Thứ 4, 03/07/2024, 11:27[GMT+7]

Lễ Phật đản và Phật giáo ở Thái Bình

Thứ 2, 16/05/2022 | 08:47:15
17,316 lượt xem
Phật đản và Vu lan là hai ngày lễ trọng trong năm của Phật giáo. Phật đản nghĩa là ngày sinh của đức Phật Thích Ca. Với những nước có Phật giáo thì lễ Phật đản diễn ra hàng năm vào ngày mùng 8/4 hoặc ngày 15/4 âm lịch, tùy theo từng quốc gia. Tuy nhiên, theo truyền thống Phật giáo Bắc tông và ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày lễ Phật đản là ngày kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật Thích Ca, nhưng theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì đó là ngày Tam hiệp với ý nghĩa vừa là ngày sinh, ngày thành đạo và cũng là ngày nhập niết bàn của đức Phật.

Nghi lễ tắm Phật. Ảnh tư liệu

Trước năm 1959, Việt Nam và một số quốc gia Đông Á thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày mùng 8/4 âm lịch. Ở nước ta, theo quan niệm dân gian thì vào ngày 8/4 thường có mưa “tắm Bụt”, vốn có câu ca: “Mồng tám tháng tư, Bụt sinh cá đẻ, cua rẽ đầy đồng”. Các quốc gia theo Nam truyền thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch hay là ngày trăng tròn trong tháng 5 dương lịch. Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Colombo vào năm 1950 đã thống nhất ngày lễ Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm. Ở nhiều nơi như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia... lễ Phật đản là ngày nghỉ lễ quốc gia. Ở Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Vào ngày này, các Phật tử không sát sinh, thực hiện ăn chay, vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật trang trọng. Các Phật tử thường đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, làm từ thiện, tặng quà cho những người già cả neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi…

Phật giáo vào Việt Nam từ lâu đời. Theo các nguồn sử liệu thì vào những năm đầu Công nguyên đã có các cao tăng từ Trung Hoa, Ấn Độ vào truyền giáo. Từ thuở sơ khai, các nhà sư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu bằng đường sông, đường biển. Thái Bình là vùng đất thuộc duyên hải Bắc Bộ nên sớm xuất hiện dấu chân của các nhà sư từ nước ngoài tới truyền giáo. Theo thần tích, vào đầu Công nguyên ở gò đất Kim Quy (Hưng Hà) đã có chùa Tiên La và Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục đã nương náu ở ngôi chùa này để tụ nghĩa chống Hán. Trên gò Xế Nãi thuộc cánh đồng Lạc Đạo (thành phố Thái Bình), vào thế kỷ III đã có chùa Bụt Mọc còn gọi chùa Ngô được xây vào thời Ngô. Đến thế kỷ thứ VI, Lý Bí dựng chùa Mục Đồng ở làng Cổ Trai (Hưng Hà)... Đôi câu đối cổ ở chùa Ngàn, nay thuộc thành phố Thái Bình đã cho thấy vào thế kỷ thứ VIII, các nhà sư Ấn Độ đã qua cửa Bố Hải theo dòng Trà Lý vào sông Hồng để ngược lên vùng Kinh Bắc truyền giáo.

Đến thế kỷ thứ X - XI, đạo Phật đã thịnh hành ở Việt Nam, các nhà sư có danh vọng được phong Quốc sư và thường tham gia chính sự. Lý Công Uẩn lên ngôi nhờ sự đạo diễn của thiền sư Vạn Hạnh và thời Lý đã coi đạo Phật là quốc giáo. Thiền sư Đỗ Đô ở làng Ngoại Lãng (Vũ Thư), người diễn giải giáo phái Hoàng Giang, là một trong những vị tổ có danh tiếng của dòng thiền Thảo Đường, đồng thời là một Quốc sư đã được các vị vua triều Lý suy tôn là “bậc tiền sư” (người thầy đi trước). Cùng với Đỗ Đô, vào thời Lý ở Thái Bình còn có các sơn môn khác như sơn môn Nghiêm Quang (Vũ Thư), sơn môn Lộng Khê (Quỳnh Phụ) của Quốc sư Không Lộ; sơn môn La Miên (Quỳnh Phụ), sơn môn Lại Trì (Kiến Xương) của Quốc sư Minh Không. Cũng vào thời Lý, Quốc sư Từ Đạo Hạnh đã khai sơn Già Lam Phượng Vũ (Vũ Thư)...

Nhà Trần phát tích từ đất Thái Bình và các vua đầu triều Trần như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông cùng các vị trong hoàng tộc đều là những nhà Phật học có công hoằng dương Phật pháp ở quê nhà. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, vào thời Trần, hệ thống chùa chiền và tăng chúng nở rộ. Những ngôi chùa lớn như: Đại Đồng, Trừng Mại (Vũ Thư); Am Qua, Vĩnh Ninh, A Sào, Sơn Đồng, Giành (Quỳnh Phụ); Phú Khê, Tống Khê, Đồng Quan, Thượng Liệt, Đồng Lan, Bình Cách, Đồng Hải (Đông Hưng); Thái Đường, Thâm Động, Đình Ngũ, Vân Đài (Hưng Hà); Lưu Đồn, Vạn Đồn, Tu Trình, Phương Man, Diêm Tỉnh, Bần Xuân Phất Lộc, Trung Liệt, Hạ Liệt, Tam Tri, Chi Chỉ, Chỉ Bồ, Lỗ Trường, Đồng Bến, Nam Chiền, Bụi, Cõi (Thái Thụy)... đều được xây dựng vào thời Trần.

Vào đầu thời Lê sơ (thế kỷ XV), Nho giáo chiếm vị trí độc tôn nên Phật giáo có phần ít phát triển hơn trên đất Thái Bình. Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII khi Phật giáo được chấn hưng, khởi sắc thì Phật giáo thời Mạc hưng thịnh. Ở Thái Bình có thể thấy dấu ấn ở chùa An Lạc (Đông Hưng), chùa Vũ Nghị (Thái Thụy)... Đến triều Lê Trung Hưng, trên địa bàn Thái Bình có tới trên 100 ngôi chùa có trúc đài, bia đá, chuông đồng đề niên hiệu Hoàng Định (1601 - 1619), Dương Hòa (1635 - 1643), Chính Hòa (1680 - 1735), Cảnh Hưng (1740 - 1786)... Vào thế kỷ XVIII, dường như làng nào ở Thái Bình cũng có chùa, có làng có tới 2 - 3 chùa. Năm 1802, triều Nguyễn ra đời, Phật giáo tiếp tục được chấn hưng. Từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình (1883) trở về sau, các Phật tử Thái Bình đã đứng lên chống Pháp dưới cờ nghĩa của các danh tăng. Tiêu biểu như các nhà sư chùa Lộ Vị (Đông Hưng), chùa Phúc Khê (Thái Thụy), chùa Lãng Đông (Kiến Xương)...

Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam còn hoạt động bí mật, nhà chùa đã nuôi giấu, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, vì thế rất nhiều ngôi chùa ở Thái Bình được công nhận là cơ sở cách mạng, hàng chục nhà sư là đảng viên cộng sản. Một số vị hòa thượng ở các chùa: Cam Châu (Thái Thụy), Bộ La (Vũ Thư), chùa Tiền (thành phố Thái Bình), Nguyệt Lũ (Tiền Hải), Hanh Cù (Kiến Xương), Vô Ngại (Vũ Thư)... đều là lớp đảng viên cộng sản thời chống Pháp, đi tiên phong trong sự nghiệp “phụng Phật”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự Tổ quốc”.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hàng trăm chùa trở thành cơ sở của Mặt trận Việt Minh, hầu hết các sư đều tham gia Mặt trận Liên Việt. Sân chùa thành nơi tập quân sự, nhà chùa thành cơ sở hội họp của các đoàn thể. Chùa Phương Quả, chùa Phụng Công (Quỳnh Phụ) là cơ sở cách mạng và cơ sở kháng chiến của tỉnh. Chùa Hanh Cù, chùa Đại Ngạn là cơ sở cách mạng của huyện Vũ Tiên. Chùa Hú (Hưng Hà) đã đón tướng Văn Tiến Dũng; chùa Chỉ Thiện, chùa An Cố là điểm xuất kích đánh Pháp trong các trận chống càn lớn vùng Thái Ninh, Thụy Anh. Gần 100 ngôi chùa ở Thái Bình được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh vì đã có công lao trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, các chùa không có điều kiện tu bổ. Vào hai thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, trên 1.000 đình, đền, phủ, miếu xuống cấp, không có kinh phí tu bổ, nhiều nơi đã hạ giải để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, nhà kho hợp tác xã... MTTQ tỉnh chủ trương không xâm phạm chùa chiền, dân được tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Nhiều ngôi chùa vẫn được các tăng ni và Phật tử gìn giữ theo tinh thần hài hòa giữa phụng sự Phật, phụng sự đời, phụng sự Tổ quốc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới (1986), Phật giáo tỉnh Thái Bình mới thực sự chuyển mình. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình được thành lập. Trải qua 40 năm, với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” hoạt động của Giáo hội Phật giáo tại Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng. Có thể điểm đến một số thành tựu nổi bật như: Xây dựng tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, hoằng dương chính pháp, hướng dẫn và chăm lo đời sống tâm linh cho tín đồ Phật tử. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, gương mẫu đi đầu, tham gia tích cực các phong trào của MTTQ, tích cực hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chăm lo công tác từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng “Chùa cảnh bốn gương mẫu”… Cho đến cuối năm 2021, ở Thái Bình có 877 ngôi chùa, 602 vị tăng, ni và hơn 16 vạn tín đồ Phật tử.

Di sản Phật giáo của Thái Bình là vô cùng phong phú và đồ sộ. Những ngôi chùa cổ, tượng cổ, bia đá, chuông đồng, kinh sách, đồ thờ tự được xác định là bảo vật quốc gia cùng những hội chùa có giá trị đặc sắc là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch văn hóa ở Thái Bình.

Nguyễn Thanh