Thứ 2, 08/07/2024, 10:05[GMT+7]

'Việt Nam có một số ý tưởng đi trước thế giới về blockchain'

Thứ 7, 18/06/2022 | 09:52:05
4,035 lượt xem
Trong phiên tham luận tại CTO Summit 2022, ông Trần Dinh, nhà sáng lập kiêm CEO AlphaTrue cho rằng Việt Nam có nhiều ý tưởng mới, thậm chí đi đầu trong lĩnh vực DeFi.

CTO Summit 2022

Diễn đàn CTO Summit 2022, diễn ra chiều 17/6 tại TP HCM. Năm nay diễn đàn lấy chủ đề Định vị blockchain Việt là nơi các chuyên gia, lãnh đạo công nghệ từ các tập đoàn lớn cho đến các startup sẽ cùng nhìn lại toàn cảnh của ngành blockchain và vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ tầm nhìn về những ứng dụng thực tế của công nghệ chuỗi khối ngoài tiền điện tử, hay các công ty đang chuyển mình trước làn sóng blockchain như thế nào.

Bà Bùi Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc CTO Summit 2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bà Bùi Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc CTO Summit 2022.

Theo bà Bùi Thanh Vân, Trưởng ban tổ chức CTO Summit 2022, blockchain có thể trở thành nền tảng của rất nhiều nền tảng và có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống. "Năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Bộ KHCN, VnExpress lần đầu tổ chức Diễn đàn Blockchain Việt. Tại diễn đàn này, các chuyên gia lúc đó đều nhận định rằng blockchain sẽ dẫn dắt cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong một vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, mới chỉ bốn năm, blockchain tại Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Có thể nói năm 2022, blockchain là từ khóa nổi bật trong giới công nghệ", bà Vân chia sẻ.

Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh trên sân chơi blockchain toàn cầu

Với góc nhìn toàn cảnh về thị trường, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain cho rằng nếu đặt blockchain Việt trong bối cảnh toàn cầu thì chúng ta sẵn sàng cạnh tranh mạnh mẽ. Nhưng để nhìn nhận đúng về tiềm lực ứng dụng của blockchain, cần phải tách công nghệ này ra khỏi giá trị tiền mã hóa.

ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain. 

Theo ông Trung, blockchain đã tồn tại rất lâu trước khi Bitcoin ra đời nhưng tính hiện hữu của công nghệ này chỉ thật sự xuất hiện ngắn với tiền mã hóa. Trước đây, blockchain được biết đến nhiều nhất trong các hệ thống tiền điện tử. Giờ đây, sự đổi mới với, blockchain đã tạo nên nhiều xu hướng công nghệ mới như DeFi, metaverse, NFT hay Web3... "Trong một số lĩnh vực như GameFi hoặc metaverse, Việt Nam có nhiều đại diện đang dẫn dắt cả thị trường toàn cầu. Ví dụ như dự án Axie Infinity của người Việt không chỉ thành công trên khắp thế giới mà còn đứng vững qua nhiều sóng gió. Điều này cho thấy các bạn đã trưởng thành rất nhiều không chỉ về mặt công nghệ mà còn về tầm nhìn, bản lĩnh trên thị trường", ông Trung lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nếu muốn xem blockchain đã được ứng dụng như thế nào trong đời sống, chúng ta có thể nhìn thấy ngay trong đại dịch Covid-19, công nghệ này đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ điều chế và phân phối vaccine. Ngoài ra, hàng loạt ứng dụng khác của blockchain đã được ứng dụng thực tiễn trong đa dạng lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến nông nghiệp...

Ông Trung cho rằng Việt Nam đang là một trong những điểm sáng trên thị trường blockchain toàn cầu. Nhưng để có thể tận dụng được lợi thế dẫn đầu, chúng ta vẫn cần nhiều thứ cần đẩy mạnh như chia sẻ, phổ cập kiến thức và xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng.

Bốn ứng dụng nổi bật của blockchain

Tiếp lời ông Phan Đức Trung về vị thế của Việt Nam, ông Vũ Anh Tú, CTO của FPT cho rằng Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới với những công ty vô cùng sáng giá, trở thành kỳ lân trong lĩnh vực này. Điều đó cho thấy chúng ta đã đi những bước chân rất sớm với công nghệ blockchain, đạt được những thành tựu được thế giới công nhận.

Ông Tú cho rằng blockchain không chỉ là tiền điện tử mà còn được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ Bộ GDĐT dùng blockchain để làm nền tảng lưu trữ văn bằng. Những ngân hàng đã sử dụng blockchain để làm thư tín dụng, bảo lãnh cho hợp đồng.

Ông Vũ Anh Tú, CTO Tập đoàn FPT. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Vũ Anh Tú, CTO Tập đoàn FPT. 

Giám đốc công nghệ FPT cho rằng blockchain đang có bốn ứng dụng lớn, mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc sống. Đầu tiên là quản lý chuỗi cung ứng. Ví dụ khi chúng ta vào nhà hàng và ăn một món ăn, làm sao nhà hàng đó kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, blockchain có thể quản lý việc này. Thứ hai là lĩnh vực bảo hiểm và y tế. Chúng tôi rất phấn khích về ứng dụng của blockchain trong lĩnh vực này. Ví dụ khi đi khám, một trong những điều mất thời gian nhất là lấy tiền bảo hiểm. Tiếp theo, là các chương trình đầu tư bất động sản. Ở Việt Nam ngày nay đã có các công ty chia các tài sản đó thành các token, và mọi người dù ít tiền cũng có thể tham gia đầu tư bất động sản. Thứ tư là định danh điện tử. blockchain là nền tảng tốt nhất cho định danh điện tử. "Tôi tin với việc thúc đẩy của chính phủ, định danh điện tử sẽ sớm phổ biến với mọi người", ông Tú nhấn mạnh.

Ông Tú cũng tiết lộ FPT cũng đang dùng blockchain trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng đến giáo dục và cả giải trí. Trong mảng doanh nghiệp, công ty đang xây những nền tảng blockchain Layer 1, 2 để giúp các doanh nghiệp Việt xây dựng ứng dụng trên nền tảng blockchain.

Ứng dụng thực tế của blockchain trong giáo dục

Theo ông Lê Minh Tuấn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch SotaTek giáo dục là một lĩnh vực "cảm giác rất khó áp dụng blockchain", nhưng nếu nhìn nhận rõ thì sẽ có những vấn đề có thể áp dụng được. Một số ý tưởng có thể áp dụng như: Khởi tạo, lưu trữ các văn bằng chứng chỉ, sử dụng đặc tính của blockchain là không thể thay đổi, minh bạch, từ đó tránh việc làm bằng giả.

Ông Lê Minh Tuấn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch SotaTek. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Lê Minh Tuấn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch SotaTek.

Thứ hai là các việc liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT). Các bên sẽ đưa các SHTT có giá trị lên để chia sẻ và có thể kiểm tra được. Nếu ai dùng SHTT đó có thể tìm lại cho người tạo ra nó. Từ đó khuyến khích mọi người chia sẻ hiểu biết của mình cho mọi người.

Thứ ba là cơ chế điểm thưởng cho học viên. Blockchain xử lý tốt hơn sẽ khuyến khích quá trình học, gắn kết học viên với hệ thống elearning. Một hướng khác là định danh cho sinh viên, học viên. Các văn bằng chứng chỉ sẽ gắn với định danh đó. Khi nhà tuyển dụng cần thì họ có thể dựa vào đó để truy xuất dễ dàng và không thể làm giả. Tiếp đến là ứng dụng metaverse trong bối cảnh học online như vừa qua. Metaverse giúp tạo ra các phòng học ảo, tạo ra các trải nghiệm mới cho học viên.

NFT sẽ đi cùng tương lai nhân loại

Tiếp nối câu chuyện về ứng dụng blockchain trong đời sống, ông Phạm Toàn Thắng, nhà sáng lập kiêm CEO dự án Cổng trời, UV BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ góc nhìn về tiềm năng của NFT trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật.

Theo ông Thắng, NFT có thể giải quyết được ba vấn đề nhức nhối của nghệ thuật. Đầu tiên là xác thực quyền tác giả. Thứ hai là số hóa hợp đồng truyền thống, minh bạch, truy nguyên nguồn gốc. Ba là thực thi việc thu tác quyền.

Ông Phạm Toàn Thắng, nhà sáng lập kiêm CEO dự án Cổng trời NFT, UV BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Phạm Toàn Thắng, nhà sáng lập kiêm CEO dự án Cổng trời NFT, UV BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam. 

"Việc thu tác quyền sẽ giảm nhiều rủi ro về tác quyền nhờ đã xác định được quyền tác giả từ đầu. Ví dụ nhiều tác giả đã mất đi mới bắt đầu nổi tiếng. Những người sở hữu thứ cấp lại hưởng lợi mà gia đình họ không được hưởng gì. Vì vậy nếu dùng NFT có thể giúp lấy lại quyền lợi cho gia đình họ một cách vô cùng nhân văn", ông Thắng lưu ý.

Chia sẻ góc nhìn về câu hỏi NFT là công nghệ tương lai hay trào lưu nhất thời, ông Thắng dẫn hai ví dụ về chiếc sáo đầu tiên của con người được làm bằng ngà voi ma mút cách đây 4.000 năm và một bản nhạc cách đây 3.500 năm. "Tôi tin trong những giai đoạn lịch sử trước đó tổ tiên chúng ta cũng ngồi lại với nhau bàn xem âm nhạc là trào lưu hay là một môn nghệ thuật. NFT ngày nay cũng vậy, có nhiều trào lưu và hoài nghi nhưng tôi nghĩ rằng NFT là công nghệ hiện tại nhưng đầu tiềm năng trong tương lai và sẽ đi cùng nhân loại", nhà sáng lập dự án Cổng trời nói.

Chìa khóa để giải bài toán khát nhân sự

Ông Kevin Tùng Nguyễn, Founder & CEO JobHopin. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Kevin Tùng Nguyễn, Founder & CEO JobHopin.

Từ góc độ của đơn vị chuyên về tuyển dụng nhân sự, ông Kevin Tùng Nguyễn, Founder & CEO JobHopin cho rằng nguồn nhân lực hiện tại của Việt Nam chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu thực tế của thị trường. Nhiều công ty trong nước đang phải cạnh tranh nhân tài, chưa kể trong tương lai, khi các công ty quốc tế gia nhập nhiều hơn, bài toán nhân sự blockchain sẽ càng trở nên phức tạp.

Theo ông Kevin Tùng Nguyễn, cách tốt nhất để giải quyết cơn khát nhân sự hiện tại và tương lai là các đơn vị làm blockchain hàng đầu có thể cùng làm việc với các trường học và chuyên gia hàng đầu thế giới để đào tạo lớp nhân sự kế cận. "Chúng ta có thể bắt đầu từ những nhân sự có tiềm năng với các khóa học ngắn hạn trong thời kỳ ngủ đông. Từ đó những nhân sự này có thể kết hợp các tài năng trong lĩnh vực khác để cùng nhau làm ra những sản phẩm mới, đóng góp ngược lại cho xã hội", CEO JobHopin nói.

Ông Kevin Tùng Nguyễn cho rằng ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để tìm hiểu xem những bạn đang ở Việt Nam, những người làm ở nước ngoài trở về Việt Nam đã thành công như thế nào. Cách Việt Nam thu hút nhân tài quốc tế về Việt Nam xây dựng nên những sản phẩm thành công.

Theo vnexpress.net