Thứ 2, 08/07/2024, 18:43[GMT+7]

Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Tâm huyết, yêu nghề

Thứ 2, 29/04/2013 | 09:25:28
1,179 lượt xem
Chi hội Văn nghệ dân gian là một trong 7 chi hội thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thái Bình. Ðây cũng là chi hội có những đặc điểm khác so với các chi hội còn lại bởi là chi hội có ít hội viên nhất (9 hội viên), tuổi đời hội viên cao nhất. Quá nửa số hội viên ở tuổi đời “xưa nay hiếm”. Hiện chỉ có ba hội viên còn đương chức, số còn lại đều đã về hưu.

Biểu diễn của các nghệ sĩ chào mừng Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh

Tuy số lượng hội viên vừa ít, vừa cao tuổi song nhiệm kỳ qua, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa, được dư luận xã hội thừa nhận.

Với đặc thù của nghề nghiệp, có những hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian đã đầu tư quỹ thời gian nhiều năm nghiên cứu về một đề tài lịch sử hay văn hóa truyền thống; các xuất bản phẩm của Chi hội Văn nghệ dân gian thường là những tác phẩm, công trình dày trang, đa dạng, phong phú về thông tin, là cẩm nang có giá trị dài lâu cho các hoạt động nghiên cứu. Nhiều đề tài truyền thống về lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Thái Bình góp phần bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa của Thái Bình đến bạn đọc trong nước và quốc tế.

Nhiệm kỳ qua, các nhà nghiên cứu thuộc Chi hội Văn nghệ dân gian đã có 2 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, xuất bản hàng chục đầu sách có giá trị, trong đó có một số tác phẩm được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản, một số tác phẩm được tái bản nhiều lần. Cụ thể, nhiệm kỳ qua Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian đã hoàn thành công trình khoa học “Ðịa chí Thái Bình”, “Từ điển Thái Bình” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo biên soạn. Ðây là bộ sách có nội dung phong phú, có lượng trang in gần 3000 trang khổ 19x26,5 cm, là sách có nhiều trang nhất ở Thái Bình từ xưa đến nay, được bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón đọc.

Ngoài ra, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian còn sưu tầm, nghiên cứu xuất bản 11 đầu sách, trong đó tác phẩm được tái bản với số lượng lớn là “Ðất và người Thái Bình”; “Ðền Trần và Thái Ðường Lăng”, “Nhận diện văn hóa làng Thái Bình”. Chi hội còn tạo điều kiện, tổ chức cho hội viên tham gia các cuộc hội thảo khoa học về lịch sử, về các danh nhân văn hóa do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức. Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian, các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian đều tích cực viết bài tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người Thái Bình  trên Báo Thái Bình và các tạp chí: Văn nghệ Thái Bình, Văn hóa Thái Bình, Hồn Việt, Nguồn sáng Dân gian, Xưa và Nay...

Tham gia mảng dịch thuật, hiệu đính các di sản Hán Nôm, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Ðoàn là cộng tác viên tích cực của Trung tâm Quốc học Việt Nam, vừa hoàn thành dịch thuật, hiệu đính tuyển tập thơ Cao Bá Khoát, sách được in, phát hành năm 2012. Tác giả Nguyễn Tiến Ðoàn còn tham gia dịch thơ Phan Thanh Giản, dịch nhiều gia phả, thần tích..., phát hiện được nhiều nguồn tài liệu quý hiếm còn lưu giữ trong dân gian như tạp văn bản Hán ở làng Phú Mãn, xã Song Lãng (Vũ Thư); ở làng Tô Ðàm xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Tác giả Nguyễn Thanh viết hàng loạt bài văn tế phục vụ lễ hội Ðền Trần, Ðền A Sào, Ðền thờ Lê Quý Ðôn và viết kịch bản các chương trình sân khấu, các màn sử thi phục vụ kỷ niệm 80 năm thành lập Ðảng, 120 năm thành lập tỉnh, khai mạc lễ hội Ðền Trần...

Phát huy kinh nghiệm và vốn kiến thức phong phú, các hội viên  tích cực tham gia nghiên cứu hiệu quả các công trình: Văn hóa văn nghệ dân gian ở huyện Hưng Hà, Lịch sử hình thành và phát triển của đất và người Thái Thuỵ; Từ điển Vũ Thư, Từ điển Hưng Hà, Từ điển Sơn La...; Tham gia tìm hiểu tục ngữ, ca dao nói về đất và người Thái Bình, về nghề và làng nghề Thái Bình. Với tâm huyết, tình yêu nghề, cường độ lao động cao, kết quả lao động sáng tạo của hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian trong thời gian qua thật đáng trân trọng, đã đóng góp, cung cấp nhiều tác phẩm có giá trị giá trị lịch sử, nghệ thuật, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu và nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức văn hóa dân gian của đông đảo bạn đọc.

Ðể đạt kết quả cao trong hoạt động nghiệp vụ, mỗi hội viên trong Chi hội thực hiện sống và làm việc có kỷ cương, coi Hội VHNT tỉnh là ngôi nhà chung và cùng có trách nhiệm xây dựng. Bên cạnh phát huy lòng yêu nghề, tâm huyết hăng say lao động, các hội viên luôn nêu cao tinh thần khiêm tốn, ham học hỏi, đọc nhiều, đi nghiên cứu thực tế nhiều; động viên giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ thông tin, tư liệu trong công việc. Về phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Chi hội Văn nghệ dân gian xác định đẩy mạnh hoạt động gắn với những mốc lịch sử, ngày kỷ niệm lớn như thành lập Ðảng, thành lập nước, ngày thành lập tỉnh và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trước bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa ở Thái Bình trong khi đội ngũ những nhà nghiên cứu còn quá ít so với yêu cầu thực tiễn, vì vậy, Chi hội Văn nghệ dân gian xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới là phát triển hội viên, xây dựng đội ngũ kế cận trong tương lai, tránh tình trạng hụt hẫng cho những nhiệm kỳ sau.

Bài, ảnh: Hà Dung

 

  • Từ khóa