Thứ 6, 05/07/2024, 16:09[GMT+7]

Thái Thụy: Tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội

Thứ 4, 23/08/2023 | 08:39:50
4,340 lượt xem
Thay vì thực hiện công tác quản lý đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) bằng biện pháp thủ công trên giấy tờ như trước, đầu năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy triển khai sử dụng phần mềm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đối tượng BTXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau một thời gian triển khai, hiệu quả của việc sử dụng phần mềm này mang lại rất tích cực.

Phần mềm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội giúp việc quản lý thông tin và chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Huyện Thái Thụy hiện có 16.553 đối tượng BTXH đang được chi trả trợ cấp hàng tháng, trong đó có 6.403 người cao tuổi, 7.520 người khuyết tật, 2.583 người chăm sóc... Thời gian trước, việc quản lý đối tượng BTXH bằng biện pháp thủ công trên giấy tờ rất vất vả và phức tạp. Đặc biệt, khi thông tin đối tượng thay đổi thì việc thiết lập các thủ tục, hồ sơ làm mất thời gian. Từ khi triển khai áp dụng phần mềm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đối tượng BTXH thì việc quản lý thông tin đối tượng đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. 

Ông Lê Duy Thành Cường, chuyên viên lĩnh vực BTXH, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy cho biết: Phần mềm giúp chúng tôi thống nhất được quy trình quản lý, xử lý thông tin, giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất. Phần mềm đáp ứng được việc quản lý hồ sơ đối tượng, hộ gia đình, giúp cho việc xử lý công việc nhanh chóng và chính xác hơn. Không những thế, phần mềm còn đáp ứng được nhu cầu tra cứu, kết xuất tổng hợp báo cáo nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu quản lý của đơn vị.

Mỗi tháng, tại huyện Thái Thụy có khoảng 250 đối tượng BTXH thay đổi thông tin do tăng mới, cắt chết, thôi hưởng hay thay đổi chế độ trợ cấp. Với việc sử dụng phần mềm quản lý đối tượng BTXH nên khi đối tượng có sự thay đổi hay điều chỉnh cán bộ phụ trách công tác BTXH chỉ cần thao tác trên hệ thống phần mềm là điều chỉnh thông tin đối tượng bảo đảm chính xác, an toàn. Việc sử dụng phần mềm quản lý đối tượng BTXH đó là chỉ cần một “click chuột” là người quản lý có thể biết được chính xác đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng có đúng hay không.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy chia sẻ: Để bảo đảm an toàn, chính xác trong việc quản lý và chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng BTXH, chúng tôi còn sử dụng thêm 2 phần mềm nữa để dự phòng. 3 cơ sở dữ liệu về thông tin đối tượng trên các hệ thống phần mềm này luôn được cập nhật liên tục và phải trùng khớp với nhau. Nhờ vậy, việc chi trả trợ cấp hàng tháng luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi của đối tượng.

Nhận xét về việc sử dụng phần mềm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đối tượng BTXH tại huyện Thái Thụy, bà Nguyễn Thị Hải Hồng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thái Thụy và Tiền Hải là hai đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện công tác quản lý hồ sơ đối tượng BTXH thông qua hệ thống phần mềm. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy thường xuyên cập nhật thông tin đối tượng trên hệ thống phần mềm, phát hiện được những điểm bất cập, kiến nghị sửa đổi để thuận lợi trong công tác quản lý. Qua nội dung tập huấn do Sở tổ chức, huyện Thái Thụy đã tổ chức hướng dẫn lại theo cụm xã, lập nhóm zalo để xử lý ngay những vướng mắc từ cấp xã. 

“Làm việc ở văn phòng Sở, chỉ với 1 chiếc máy tính và thao tác nhỏ nhưng tôi có thể thấy được tất cả các đối tượng BTXH của các địa phương đang được quản lý, cán bộ cấp huyện có thường xuyên truy cập, trong tháng có đối tượng tăng, giảm hoặc được làm sạch dữ liệu không. Riêng với Thái Thụy, việc cập nhật thông tin thay đổi của đối tượng luôn được thực hiện nhanh chóng, kịp thời” - bà Hồng chia sẻ.

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn cho 100% công chức lao động - thương binh và xã hội cấp xã về việc sử dụng phần mềm hệ thống đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với nhóm thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng. Bên cạnh đó là hướng dẫn kỹ năng, thao tác để vận hành các chức năng của hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đối tượng BTXH như quản lý thông tin đối tượng, thông tin hộ gia đình, giấy tờ thủ tục hành chính đăng ký chính sách trợ giúp xã hội thông qua việc xử lý hồ sơ người dân đăng ký; theo dõi lượt đăng ký thủ tục chính sách trợ giúp xã hội, quản lý việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội của các địa phương. Có thể nói, đây là những bước đi quan trọng và cần thiết của ngành lao động - thương binh và xã hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó góp phần thực hiện tốt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Duy Tùng