Thứ 4, 03/07/2024, 12:08[GMT+7]

Gia đình văn hóa Kết nối yêu thương

Thứ 2, 09/12/2013 | 15:15:06
1,163 lượt xem
Thời gian qua, các gia đình trong toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam, đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Qua bình xét, có 423.403 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 77,6% tổng số gia đình của toàn tỉnh).

Chị Nguyễn Thị Lan (bên phải) nữ chủ doanh nghiệp may Lan Anh nhận Giấy khen “Gia đình văn hóa tiêu biểu, phụ nữ lao động giỏi, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” năm 2013 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao tặng. Ảnh tư liệu.

 

Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng, đặc biệt của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam với chủ đề “Kết nối yêu thương”. Thời gian qua, các gia đình trong toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng Năm Gia đình Việt Namon>, đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Qua bình xét, có 423.403 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 77,6% tổng số gia đình của toàn tỉnh).

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, nữ chủ doanh nghiệp may Lan Anh (xã Đông La, Đông Hưng) nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Theo chị Lan, để đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, các thành viên trong gia đình phải phát huy được nền nếp, gia phong, kính trên, nhường dưới, biết vươn lên làm giàu, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Vì vậy, năm 2006 chị Lan bàn bạc với chồng đầu tư xây dựng cơ sở may hàng xuất khẩu, ban đầu tạo việc làm cho 30 lao động nhưng đến nay đã tăng lên 120 - 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm trừ mọi chi phí cơ sở may của gia đình chị còn thu lãi 400 triệu đồng.

 

Dù bận mải với việc kinh doanh nhưng chị Lan vẫn không sao nhãng việc chăm lo cho cuộc sống gia đình, hiếu thảo với cha mẹ hai bên. Trong gia đình chị không có sự phân biệt về giới, chồng chị luôn sẵn sàng chia sẻ mọi công việc gia đình với chị, cùng nhau bàn bạc, thống nhất quan điểm trong phát triển kinh tế và nuôi dạy các con. Vậy nên cả hai con chị đều chăm ngoan, học giỏi.

 

Đồng thời với phát triển kinh tế gia đình, các gia đình văn hóa luôn biết tiếp thu và phát huy truyền thống hiếu nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Gia đình chị Trần Thị Hiền (thôn 1, xã Vũ Hòa, Kiến Xương) là một tấm gương điển hình về lòng hiếu thảo. Không chỉ nuôi dạy 2 cô con gái chăm ngoan, học giỏi mà vợ chồng chị còn nêu gương sáng cho các con khi đón ông ngoại bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường về chăm sóc. Việc làm của anh chị đã được bà con trong thôn, trong xã mến phục.

 

Một trong những tiêu chí quan trọng để được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” là các gia đình phải gương mẫu thực hiện quy mô gia đình ít con. Sinh 2 con gái, gia đình ông bà Trần Văn Tho (thôn Đông, xã Tây Giang, Tiền Hải) quyết định không sinh thêm để tập trung phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con học hành. Cả hai con gái của ông bà đều đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng, có việc làm ổn định. Ông Tho còn đón mẹ vợ già yếu về phụng dưỡng. Ông Hà Văn Dự, Bí thư Chi bộ thôn Đông nhận xét: “Gia đình ông bà Tho có 2 con gái, 4 thế hệ ở với nhau, luôn tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ nhau”.

 

Phát huy truyền thống hiếu học để xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học cũng là một nội dung quan trọng của phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư, tổ dân phố văn hóa. Gia đình bà Trần Thị Ân (thôn Thái Sa, xã Vũ Vân, Vũ Thư) là một điển hình của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Các con trai, gái, dâu, rể cùng nhiều cháu trong đại gia đình đều có trình độ đại học và trên đại học, đang công tác trong các cơ quan Nhà nước. Mặc dù không sống tại địa phương nhưng các con cháu của bà vẫn luôn hướng về quê hương, ủng hộ hàng trăm triệu đồng làm đường giao thông liên thôn, xây dựng trường học, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... Cũng nhờ đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa nên dù là xã nghèo nhưng đến nay Vũ Vân đã đạt xấp xỉ 10 tiêu chí của nông thôn mới.

 

Khi mặt trái của nền kinh tế thị trường đang từng ngày, từng giờ tác động, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội và nếp sống trong mỗi gia đình, đạo đức, truyền thống gia đình sẽ dễ bị mai một nếu mỗi thành viên không có ý thức vun đắp, xây dựng. Với gia đình chị Vũ Thị Lan Anh (phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình), trước mọi tác động của xã hội nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa của một gia đình truyền thống. Công việc dù có bận mải nhưng từ ông bà, bố mẹ, con cháu vẫn dành thời gian quan tâm, chăm sóc, chia sẻ tâm tư, tình cảm với nhau. Không gian sống của gia đình chị tuy có chật hẹp nhưng mọi người sống rất chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Bản thân chị về làm dâu đã nhiều năm song chưa bao giờ có cảm giác “mẹ chồng, nàng dâu” bởi mẹ chồng chị luôn gần gũi, quan tâm, dạy bảo con dâu, không khí trong gia đình lúc nào cũng đầm ấm, hạnh phúc. Chị Lan tâm sự: “Em làm công nhân may, phải đi làm suốt ngày, khi mới về làm dâu cũng bỡ ngỡ nhưng được mẹ chồng quan tâm, giúp đỡ, bảo ban nên em thấy rất thoải mái. Chồng và bố chồng cũng thường xuyên chia sẻ công việc gia đình bởi vậy em không vất vả lắm”.

 

Xây dựng gia đình văn hóa là động lực xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn làng, tổ dân phố văn hóa, xã hội văn hóa. Muốn vậy, các thành viên trong mỗi gia đình cần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và xu thế phát triển chung của thời đại.

Đỗ Hiền

 

  • Từ khóa