Thứ 5, 22/05/2025, 17:35[GMT+7]

Trường Sa - trường tồn giữa biển khơi (Tiếp theo và hết) Kỳ 4: “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa

Thứ 5, 22/05/2025 | 10:05:59
577 lượt xem
Trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam, đảo Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Từ lâu nay, đảo Trường Sa được mệnh danh là thủ đô của huyện đảo Trường Sa, giống như một pháo đài sừng sững, kiên trung bất khuất giữa biển khơi bao la.

Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa.

Cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý, đảo Trường Sa là đảo lớn trong cụm đảo Trường Sa. Đây là đảo duy nhất mà các tàu lớn có thể neo tại cầu cảng mà không phải tăng bo bằng xuồng. Mọi mệt mỏi bỗng chốc tan biến khi mọi người đặt chân lên đảo, được chào đón nồng nhiệt bằng những cái bắt tay tình nghĩa của quân và dân. Bà Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình chia sẻ: Vậy là ước mơ được một lần ra với Trường Sa của tôi và tất cả các thành viên trên tàu cũng thành hiện thực. Cảm giác thân thuộc, tự hào xen lẫn xúc động khi được đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa mênh mông sóng nước, đảo Trường Sa nằm vững chãi, hiên ngang và giàu đẹp như chính niềm tin của mỗi người con đất Việt dành cho biển, đảo quê hương. 

Mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô; so với mực nước biển lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 3,4m - 5m. Theo chia sẻ của Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ thường xuyên từ khắp mọi miền Tổ quốc, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo nên Trường Sa hôm nay đang mang một diện mạo mới, không ngừng lớn mạnh, giàu đẹp. Trên đảo có nhà khách Thủ Đô, chùa Trường Sa, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, âu tàu, làng chài, đồn biên phòng, nhà đèn, nhà dân, bệnh xá. Các công trình không ngừng được đầu tư, nâng cấp đã góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo. Hiện nay, đời sống văn hóa, tinh thần của quân và dân trên đảo ngày càng được nâng cao và bảo đảm đầy đủ. 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi, có hệ thống thu tín hiệu vệ tinh. Trên đảo có phòng đọc sách, báo với gần 4.800 đầu sách và 28 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật. 

Đại tá Nguyễn Duy Thiều, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân cho biết: Đảo Trường Sa có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và gần các ngư trường giàu tài nguyên. Việc kiểm soát đảo Trường Sa giúp Việt Nam bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, cũng như bảo đảm quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế biển. Đảo cũng là nơi đặt trạm khí tượng, đài quan sát và các cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển. 

Giữa trùng khơi mênh mông, đảo Trường Sa hiện lên như một biểu tượng của ý chí và sức sống con người Việt Nam. Thiếu úy Vũ Đình Minh, một người con quê hương xã Thụy Văn (Thái Thụy) đang công tác tại Ban Cơ yếu Vùng 4 Hải quân chia sẻ: Đảo Trường Sa là biểu tượng, là Thủ đô thiêng liêng giữa trùng khơi. Mỗi ngày trôi qua, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo miệt mài làm việc. Bộ đội luyện tập, tuần tra bảo vệ chủ quyền, ngư dân khai thác hải sản, phụ nữ chăm sóc rau xanh, trẻ em đến lớp, thầy cô giáo giảng bài. Dù điều kiện khắc nghiệt, nắng gắt, thiếu đất, nước ngọt khan hiếm nhưng tất cả cùng nỗ lực tạo nên một cuộc sống ổn định, an toàn. Đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa thì đảo là nhà, biển cả là quê hương. Với ý chí, nghị lực và quyết tâm cao, quân và dân trên đảo đã chăm chút, cải tạo Trường Sa từ đảo cát trắng trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát. Với nhiều người, Trường Sa không chỉ là nơi công tác tạm thời mà đã trở thành ngôi nhà thứ hai. 

Điều khiến chúng tôi xúc động nhất đó là được chứng kiến lễ chào cờ ở đảo Trường Sa. Quốc ca ngân lên giữa biển trời bao la, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió là giây phút mà mỗi người đều thấy tự hào, thêm yêu Tổ quốc mình hơn. Thượng tá Lê Thành Sơn, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình tâm sự: Cũng là bài Quốc ca “Tiến quân ca”, cũng là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mà sao lễ chào cờ ở Trường Sa nó lại thiêng liêng, xúc động và tự hào đến vậy. Đứng giữa muôn trùng sóng gió của đại dương, tiếng nhạc quốc ca hùng tráng vang lên cùng hình ảnh lá cờ đỏ tung bay giữa biển trời Tổ quốc, tôi muốn hát vang bài Quốc ca giữa đảo quê hương như lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Có lẽ không chỉ tôi mà dường như ai cũng có thể cảm nhận dưới chân mình là từng viên đá, hạt cát đã thấm máu cha anh để gìn giữ bình yên cho Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió. Rồi giây phút xúc động nữa là thời khắc con tàu HQ 571 nhổ neo từ từ rời đảo Trường Sa. Trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xếp hàng ngay ngắn, cất vang những bài ca yêu quê hương, đất nước. Những cái vẫy tay, lời chào tạm biệt “Trường Sa vì cả nước. Trường Sa nhớ đất liền” cứ vang vọng rồi tắt dần trong gió biển bao la làm cho chúng tôi muốn trào nước mắt. 

Chúng tôi trở về đất liền, còn các anh, các chị vẫn ở lại nơi đầu sóng, ngọn gió. Giữa trùng khơi bao la, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa vẫn ngày đêm kiên cường bám biển, vững vàng bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảo Trường Sa được ví như thủ đô của huyện đảo Trường Sa.

Đỗ Hồng Gia

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày