong quá trình cung cấp thức ăn cho thỏ, người chăn nuôi phải bảo đảm lá cây, rau, cỏ tươi, khô ráo, không có thức ăn bị héo úa, nhiễm khuẩn để tránh thỏ bị bệnh đường tiêu hóa. Chăn nuôi bằng biện pháp an toàn sinh học, anh cũng chú trọng xử lý phân và nước tiểu thỏ trong chuồng trại bằng men sinh học (đệm lót sinh học). Lượng phân thỏ đã được xử lý, anh dùng để nuôi trùn quế, bán trùn thương phẩm và dùng phân trùn quế bón cây thức ăn cho thỏ ở vườn. Áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, mặc dù nuôi thỏ với số lượng nhiều nhưng khu vực nuôi thỏ của gia đình anh Quân lúc nào cũng sạch sẽ, thông thoáng, đàn thỏ không nhiễm bệnh, phát triển tốt.

Sau gần 2 năm học hỏi và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, đến nay, trang trại của anh Quân đang nuôi 650 con thỏ mẹ. Mỗi tháng, thỏ mẹ sinh sản một lứa từ 6 - 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg là xuất bán. Thị trường tiêu thụ thỏ thươ ng phẩm hiện nay khá thuận lợi, ổn định. Ngoài nuôi thỏ, tận dụng diện tích trang trại, gia đình anh kết hợp nuôi gà thả vườn, tổng thu nhập hiện đạt 150 triệu đồng/năm. Dự kiến những năm tới thu nhập từ đàn thỏ sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với hiện nay.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Quân phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay ở địa phương bởi có thể tận dụng những sản phẩm phụ từ nông nghiệp, chăn nuôi mang tính an toàn, bền vững, thị trường tiêu thụ thỏ thương phẩm ổn định. Mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm an toàn sinh học của gia đình anh Quân bước đầu mang lại thu nhập khá, là lựa chọn hợp lý thay thế lợn khi bệnh dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày