Thứ 6, 05/07/2024, 14:32[GMT+7]

Chủ động giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học

Thứ 6, 25/11/2022 | 08:11:44
3,881 lượt xem
Vừa qua, tại tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Ischool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 1 học sinh tử vong. Bộ Y tế đã phải điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ điều trị. Việc hàng loạt học sinh bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú là tiếng chuông cảnh báo trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn tập thể cho học sinh. Dù nhiều năm nay Thái Bình chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người tại cơ sở giáo dục song không vì thế mà các trường học được phép chủ quan, lơ là. Công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại các bếp ăn trường học cần phải được thực hiện thường xuyên hơn nữa.

Nhân viên chế biến thực phẩm chia suất ăn cho học sinh tại Trường Tiểu học Trần Lãm (thành phố Thái Bình).

Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) là một trong những trường có số lượng học sinh ăn bán trú đông. Trường có hơn 900 học sinh, trong đó gần 790 học sinh đăng ký ăn bán trú. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh về việc ăn bán trú cho con, Trường đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn với Công ty Cổ phần Suất ăn công nghiệp Nam Hà Nội. Từ nhiều năm nay, các suất ăn được chế biến ngay tại bếp ăn của Trường. Để bảo đảm ATTP, Trường đã phân công cán bộ kiểm tra, giám sát hàng ngày. Bên cạnh đó, hàng tháng Trường phối hợp với phụ huynh học sinh giám sát ngẫu nhiên. Tuy nhiên, do không có chuyên môn nên việc đánh giá chỉ qua cảm quan, nhận biết qua màu sắc, hương vị của thực phẩm. Sau khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về kiểm tra đã giúp chúng tôi cập nhật thêm kiến thức về ATTP, biết được những ưu điểm và hạn chế để sớm điều chỉnh, khắc phục.

Thực hiện việc kiểm tra về ATTP tại các bếp ăn tập thể, trong đó có các bếp ăn trường học, từ giữa tháng 10/2022 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm tra 15 bếp ăn ở các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Bình. Tại các đơn vị, Chi cục đã tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính về ATTP, hợp đồng cung cấp suất ăn, hợp đồng nguyên liệu, giấy phép ATTP bếp ăn của đơn vị cung cấp; đồng thời, trực tiếp xuống khu vực bếp để kiểm tra về cơ sở vật chất, quy trình một chiều trong chế biến, việc kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn, vệ sinh dụng cụ đựng thực phẩm, lấy mẫu test nhanh giò, chả...

Ông Trần Đăng Chuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Qua kiểm tra, hầu hết các trường học đều ký hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn. Các trường và đơn vị cung cấp suất ăn đã tuân thủ những quy định, điều kiện về bảo đảm ATTP; nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động, được tập huấn và có giấy chứng nhận khám sức khỏe; nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm có địa chỉ rõ ràng. Ngoài ra, các đơn vị đã thực hiện lưu mẫu song vẫn có bếp ăn chưa lấy đúng số lượng mẫu cần lưu. Ở một số bếp ăn diện tích quá hẹp, không có phòng thay đồ riêng cho nhân viên trực tiếp chế biến; vẫn có côn trùng ở khu vực bếp và dụng cụ đựng thực phẩm chín chưa sạch còn dầu mỡ hoặc tinh bột... Những tồn tại này đã được chúng tôi nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Cùng với đó, chúng tôi cũng lưu ý các đơn vị chú trọng việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm của các đơn vị cung cấp và dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho trẻ, chế biến các món ăn đa dạng, an toàn. Qua kiểm tra 15 bếp ăn của các trường, Chi cục xử phạt 1 đơn vị với lỗi chưa thực hiện đúng việc lưu mẫu.

Hậu quả ngộ độc thực phẩm đông người không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh, mang đến nỗi lo, thậm chí là nỗi đau cho các gia đình mà còn là bài học đắt giá cho các nhà trường. Bởi nếu chỉ sơ ý, thiếu ý thức ở khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến hay bảo quản thực phẩm cũng rất dễ xảy ra ngộ độc. Với những vụ ngộ độc cấp tính có thể nhìn thấy ngay nhưng với ngộ độc mạn tính - kẻ giết người thầm lặng thì sau một thời gian dài mới được phát hiện. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và mỗi trường học cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện kịp thời mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Test nhanh mẫu giò chả lưu tại bếp ăn Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình). 

Hoàng Lanh