Thứ 6, 05/07/2024, 18:37[GMT+7]

Biến cùi bưởi thành món ăn đậm vị hương quê

Thứ 6, 06/10/2023 | 10:59:14
4,163 lượt xem
Với mong muốn tạo ra sản phẩm có giá trị về kinh tế, giải quyết việc làm cho chị em nông thôn, chị Đinh Thị Duyên, thôn Bổng Thôn, xã Hòa Bình (Hưng Hà) đã tận dụng cùi bưởi, nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi để chế biến thành món chè bưởi mang đậm hương vị quê hương.

Cơ sở sản xuất cùi bưởi của chị Đinh Thị Duyên, xã Hòa Bình (Hưng Hà) tạo việc làm cho 20 - 30 lao động địa phương.

Nói về cơ duyên gắn bó với bưởi, chị Duyên cho biết: Trong thời gian đi làm thuê, tôi nhận thấy nhiều người rất thích ăn chè bưởi nhưng lại ngại khâu chế biến cùi bưởi vì công đoạn khá vất vả, do đó tôi đã mạnh dạn tìm tòi, học hỏi các bước sơ chế cùi bưởi trên internet, sách báo và tại các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi bắt tay vào thực hiện mô hình tại gia đình. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ kiên trì, bền bỉ tôi đã chế biến thành công cùi bưởi theo đúng thị hiếu người tiêu dùng. Từ sự thành công đó, chị Duyên mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị vào thực hiện các công đoạn chính như: máy cắt, máy vắt...; đồng thời, xây dựng nhà xưởng trên diện tích 200m2 đất chuyển đổi của gia đình để sản xuất quy mô lớn. Để khai thác tối đa giá trị của quả bưởi, chị Duyên thu gom và bán vỏ bưởi cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu, làm dầu gội thảo dược; bán ruột bưởi cho các nhà hàng, quán ăn và cả người dân làm món tráng miệng.

Là người có hơn 2 năm làm nghề tại cơ sở, chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Bổng Thôn cho biết: Công việc này cần sự khéo léo, chỉn chu trong từng công đoạn nên khi được nhận vào làm việc tại đây, tôi được chị Duyên chỉ bảo rất tỉ mỉ. Các công đoạn chủ yếu làm thủ công để bảo đảm mẫu mã đẹp, đúng kích cỡ. Mỗi ngày tôi làm được 2 - 3 tạ cùi, thu nhập hàng tháng từ 6 - 8 triệu đồng, công việc rất phù hợp với chị em nông thôn chúng tôi.

Công đoạn gọt bỏ vỏ xanh của quả bưởi. 

Công đoạn đóng gói sản phẩm để xuất bán. 

Hiện nay, trung bình một ngày, cơ sở của chị Duyên thu mua từ 1 - 1,5 tấn bưởi tươi. Cứ 1 tấn quả tươi sẽ sản xuất được gần 1 tạ cùi thành phẩm có giá thành từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Với thị trường tiêu thụ ổn định, cơ sở chế biến cùi bưởi của chị Duyên tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 - 30 lao động địa phương. Đây là sản phẩm được xã Hòa Bình lựa chọn xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Chúng tôi đang hướng dẫn cơ sở tập trung đầu tư trang thiết bị để phục vụ khâu chế biến sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem, truy xuất nguồn gốc; xây dựng các vùng nguyên liệu và thực hiện mô hình sản xuất an toàn thực phẩm làm thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho cơ sở, hướng đến xây dựng sản phẩm đặc thù ở địa phương.

 Chị Đinh Thị Duyên kiểm tra cùi bưởi thành phẩm trước khi đóng gói xuất bán. 

Đến nay, sản phẩm cùi bưởi của cơ sở chị Duyên đang tiếp cận với khách hàng qua các kênh facebook, zalo và một số đại lý nhận sỉ. Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Duyên cho biết thêm: Hiện tại, tôi đang làm thủ tục để đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình để có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm trong cả nước vì mong muốn có thể giới thiệu rộng rãi đến khách hàng xa gần về những món ăn đặc trưng được chế biến từ bưởi của riêng mình.

Ý tưởng khởi nghiệp của chị Duyên không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần giải quyết vấn đề tồn đọng phụ phẩm nông sản, giải bài toán ô nhiễm môi trường, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Quy trình xử lý để cùi bưởi dai, giòn và giữ được độ bông xốp gồm:

- Bưởi được gọt sạch phần vỏ xanh; cho vào máy cắt; chần qua nước sôi từ 2 - 3 phút; cho vào máy ép công nghiệp;

- Cùi bưởi sau khi ép kiệt nước sẽ ngâm trong nước muối loãng 2 giờ để khử hoàn toàn vị đắng, cuối cùng là đưa vào máy vắt để loại bỏ hoàn toàn lượng nước muối trong phần cùi bưởi;

-  Quy trình ngâm nước muối và vắt được lặp đi lặp lại từ 2 - 3 lần cho đến khi vị đắng được loại bỏ hoàn toàn, sau đó đóng gói, bảo quản trong kho lạnh trước khi xuất bán cho các cửa hàng.


Thanh Thủy