Thứ 6, 05/07/2024, 14:34[GMT+7]

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Xây vững nền tảng tinh thần của xã hội trong sự nghiệp phát triển đất nước

Thứ 4, 22/02/2023 | 08:50:38
7,496 lượt xem
Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo ra đời năm 1943 là sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. Sau 80 năm, những tư tưởng của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sức sống của lễ hội truyền thống trong đời sống đương đại. Trong ảnh: Lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) năm 2023.

Quan điểm của Đảng về văn hóa

Từ sức lan tỏa của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đã hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến. Đến năm 1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã cho thấy chuyển biến hết sức mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của văn hóa. Nghị quyết khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta tiếp tục khẳng định những quan điểm, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã nêu, đồng thời bổ sung, phát triển, làm sâu sắc hơn một số vấn đề lý luận về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đảng cũng xác định một số nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Với quan điểm mới này, giá trị, bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố “sức mạnh mềm” giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia.

Mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Tại Đại hội XIII, Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11/2021 đã tập trung làm rõ các vấn đề trọng tâm của văn hóa nước ta hiện nay. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước tiếp tục đề ra và hoàn thiện các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Những bước tiến quan trọng

Đảng, Nhà nước đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, trước hết là từ trong gia đình, cộng đồng dân cư tới cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện đến nay đã thu được những kết quả tốt đẹp. Các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được triển khai trong đời sống. Từ đó, số lượng và chất lượng các cá nhân và đơn vị tiên tiến, được công nhận danh hiệu văn hóa ngày càng tăng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức đám cưới, đám tang, lễ hội có những chuyển biến tích cực. Các lễ hội được tổ chức và quản lý chặt chẽ hơn; môi trường văn hóa ở đa số các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dần đi vào nền nếp, trật tự và lành mạnh. Hệ thống thiết chế văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, đã được khai thác hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, năm 2022, cả nước có 66 trung tâm văn hóa cấp tỉnh; 674/704 trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa cấp huyện, đạt tỷ lệ 96%; 8.217/10.599 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 77,5%; 77.380/98.455 nhà văn hóa cấp thôn, đạt tỷ lệ 78,6%.

Nhận thức sâu sắc và toàn diện về vai trò của hệ thống di sản trong việc khẳng định bản sắc dân tộc, chính quyền các cấp đã tăng cường đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản, chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc cho nhân dân. Hệ thống di tích lịch sử và di tích cách mạng đã thực sự trở thành tài sản vô giá của dân tộc, góp phần khơi nguồn khát vọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong sự nghiệp đổi mới.

Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn học nước nhà đã có nhiều khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là đề cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, khẳng định giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử cách mạng, đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, cổ vũ động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật được tổ chức trong nước, quốc tế đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo công chúng trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Nhìn một cách khái quát, các hoạt động văn hóa đã tham gia tích cực vào bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Những thành tựu to lớn trong xây dựng môi trường văn hóa, phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, phát huy.

Thanh Hằng