Thứ 4, 03/07/2024, 11:42[GMT+7]

Thêm một kỳ công thể hiện lòng say mê truyện Kiều của người dân Thái Bình

Thứ 5, 19/12/2013 | 09:33:07
1,653 lượt xem
Truyện Kiều là thi phẩm xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Đại thi hào Nguyễn Du là nhà thơ kiệt xuất của dân tộc ta trong mọi thời đại. Chưa từng có một tác phẩm nào, nhà thơ nào được nhân dân ta yêu quý và ngưỡng mộ như Truyện Kiều và Nguyễn Du. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: trong nước ta, địa phương nào, nhân dân yêu quý Truyện Kiều nhất, ngưỡng mộ Nguyễn Du nhất thì câu trả lời thật không đơn giản. Quê hương của Đại thi hào, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh...

Ảnh minh họa

Truyện Kiều là thi phẩm xuất sắc nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Đại thi hào Nguyễn Du là nhà thơ kiệt xuất của dân tộc ta trong mọi thời đại. Chưa từng có một tác phẩm nào, nhà thơ nào được nhân dân ta yêu quý và ngưỡng mộ như Truyện Kiều và Nguyễn Du. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: trong nước ta, địa phương nào, nhân dân yêu quý Truyện Kiều nhất, ngưỡng mộ Nguyễn Du nhất thì câu trả lời thật không đơn giản. Quê hương của Đại thi hào, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi mà “trên đồng, những đám kê, vạt lạc/ Như những trang Kiều mở giữa mùa xuân”; nơi mà “Những lời nói hàng ngày/ Ngỡ ngân ngang thành lục bát”... thì lời thơ trong Truyện Kiều thâm nhập vào đời sống hàng ngày cùng với những thú vui lẩy Kiều, tập Kiều, diễn trò Kiều... Đã nhiều năm, tôi đinh ninh đây là địa phương nhân dân yêu mến Truyền Kiều nhất nước.

Hai năm 2008 – 2009, Đài Tiếng nói Việt Nam, trong chương trình “Tìm trong kho báu”, đã giới thiệu Truyện Kiều với thính giả cả nước, bằng cách mỗi hôm trích vài ba chục câu Kiều qua giọng ngâm của các nghệ sĩ nổi tiếng, sau đó các “nhà Kiều học” phân tích, giảng giải cho thính giả lĩnh hội được nội dung và cái hay của thi phẩm. Tôi may mắn được cùng các nhà “Kiều học” khác tham gia phần giảng giải này. Bên cạnh đó, trong chương trình này còn tiết mục “Đố Kiều”, bao gồm việc ra câu đố, tổng kết lời giải đố của thính giả cả nước, cho đáp án và đề nghị trao giải. Tiểu mục “Đố Kiều” đã kéo dài 18 tháng trời với 18 câu đố và mỗi câu có hàng trăm thính giả tham gia dự thi. Và sau khi chương trình kết thúc, tôi mới rút ra một điều: Địa phương có nhiều người tham gia giải “Đố Kiều” nhất, có nhiều bài giải chất lượng, không phải đâu khác, mà chính là Thái Bình! Phải chăng đây là nơi có nhiều người yêu Truyện Kiều nhất nước?

Tại sao lại có hiện tượng này? Tôi tự tìm cho mình lời lý giải. Như ta đã biết, năm 1786, lần đầu Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, năm mà Nguyễn Khản và Nguyễn Điều cùng qua đời, Nguyễn Du phải rời Thăng Long về quê vợ ở Quỳnh Phụ (Thái Bình). Và trong “mười năm gió bụi” (thập tải phong trần – lời của Nguyễn Du), tác giả Truyện Kiều được sự nuôi nấng, đùm bọc không chỉ của dòng họ Đoàn Nguyên, mà của bà con trong vùng, không chỉ để cho ông tồn tại, mà sáng tác những bài thơ đầu tiên trong “Thanh Hiên thi tập” và cũng không thể loại trừ, đây là thời kỳ Đại thi hào bắt đầu sáng tác Truyền Kiều.

Cho đến nay, dòng họ Đoàn Nguyên vẫn nâng niu những gì có liên quan với Nguyễn Du ở Quỳnh Phụ như lưu giữ một bản Kiều cổ và nhân dân Thái Bình vẫn coi Nguyễn Du là “người nhà mình” khi sưu tầm, nghiên cứu cũng như thưởng thức và quảng bá Truyện Kiều. Biết bao câu chuyện cảm động thể hiện lòng mê say Truyện Kiều từ các nhà Hán học như Nguyễn Doãn Thiết, Nguyễn Tiến Đoàn... đến các nhà ngoại giao, nhà giáo như: Nguyễn Nhật Thăng, Lương Hữu, Nguyễn Minh Hoàng... không những đầy nhiệt huyết với Truyện Kiều và Nguyễn Du, mà còn truyền lửa, nhen nhóm tình yêu ấy cho ngàn vạn con người.

Cuối tháng 10 năm 2013, trong đoàn của Hội Kiều học Việt Nam về dự lễ ra mắt Văn phòng đại diện của Hội ở Thái Bình, tôi không chỉ được chứng kiến lòng yêu Truyện Kiều của bao người, mà còn được tiếp cận một công trình mới, một kỳ công thể hiện lòng mê say Truyện Kiều của người Thái Bình: TRUYỆN KIỀU – NÔM – QUỐC NGỮ ĐỐI CHIẾU của hai tác giả Nguyễn Đức Thái và Lê Ngọc Kim. Đây là một bản Kiều thật đặc biệt, được chép bằng tay tất cả 3.254 câu Kiều! Cũng đã có nhà thư pháp chép toàn bộ Truyện Kiều Quốc ngữ, đạt kỷ lục trọng lượng quyển sách về Truyện Kiều, nhưng sách đó chỉ một bản để trưng bày, chứ không phải để đọc.

Có điều này cần lưu ý với độc giả: Bản Kiều Nôm mà hai tác giả chọn để thể hiện trong tác phẩm này là bản của LIỄU VĂN ĐƯỜNG 1871, là một bản Kiều quý hiếm, bạn đọc hiện nay rất khó tìm. Như vậy, có quyển sách này trong tay, bạn đọc không chỉ thưởng thức “công trình kể biết mấy mươi” với nét chữ tài hoa, trình bày trang nhã của hai tác giả, mà bạn đọc còn sở hữu một bản Kiều Nôm quý hiếm.

Vương Trọng
(Hà Nội)

 

 

  • Từ khóa