Thứ 6, 05/07/2024, 17:52[GMT+7]

Làm giàu trên vùng đất khó

Thứ 3, 21/09/2021 | 08:41:29
756 lượt xem
Từ bỏ công việc xây dựng đã gắn bó bao năm, thuê lại 5,5ha đất lúa để làm nông nghiệp, anh Trần Văn Thuận, thôn Lục Tiên, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) đang hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, đồng thời tạo sức lan tỏa góp phần khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang ở địa phương.

Cơ giới hóa gần 80% các khâu trong sản xuất giúp anh Trần Văn Thuận giảm được nhiều chi phí nhân công.

Với 5,5ha đất, mỗi năm anh Thuận trồng 3 vụ: một vụ khoai tây, một vụ dưa hấu và một vụ lúa. Anh chia sẻ: Trước đây tôi làm trong lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho gia đình và đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi đầu tư thêm máy cày và máy gặt cỡ lớn để làm dịch vụ cho bà con. Thời gian gần đây, do chuyển dịch cơ cấu lao động, người dân chủ yếu đi làm tại các công ty, xí nghiệp; lao động còn lại ở địa phương chủ yếu là những người già cả, không còn sức lao động; đồng ruộng bị chuột phá hoại nhiều nên người dân không còn mặn mà, nhiều diện tích bị bỏ hoang gây lãng phí nên tôi mạnh dạn thuê lại ruộng của bà con để sản xuất tập trung. Toàn bộ diện tích đất anh Thuận tích tụ được là thuê lại của hơn 140 hộ dân trong xã. Đây là khu đất trũng, nằm sát chân đê, cấy lúa kém hiệu quả nên nhiều người bỏ hoang không cấy. Việc thuê lại đất anh thỏa thuận trực tiếp với bà con với giá 70kg thóc/sào/năm. Trong quá trình tích tụ, anh gặp nhiều khó khăn do có người ủng hộ song cũng có người không đồng ý cho thuê. Có nhiều gia đình anh phải tới nhà 5 - 7 lần để thỏa thuận. Với những hộ vẫn muốn cấy, anh thuê lại ruộng của các hộ không cấy lúa trong làng để đổi ruộng cho họ.

Từ ý định tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa tập trung ban đầu, anh Thuận chuyển sang trồng cây màu cho hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết: Do chất đất ở đây chủ yếu là đất pha cát, trồng lúa cho hiệu quả không cao nhưng lại rất phù hợp với trồng khoai và dưa hấu nên những năm gần đây tôi chỉ cấy một vụ lúa, vụ đông trồng khoai tây, còn vụ xuân hè trồng dưa hấu. Toàn bộ các khâu từ làm đất, vun luống, bỏ phân, phun thuốc trừ sâu, làm cỏ, thu hoạch đều được cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí thuê nhân công. Hiện nay, gia đình thuê 2 lao động thường xuyên, còn lại chỉ thuê nhân công thời vụ. Vào một số thời gian cao điểm như lúc thu hoạch, gia đình thuê khoảng 7 - 10 người. Ngoài nguồn thu từ lúa, mỗi năm anh Thuận thu khoảng 65 tấn khoai tây, trên 40 tấn dưa hấu. Toàn bộ nông sản đều được thương lái đến thu mua tận ruộng. Tận dụng diện tích bờ vùng, bờ thửa, anh trồng trên 1.000 gốc cây ăn quả như nhãn, bơ, vú sữa, bưởi và khoảng 500 khóm chuối. Mỗi năm anh Thuận thu về hơn 1 tỷ đồng từ bán các loại nông sản, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Từ hiệu quả chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu, anh Thuận dự định trong thời gian tới sẽ chuyển hẳn cả 3 vụ sang trồng màu đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích đất tích tụ để sản xuất tập trung.

Theo chia sẻ của anh Thuận, khó khăn lớn nhất của gia đình khi sản xuất quy mô lớn đó là chưa có đường điện 3 pha nối ra khu vực này, vì đây là khu đất trũng, khi mưa lớn xảy ra rất dễ bị ngập úng gây thiệt hại. Nếu có đường điện 3 pha sẽ giúp việc bơm tiêu thoát nước được thuận lợi và nhanh hơn bảo vệ hoa màu. Vì vậy, gia đình mong chính quyền địa phương tạo điều kiện có đường điện 3 pha nối ra đồng để người dân thuận lợi hơn trong sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương.

Theo đồng chí Hoàng Ngọc Định, Phó Bí thư Đảng ủy xã: Mô hình của gia đình anh Trần Văn Thuận là một trong những mô hình dân vận khéo tiêu biểu trong tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Hiện nay, toàn xã có khoảng 30 hộ tích tụ ruộng đất từ 1 - 3 mẫu để sản xuất tập trung. Hầu hết các mô hình đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình nhằm góp phần khắc phục tình trạng ruộng đất bỏ hoang và nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày