Thứ 2, 08/07/2024, 17:14[GMT+7]

Tác động của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn

Thứ 5, 21/11/2019 | 09:30:03
77,664 lượt xem
Trong những năm gần đây và những năm tiếp theo, tỷ trọng lao động trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng giảm dần, lao động trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, mặc dù tốc độ còn chậm và tốc độ này sẽ tăng nhanh hơn khi nền kinh tế càng phát triển...

Ảnh minh họa.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm gia tăng độ tuổi trung bình của nguồn nhân lực nông thôn

Do nhu cầu của lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên, một bộ phận đáng kể lao động trẻ có sức khỏe và có trình độ cao hơn dần chuyển ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngược lại một bộ phận sức khỏe yếu đã hết tuổi lao động (đã mất sức, nghỉ hưu) hoặc không đáp ứng được yêu cầu lại chuyển từ lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ để trở lại sản xuất nông nghiệp. Các quá trình này diễn ra đồng thời và thường xuyên dẫn đến độ tuổi trung bình của nguồn nhân lực (NNL) nông nghiệp, nông thôn cao hơn đồng nghĩa với sức khỏe hạn chế hơn so với các lĩnh vực khác. Độ tuổi trung bình có xu hướng tăng lên đặt ra áp lực thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, giảm bớt cường độ lao động. Độ tuổi trung bình tăng lên có thể hạn chế khả năng tiếp thu khoa học công nghệ và thực hiện đổi mới các phương thức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm gia tăng tỷ lệ lao động nữ trong nông thôn

Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, đồng thời kiếm thêm thu nhập trong gia đình, phần đông lao động nam giới chuyển khỏi nông nghiệp và rời khỏi nông thôn đến làm việc trong các khu công nghiệp hoặc thành thị. Lao động nữ (đặc biệt là lao động phụ nữ) phần lớn ở lại nông thôn để là việc đồng áng và chăm sóc gia đình. Đây là đặc điểm cần xem xét trong chính sách phát triển nguồn nhân lực để tạo điều kiện cho lao động nữ được học tập và tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm giảm nguồn nhân lực nông thôn cả về số lượng tuyệt đối lẫn số lượng tương đối

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân được cải thiện hơn do đó mà tăng cơ hội tiếp xúc với hệ thống giáo dục. Người dân có trình độ văn hóa, trình độ nhận thức hơn. Chính điều này làm cho tốc độ tăng dân số ở nông thôn có xu hướng giảm xuống, kéo theo NNL nông thôn cùng giảm xuống về mặt số tuyệt đối. Bên cạnh đó do quá trình CNH - HĐH và quá trình đô thị hóa, các đô thị khu công nghiệp và khu chế xuất hình thành nhiều hơn dẫn đến dân số nông thôn cũng giảm xuống, nhiều lao động mất đất chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ làm việc. Điều này làm giảm số lượng tương đối nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp khi tốc độ gia tăng nguồn nhân lực nông thôn chậm hơn tốc độ tăng trưởng dân số.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm nguồn nhân lực nông nghiệp có xu hướng giảm dần cả về mặt số lượng và tỷ trọng trong tổng nguồn nhân lực xã hội

Đây là xu hướng có tính quy luật của nguồn nhân lực cả nước cũng như nguồn nhân lực nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm gần đây và những năm tiếp theo, tỷ trọng lao động trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng giảm dần, lao động trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, mặc dù tốc độ còn chậm và tốc độ này sẽ tăng nhanh hơn khi nền kinh tế càng phát triển.

Trong giai đoạn đầu của CNH - HĐH, nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, năng suất lao động nông nghiệp tăng lên, một số lao động được giải phóng trở nên dư thừa và được các ngành khác thu hút, sử dụng vào hoạt động sản xuất - dịch vụ nhưng do tốc độ tăng tự nhiên của lao động trong khu vực công nghiệp lớn hơn tốc độ thu hút lao động dư thừa từ nông nghiệp, nên thời kỳ này tỷ trọng nông nghiệp mới giảm về tương đối. Ở giai đoạn thứ hai khi kinh tế đã phát triển ở trình độ cao, năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh và năng suất lao động xã hội đạt trình độ cao. Số lao động nông nghiệp giải phóng đã được ngành khác thu hút. Vì thế trong giai đoạn này số lượng lao động giảm cả tương đối và tuyệt đối.

Như vậy, xu hướng của chuyển dịch là gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, chuyển sản xuất nông nghiệp sang hướng sản xuất hiện đại.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm gia tăng tính cơ động và chất lượng nguồn nhân lực nông thôn

Do lao động có tính thời vụ nên trong những tháng nông nhàn thường có một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển ra các thành phố để kiếm thêm việc làm. Đến thời vụ họ lại trở về với việc nhà nông. Sự di chuyển diễn ra thường xuyên làm cho lao động càng trở nên năng động. Chính điều này đòi hỏi các chính sách nguồn nhân lực nông thôn phải giúp cho người lao động vừa giỏi nghề nông đồng thời cũng biết thêm một vài nghề phụ khác để có thêm việc làm tạo thu nhập.

Đi liền với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng đầu tư trong sản xuất, hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên hàng đầu. Bởi vậy để phát huy tối đa đồng vốn bỏ ra, người lao động nông thôn phải nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Bên cạnh đó, kinh tế càng phát triển thì yêu cầu đối với người lao động càng khắt khe, do đó để có thể kiếm được việc làm thì đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực nông thôn phải ngày càng nâng cao là điều tất yếu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đoàn Văn Khái (2005), Nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đặng Thị Tố Tâm

Học viện Chính trị khu vực I

  • Từ khóa