Thứ 6, 05/07/2024, 16:13[GMT+7]

Phát triển hệ thống phục hồi chức năng: Cần một “cú hích”

Thứ 3, 24/10/2023 | 08:14:20
2,968 lượt xem
Không chỉ người khuyết tật mà nhiều người bệnh khi có vấn đề sức khỏe, chấn thương khiến hoạt động chức năng bị hạn chế cũng có nhu cầu phục hồi chức năng (PHCN). Mặc dù đã chú trọng phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng kỹ thuật PHCN song những năm gần đây hoạt động PHCN trong hệ thống y tế công lập trở nên trầm lắng.

Người bệnh tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Từng bước củng cố

Hiện nay, hệ thống PHCN đã từng bước được kiện toàn từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Ngoài Bệnh viện PHCN tỉnh, công tác PHCN được duy trì, phát triển tại các bệnh viện có khoa PHCN hoặc y học cổ truyền - PHCN. Tại nhiều trạm y tế, cán bộ đã được tập huấn và thực hiện công tác PHCN tại cộng đồng. Bên cạnh đó, không chỉ có y tế công lập, công tác PHCN tại cộng đồng ở Thái Bình còn có sự vào cuộc mạnh mẽ của y tế tư nhân. Nhờ đó, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về PHCN dựa vào cộng đồng, phòng ngừa khuyết tật. Đặc biệt, từ khi Thái Bình tham gia dự án chăm sóc sức khỏe PHCN cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, các hoạt động PHCN được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Quang Lịch, Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết: Với nhiệm vụ được giao, Bệnh viện PHCN tỉnh và các bệnh viện có khoa PHCN, y học cổ truyền đã tổ chức mô hình PHCN sớm cho bệnh nhân tại giường bệnh đem lại hiệu quả cao; đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng PHCN. Ngoài ra, Bệnh viện PHCN tỉnh cũng đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở về  kỹ thuật kéo dãn cột sống, điều trị tia hồng ngoại, PHCN đau thắt lưng, đau vai gáy, thoái hóa khớp... Tại nhiều xã, phường, thị trấn, sau khi tham gia tập huấn, các hoạt động PHCN được thực hiện nền nếp. Cán bộ các trạm đã chủ động điều tra, phát hiện, phân loại người khuyết tật, người có nhu cầu cần PHCN, đánh giá sự tiến bộ và hòa nhập của trẻ khuyết tật. Cùng với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, sự vào cuộc của đội ngũ y tế cơ sở đã giúp phát hiện, sàng lọc, đánh giá nhu cầu, tư vấn các phương pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp dịch vụ PHCN tại nhà, cơ sở khám chữa bệnh, can thiệp sớm cho người bệnh, người khuyết tật vận động tại cộng đồng.

Cần một “cú hích”

Dù đạt được những kết quả tích cực trong việc củng cố, phát triển mạng lưới PHCN; đẩy mạnh công tác PHCN dựa vào cộng đồng, chú trọng phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành PHCN song công tác PHCN tại cộng đồng vẫn gặp những khó khăn như nhân lực PHCN được đào tạo chưa đa dạng nên chưa cung cấp được các dịch vụ toàn diện; lao động PHCN chưa được chú trọng. Hiện vẫn còn thiếu nhân lực thực hiện phục hồi ngôn ngữ, nhận thức, kỹ thuật viên chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp. PHCN dựa vào cộng đồng còn hạn chế; các loại hình PHCN chưa đa dạng, toàn diện.

Y sĩ Nguyễn Thị Thuần, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiến Đức (Hưng Hà) chia sẻ: Khi có dự án chăm sóc sức khỏe PHCN cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, Trạm Y tế xã được tài trợ một số trang thiết bị, dụng cụ PHCN; cán bộ Trạm được tham gia một số lớp tập huấn nhưng hiện nay do thiếu nhân lực, trang thiết bị lâu ngày đã cũ, hỏng... nên việc thực hiện PHCN tại cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, người khuyết tật. Chúng tôi chủ yếu mới tổ chức được các hoạt động tư vấn, truyền thông phòng ngừa bệnh tật, trong đó có PHCN. Với nỗ lực của địa phương, 2 năm/lần đã tổ chức khám sức khỏe cho gia đình chính sách, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam... trên địa bàn xã.

PHCN có vai trò quan trọng, được xem là một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống y tế hoàn chỉnh và có những đóng góp rất lớn vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì thế, từ trung ương đến địa phương đều quan tâm đến công tác PHCN. Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Thái Bình đang xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đề cập như thực hiện chương trình PHCN dựa vào cộng đồng; duy trì, củng cố, phát triển hệ thống PHCN và chuyên môn kỹ thuật PHCN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng; triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh PHCN; tăng cường truyền thông và vận động xã hội... Sự quan tâm phát triển hệ thống PHCN từ trung ương tới địa phương hy vọng sẽ là “cú hích” quan trọng để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, nâng cao chất lượng công tác PHCN, tăng cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người bệnh, người khuyết tật.

Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày