Thứ 2, 12/05/2025, 18:43[GMT+7]

Hiểm họa tai nạn giao thông từ xe máy điện: Cảnh báo từ thực tiễn

Thứ 2, 12/05/2025 | 09:11:00
574 lượt xem
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử lý vi phạm song trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện. Thực tế cho thấy, nhiều người điều khiển các phương tiện này (chủ yếu là học sinh) còn chủ quan, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, thiếu kỹ năng xử lý tình huống...

Lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện tại huyện Thái Thụy.

Thực trạng đáng báo động

Khoảng 6 giờ 40 phút ngày 7/5/2025, trên tuyến đường liên thôn thuộc địa phận thôn Đoài, xã Tây Giang (Tiền Hải), xảy ra vụ va chạm nghiêm trọng giữa xe máy điện và xe mô tô khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương. Xe máy điện mang biển số 17AL-051.76 do em Lê Văn Thuận (sinh năm 2008, trú tại xã Vân Trường) điều khiển, chở theo em Lê Công Thế (cùng sinh năm 2008), đã va chạm với xe mô tô biển số 17H1-7965 do ông Tô Quang Trung (sinh năm 1953, trú tại xã Tây Giang) điều khiển, chở vợ và cháu nội. Hậu quả, ông Trung tử vong tại bệnh viện; bà Trần Thị Tuyết (vợ ông Trung) cũng không qua khỏi khi chuyển viện; cháu nhỏ bị thương.

Theo xác minh ban đầu của lực lượng chức năng, nguyên nhân vụ tai nạn có liên quan đến lỗi đi sai phần đường và thiếu quan sát khi điều khiển phương tiện.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Thống kê từ ngày 15/12/2024 đến nay cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện, trong đó nhiều vụ có nạn nhân là học sinh. Phổ biến là các hành vi vi phạm như điều khiển phương tiện không đăng ký biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, đi hàng hai, hàng ba, đi sai phần đường...

Nguyên nhân từ nhiều phía

Theo quy định hiện hành, học sinh từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe máy điện và xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Trong khi đó, việc sử dụng xe đạp điện, loại phương tiện có công suất thấp, tốc độ giới hạn, không bị giới hạn độ tuổi. Chính vì vậy, xe điện ngày càng trở thành phương tiện di chuyển phổ biến trong lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật giao thông cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn. Thực tế cho thấy, tại nhiều tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, không khó bắt gặp học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các lỗi vi phạm thường gặp như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, đi sai làn đường, không bật xi nhan khi chuyển hướng, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông...

Xe máy điện, xe đạp điện có thiết kế nhỏ, hệ thống phanh thường chỉ bảo đảm an toàn ở tốc độ dưới 25km/h. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phương tiện có thể đạt tốc độ từ 40 - 50km/h. Khi di chuyển nhanh, nếu phanh gấp, xe dễ bị trượt hoặc văng, gây nguy hiểm. Ngoài ra, xe điện gần như không phát ra tiếng động nên dễ gây va chạm tại các điểm giao cắt.

Điều đáng lo ngại là một bộ phận phụ huynh vẫn còn chủ quan, cho rằng xe điện là phương tiện “an toàn”, nên phó mặc cho con em tự điều khiển mà không giám sát, nhắc nhở thường xuyên. Trong khi đó, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh tham gia giao thông an toàn còn chưa hiệu quả.

Cần giải pháp tổng thể và đồng bộ

Ông Lê Phương Huy, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Để giảm nguy cơ tai nạn giao thông khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. Trách nhiệm giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phải được duy trì thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn trong lứa tuổi học đường.

Từ đầu năm học đến nay, Công an tỉnh đã triển khai nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, xử lý vi phạm giao thông trong học sinh. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm tại khu vực gần cổng trường vào giờ cao điểm, phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, diễn tập kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông tại các trường học. Trung tá Nguyễn Xuân Khiêm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Qua công tác tuần tra, chúng tôi nhận thấy tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện, không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt vào thời điểm tan trường. Nhiều em chưa được hướng dẫn đầy đủ kỹ năng an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Từ đầu năm học, nhà trường đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền pháp luật giao thông, cho học sinh ký cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chấp hành, cần sự phối hợp từ phía phụ huynh và ý thức tự giác của các em.

Trước thực trạng trên, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ, trong đó lấy giáo dục, tuyên truyền làm trọng tâm; kiểm tra, xử lý vi phạm làm nền tảng; phối hợp liên ngành làm điểm tựa nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện, xe đạp điện trong lứa tuổi học sinh.

Lực lượng CSGT tuần tra, xử lý các vi phạm liên quan đến học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tại huyện Vũ Thư.

Nguyễn Thơi