Thứ 6, 05/07/2024, 13:07[GMT+7]

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

Thứ 5, 24/08/2023 | 08:19:57
3,066 lượt xem
Giáo dục mầm non là bậc học nền tảng đầu tiên, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục ở những cấp học tiếp theo. Xác định rõ tầm quan trọng này, năm học vừa qua các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã có những đổi thay vượt bậc hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cô và trò Trường Mầm non Thụy Dũng (Thái Thụy) thu hoạch quả sấu trồng trong khuôn viên nhà trường,

Thật ấn tượng khi đến thăm Trường Mầm non Thụy Dũng (Thái Thụy). Từ khuôn viên đến phòng học đều mát mẻ và sạch sẽ, các lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động. Trẻ được tham gia và tự khám phá ở các góc hoạt động, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá, trải nghiệm và thực hành, sáng tạo. 

Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, bảo đảm an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh. Các khu vực trong lớp được thiết kế theo hướng tận dụng không gian để trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng và phong phú. Đặc biệt, với sự chung sức đồng lòng của các bậc phụ huynh, nhà trường đã bố trí gần 130m2 trong khuôn viên trường để trồng một số loại cây ăn quả như xoài, hồng xiêm, na, bưởi, mít... Vừa rồi, được cô giáo hướng dẫn thu hoạch quả xoài và sấu, các con rất thích thú với trải nghiệm thực tế này. Trường Mầm non Thụy Dũng là một minh chứng rõ nét về thay đổi môi trường giáo dục theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đó, nhiều tiết dạy được các cô giáo tổ chức dưới các hình thức độc đáo, sáng tạo, khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, kích thích, lôi cuốn trẻ hào hứng, tích cực tham gia hoạt động, tiếp nhận kiến thức tự nhiên, không gò ép.

Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 302 trường mầm non (286 trường công lập, 16 trường tư thục) và 61 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục (tăng 2 trường mầm non tư thục so với năm học trước). Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo đảm an toàn, giáo dục trẻ đã được thực hiện tốt; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được củng cố vững chắc, duy trì hiệu quả. 100% trường mầm non tổ chức nuôi ăn bán trú nền nếp, không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm; duy trì và nâng tỷ lệ trẻ ăn bán trú, trong đó trẻ nhà trẻ đạt 99,8%, trẻ mẫu giáo đạt 99,95%. Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, các đơn vị tích cực tham mưu UBND huyện, thành phố đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng theo hướng hiện đại, thuận lợi cho công tác nuôi ăn bán trú như máy điều hòa, bình nóng lạnh, nồi hầm, máy xay thịt, máy thái rau, củ, quả. Cùng với đó, phòng giáo dục và đào tạo mỗi huyện, thành phố đều tổ chức chuyên đề khác nhau để cán bộ, giáo viên được giao lưu, học hỏi, trong đó huyện Đông Hưng tổ chức chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng xã hội”, huyện Tiền Hải tổ chức chuyên đề “Tổ chức làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo”, huyện Thái Thụy tổ chức chuyên đề “Cô sáng tạo, bé tài năng”..., qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Triển khai xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhiều trường mầm non có sự thay đổi toàn diện cả về cảnh quan môi trường bên trong và bên ngoài lớp học. Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên bảo đảm là cơ sở để ngành học mầm non tiếp tục triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm làm đồ dùng đồ chơi, tổ chức các hoạt động ngoài trời, giáo dục trẻ vận động bằng phương pháp mới. Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo theo đề án phát triển nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cơ sở giáo dục mầm non đã tổ chức giáo dục lồng ghép, tích hợp nghệ thuật chèo vào tổ chức các hoạt động cho trẻ. Ngoài ra, để giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình, giáo viên các trường mầm non đã chủ động lựa chọn nội dung linh hoạt, sáng tạo và phù hợp trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tích cực tổ chức cho trẻ các hoạt động như hát Quốc ca, khiêu vũ thể thao, tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử, doanh trại quân đội, làng nghề, nghệ thuật múa rối nước, tổ chức các hoạt động bé vui đón tết, hội chợ xuân...

Tiếp tục phát huy kết quả trên, năm học 2023 - 2024 các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, hoạt động của trẻ để chất lượng giáo dục mầm non năm học sau luôn cao hơn năm học trước, giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện.

Học sinh Trường Mầm non Trần Lãm (thành phố Thái Bình) thực hành trải nghiệm gọt củ quả.

Đặng Anh