Thứ 4, 03/07/2024, 09:21[GMT+7]

Cây dâu tằm cho nhiều vị thuốc quý

Thứ 2, 08/03/2021 | 08:15:49
1,813 lượt xem
Từ cổ chí kim, cây dâu tằm không những được coi là một nguồn nguyên liệu phát triển kinh tế mà còn được coi là một thần dược trong vườn, tất cả các bộ phận trên cây dâu gồm cả lá, quả, thân, rễ, kể các loài thực vật ký sinh trên cây dâu, các động vật ăn lá dâu đều cho các vị thuốc quý.

1. Lá dâu (tên vị thuốc là Tang diệp)
- Chữa đau mắt, mờ mắt, đau đầu, ra mồ hôi trộm và làm sáng mắt...
Lấy 1 nắm lá dâu rửa sạch đun nước uống hàng ngày, nước nấu lá dâu rửa mặt, đồng thời lấy lá dâu bánh tẻ hơ nóng rồi đắp phủ lên mắt vừa chữa đau mắt vừa làm sáng mắt.
- Lấy lá dâu cùng với lá cây đinh lăng rửa sạch phơi khô cho vào gối để gối đầu cho trẻ sẽ dễ ngủ, chữa bệnh giật mình và đổ mồ hôi trộm ở trẻ em. Hoặc lá dâu cùng lá vông thái nhỏ nấu canh với thịt nạc ăn, chữa bệnh mất ngủ.

2. Cành dâu (tên vị thuốc là Tang chi)
Chữa tê mỏi chân tay, đau xương nhức khớp...
Lấy cành dâu, rễ cây bưởi bung, cỏ xước, cây xấu hổ, cây lá lốt, cây đau xương, rửa sạch phơi khô cắt ngắn sao vàng, mỗi lần dùng, lấy mỗi thứ 1 nắm đun nước uống hàng ngày sẽ giảm đau nhức xương khớp.

3. Vỏ rễ dâu (tên vị thuốc là Tang bạch bì)
Chữa ho, tiêu đờm.
Vỏ rễ dâu và vỏ thân cây hoa hòe rửa sạch cạo phần bì ngoài, đập dập cắt ngắn sao qua lửa rồi cho vào lọ, đổ mật ong ngập vỏ rễ cây, ngâm sau vài ngày. Khi bị ho lấy một hai miếng vỏ ngậm trong miệng, nhai nuốt nước bỏ bã, có tác dụng giảm ho tiêu đờm dễ chịu.

4. Quả dâu chín (tên vị thuốc là Tang thầm)
Vị thuốc bổ máu.
Rửa sạch quả dâu chín để ráo nước cho vào lọ ủ với đường phèn, cứ 1kg quả dâu chín ủ với 1/2kg đường phèn, ngâm 10 ngày pha nước uống như sirô, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tốt cho người ốm lâu ngày suy nhược cơ thể, phụ nữ sau sinh. Có thể cho quả dâu chín vào ngâm rượu uống.

5. Gửi cây dâu (tên vị thuốc là Tang ký sinh)
Là vị thuốc quý trong các bài thuốc bổ can thận, mạnh gân xương, an thai, lợi niệu, thông tắc tia sữa... vị thuốc này được dùng theo đơn thuốc của thầy thuốc đông y.

6. Tổ con bồng ngựa cây dâu (tên vị thuốc là Tang phiêu tiêu)
Là vị thuốc quý trong các bài thuốc bổ thận tráng dương, di mộng tinh, tiểu són, đái dầm. Được dùng theo đơn của các bác sĩ đông y.
Kinh nghiệm chữa đái dầm trẻ nhỏ: Lấy tổ bồng ngựa sấy khô giòn, tán bột mịn, mỗi lần uống 5 gam, ngày uống 2 lần, trộn với chút đường cho dễ uống. Uống liền 15 - 20 ngày sẽ khỏi).

7. Con tằm chết có màu trắng (Bạch cương tằm)
Là vị thuốc quý trong các bài thuốc chữa trẻ em bị kinh phong giật, méo miệng, trẻ khóc đêm, mồ hôi trộm... Dùng vị này theo đơn thuốc, theo hướng dẫn của thầy thuốc đông y.

8. Con tằm chín (tằm ăn lá dâu đến khi toàn thân có màu vàng rộm)
Là vị thuốc bồi bổ sức khỏe sau ốm, phụ nữ sau đẻ, người gầy mệt mỏi, hư lao, suy nhược cơ thể.
Con tằm chín sấy khô, tán bột cho vào lọ để ăn dần mỗi ngày 2 thìa canh, có thể trộn ăn cùng với cháo nóng.

9. Sâu thân cây dâu
Là vị thuốc bồi bổ giống con tằm chín, có thể nướng ăn hoặc sấy khô tán bột dùng dần.

Lưu ý: Tất cả những loài động vật ăn lá dâu như tằm, nhộng tằm, con ngài tằm, sâu dâu, tổ bồng ngựa đều có thể gây dị ứng đối với một số người có cơ địa dị ứng, vì vậy trong khi dùng nên thận trọng.

TÓM LẠI:
Cây dâu cho ta nhiều vị thuốc quý, tuy nhiên có những bộ phận tự hái tự dùng nhưng có những bộ phận phải do thầy thuốc bào chế phối hợp với các vị thuốc khác và theo liều lượng nhất định thì mới cho hiệu quả chữa bệnh tốt. Nếu điều gì chưa rõ thì xin tư vấn thầy thuốc đông y.

Có thơ rằng:
Tằm dâu cuộn kén cho ta
Tháng năm cần mẫn dệt ra lụa đời
Dâu tằm làm thuốc cho người
Tăng thêm sức khỏe nụ cười niềm vui.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày