Thứ 6, 05/07/2024, 14:19[GMT+7]

Tốc lực thu hoạch lúa xuân

Thứ 2, 20/06/2022 | 09:22:32
13,393 lượt xem
Lúa xuân bước vào giai đoạn thu hoạch tập trung. Trên khắp các cánh đồng, không khí ngày mùa đang tấp nập, hối hả. Vượt lên những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, cùng với sự chỉ đạo sản xuất đồng bộ, chặt chẽ của tỉnh và ngành nông nghiệp, nông dân trong tỉnh nỗ lực hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2022, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nông dân huyện Thái Thụy thu hoạch lúa xuân.

Sau những ngày âm u, thời tiết đã trở lại nắng vàng rực rỡ. Với người nông dân, đây là thời gian lý tưởng để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, “chạy” kịp thời vụ lúa chín. Có mặt tại cánh đồng lúa xã Thái Học (Thái Thụy) những ngày tháng 6, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, hối hả thu hoạch lúa của bà con nông dân. Những bông lúa chín vàng trĩu hạt là minh chứng cho một vụ xuân được mùa. 

Bà Phạm Thị Ngừng, xã Thái Học cho biết: Vụ xuân này gia đình tôi gieo cấy 1 mẫu ruộng bằng các giống lúa BC15, TBR225. Đến kỳ thu hoạch, lúa chín rộ nên từ mấy ngày trước, tôi phải tìm hiểu kế hoạch của thôn để bám theo máy gặt ra đồng. Mấy hôm mưa kèm giông, tôi cứ lo lắng, bồn chồn sợ lúa đổ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Cũng may, trong thôn được bố trí 2 máy gặt, cứ hửng trời là máy xuống đồng, thu gọn các diện tích chín sớm trước khi kỳ thu hoạch bước vào giai đoạn tập trung.

Không khí thu hoạch cũng đang ngày càng tấp nập, khẩn trương khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Lúa đã chín vàng, trong chốc lát, những cánh đồng lần lượt được giải phóng. 

Bà Hoàng Thị Vui, thôn Khả Phú, xã Bình Thanh (Kiến Xương) cho biết: Trước khi thu hoạch, thôn thông báo kế hoạch gặt từng vùng đồng cụ thể, chúng tôi cứ thế theo ra cánh đồng để đưa lúa về nhà. Thuận lợi nữa là, sau khi thực hiện chủ trương phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng tập trung hơn nên vừa đẩy nhanh được tiến độ mà bà con cũng đỡ vất vả hơn khi phải phân tản lực lượng ra nhiều nơi thu hoạch như trước đây. Tuy đầu vụ gặp nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài, giá phân bón tăng cao nhưng lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất đạt trên 2,5 tạ/sào.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương thu hoạch lúa đến đâu làm đất ngay đến đó.
Trong ảnh: Nông dân huyện Đông Hưng cày lồng dập rạ.

Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 75.432ha lúa, trong đó gần 50% diện tích gieo cấy bằng giống chất lượng cao. Do ảnh hưởng của thời tiết có rét đậm, rét hại kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, đặc biệt đợt rét hại kèm theo mưa rào từ ngày 19 - 22/2 đã làm ảnh hưởng một số diện tích lúa xuân mới gieo cấy, thời vụ gieo cấy lúa xuân kéo dài hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất, chủ động thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của các cấp, ngành, địa phương, các chỉ tiêu sản xuất cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch. Vụ xuân năm 2022 tiếp tục được đánh giá là vụ được mùa, năng suất bình quân ước đạt khoảng 70 tạ/ha. Áp lực đối với sản xuất vụ mùa tăng cao nên các địa phương đã chủ động và quản lý chặt hơn việc điều tiết máy móc phục vụ thu hoạch, làm đất. Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến ngày 14/6, toàn tỉnh thu hoạch được khoảng 20.000ha lúa xuân, chậm hơn cùng kỳ nhiều năm.

Ông Nguyễn Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để bảo đảm năng suất, chất lượng của lúa xuân trong điều kiện thời tiết dự báo diễn biến phức tạp, đồng thời chủ động sản xuất cho vụ mùa năm 2022 trong khung thời vụ tốt nhất, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung mọi lực lượng, phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa xuân đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh những thiệt hại do thời tiết bất thuận xảy ra. Thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, tập trung ưu tiên làm đất, cấy lúa trà sớm để bảo đảm khung thời vụ để bố trí vùng sản xuất cây vụ đông ưa ấm; hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sinh vật hại phát sinh sang lúa mùa; làm đất kỹ, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, đặc biệt sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi bột để xử lý rơm rạ, hạn chế nguồn sinh vật hại và tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Ngân Huyền