Thứ 6, 05/07/2024, 13:14[GMT+7]

Tập trung chăm sóc lúa xuân

Thứ 6, 11/03/2022 | 08:06:52
8,941 lượt xem
Những ngày nắng ấm là điều kiện thuận lợi để nông dân xuống đồng tập trung bón thúc, phòng, trừ các đối tượng gây hại bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Nông dân huyện Hưng Hà tranh thủ thời tiết thuận lợi bón thúc cho lúa xuân.

Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 2 vừa qua đã ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của 5 sào lúa mới cấy của gia đình bà Đỗ Thị Nhàn, xã Bình Nguyên (Kiến Xương). Ngay sau khi thời tiết ấm lên, bà Nhàn tranh thủ thời gian để tỉa dặm, chăm bón nhằm nhanh chóng “hồi sinh” cây lúa. Bà cho biết: Gia đình tôi vừa cấy xong thì rét đậm, rét hại tràn về. Vài ngày sau nắng lên, tôi ra ruộng kiểm tra, rét hại làm khuyết khoảng 30% mật độ. Thực hiện khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, tôi đã bảo quản tốt mạ dự phòng nên ngay sau khi thời tiết ấm lên tôi tranh thủ dặm để bảo đảm mật độ kết hợp xới đất và bón lân để kích rễ. Hiện nay lúa đã hồi xanh thì bón đạm để lúa đẻ nhánh tập trung. 

Hiện tượng thiếu dinh dưỡng, sinh trưởng kém cũng xuất hiện khá nhiều ở đồng ruộng các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là ở diện tích lúa trà sớm chưa kịp bón thúc trước khi xảy ra đợt rét đậm, rét hại vừa qua. 

Ông Nguyễn Xuân Chính, xã Hòa Bình (Hưng Hà) cho biết: Rét hại kéo dài khiến lúa sinh trưởng chậm hơn, trong khi đó thời tiết luôn duy trì nhiệt độ thấp nên trong nhiều ngày qua bà con nông dân chúng tôi không thể tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây được. Dịp này thời tiết đã tốt và ổn định hơn là điều kiện thuận lợi để cây phục hồi, hấp thụ dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm ốc bươu vàng gia tăng và gây hại, vì vậy cùng với việc bón thúc, tỉa dặm, tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, diệt trừ ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công để bảo vệ lúa. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Vụ xuân năm nay, huyện Hưng Hà gieo cấy 10.560ha lúa, trong đó nhóm lúa chất lượng cao làm hàng hóa chiếm gần 40% diện tích. Đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19 - 23/2 vừa qua khiến 600ha lúa xuân trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng, trong đó 30ha phải cấy lại. Đến ngày 5/3, nông dân trong huyện đã hoàn thành việc dặm tỉa, chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa. Huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi và các HTX điều tiết nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển bình thường; đối với diện tích cấy sớm để trồng cây màu hè hướng dẫn nông dân làm cỏ, sục bùn và bón phân NPK; đối với diện tích gieo thẳng tập trung bón phân qua lá để kích thích rễ phát triển, ra lá mới. Huyện cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục phát động diệt chuột, ốc bươu vàng bằng nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất. 

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân giữ mực nước nông mặt ruộng để tạo thuận lợi cho lúa đẻ nhánh tập trung.

Vụ xuân năm nay, mặc dù có sự chỉ đạo tập trung đối với sản xuất từ khâu gieo mạ, đổ ải, làm đất, gieo cấy lúa nhưng do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp ở mức trên dưới 100C đã làm chậm tiến độ gieo cấy lúa của nông dân, kéo dài thời vụ gieo cấy. 

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Theo báo cáo của các huyện, thành phố, diện tích lúa xuân của toàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi rét hại khoảng gần 5.000ha (chủ yếu tập trung trên những diện tích gieo thẳng, lúa cấy các giống kém chịu rét), trong đó bị ảnh hưởng dưới 30% diện tích là 2.505ha, từ 30 - 70% diện tích là 1.688ha, trên 70% diện tích là 775ha. Tuy nhiên, tranh thủ thời tiết thuận lợi, từ ngày 26/2 đến nay, bà con nông dân đã khẩn trương và cơ bản hoàn thành việc khắc phục những diện tích bị ảnh hưởng do thời tiết. Chi cục đã ban hành hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân duy trì mực nước nông thường xuyên trong ruộng không để tình trạng lúa chết do thiếu nước, bón bổ sung phân supe lân, phân qua lá (COMCAT, KH, ET...) để bộ rễ hồi phục nhanh sau rét hại, bón thúc cho lúa xuân ngay khi cây bắt đầu ra lá mới bằng các loại phân NPK tổng hợp có hàm lượng lân và kali cao giúp cho cây trồng khỏe. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, sinh vật gây hại trên lúa để có biện pháp phòng, trừ kịp thời, hiệu quả. Tăng cường quản lý thị trường giống, vật tư nông nghiệp, tránh để nông dân mua phải hàng giả hoặc kém chất lượng ảnh hưởng xấu đến sản xuất. 

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả theo nguyên tắc “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón tập trung; từng bước thay thế phân bón vô cơ bằng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh gắn với xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị lúa gạo.

Ngân Huyền