Thứ 2, 01/07/2024, 13:18[GMT+7]

Những giá trị đặc biệt của Lễ hội Đền Trần

Thứ 6, 28/02/2014 | 17:23:11
4,653 lượt xem
Từ các nguồn tư liệu chính thống của quốc sử lưu truyền cùng những di sản văn hóa đã có và hiện còn, các thế hệ cư dân Thái Bình từng tự hào với Long Hưng - Hưng Hà là vùng quê sáng nghiệp của vương triều Trần.

Múa rồng đêm khai hội. Ảnh: Thành Tâm

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay trên địa bàn Thái Bình còn hơn 100 di tích lịch sử thời Trần, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Đó là những chứng tích góp phần khẳng định vùng đất này không chỉ là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của những người khai sáng ra triều Trần như Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Trần Thái Tông cùng nhiều bậc danh nhân thời Trần mà còn là phòng tuyến hiểm yếu, là hậu phương vững chắc trong 3 lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược ở thời Trần.

Trong số các di tích lịch sử văn hóa thời Trần thì khu di chỉ khảo cổ học Tam Đường là nơi đặt tôn miếu nhà Trần với 4 lăng tẩm của Trần Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và 4 lăng tẩm của 4 vị Hoàng hậu. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, việc đặt tôn miếu của các triều đại phong kiến từng được xác định là một việc hệ trọng, có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của một vương triều. Tôn miếu và xã tắc là những khái niệm thiêng liêng, cùng chung sự tồn vong. Muốn giữ yên ngôi báu thì vương tộc cùng muôn dân phải dốc chí, đồng lòng bảo vệ, gìn giữ. Theo truyền thống, với tâm thức “lá rụng về cội” dường như các triều đại xưa thường chọn nơi phát tích để đặt tôn miếu.

Tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề đánh cá từ đất Đông Triều. Đến đời Trần Kinh thì chuyển về Tức Mặc (Nam Định) và qua đời ở đó. Con trai Trần Kinh là Trần Hấp, nhờ tìm được thế đất tốt đã dời mộ bố về táng tại Mả Sao, hương Thái Đường, phủ Long Hưng, nay thuộc xã Tiến Đức huyện Hưng Hà và cư trú tại đây. Từ nghề đánh cá, Trần Hấp cùng con cháu sau chuyển dần lên bờ làm ruộng và trở nên giàu có, ngày càng có thế lực mạnh để bước vào vũ đài chính trị. Đến đời thứ tư thì Trần Cảnh được trao ngôi báu từ tay nhà Lý.

Nhà Trần đã chọn Thái Đường - Long Hưng làm nơi đặt tôn miếu để xây dựng lăng tẩm an táng các vị vua và hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong hoàng tộc. Thái Tổ Trần Thừa được táng tại Thọ lăng, Thái Tông táng tại Chiêu lăng, Thánh Tông táng tại Dụ lăng, Nhân Tông táng tại Đức lăng, đều thuộc đất Thái Đường. Hiển Tông táng tại An Lăng phủ Kiến Xương nay thuộc phần đất huyện Hưng Hà. Còn lại các vua Anh Tông, Minh Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Thuận Tông được táng tại Đông Triều. Vùng đất Tức Mặc, Nam Định được xây dựng hành cung để các vị Thượng hoàng về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Vì thế mới có chuyện đương thời có người còn chưa rõ tại sao cả Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình đều có đền Trần. Hoặc giả, có người còn trăn trở đâu thờ là chính, là đúng…?

Chính tại nơi đặt tôn miếu này, Vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã đưa tù binh về làm lễ mừng chiến thắng vào ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) trước Chiêu Lăng  và đọc hai câu thơ bất hủ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng)

Cũng chính tại nơi đây, miếu thờ các Vua Trần đã được xây dựng, các Vua Trần hàng năm vẫn về đây tế tổ. Quy mô và địa thế của miếu thờ các Vua Trần đã được các bộ địa chí triều Nguyễn ghi chép khá tường tận. Khi giặc Pháp đổ bộ lên đánh chiếm Thái Bình vào năm 1950, miếu đền bị phá, lăng tẩm bị hư hao nhưng nhiều đồ thờ tự và sự lệ phụng thờ thì vẫn được nhân dân nơi đây lưu giữ. Khu di chỉ khảo cổ học Tam Đường đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1989 và lễ hội làng Tam Đường cũng được chấn hưng từ đó.

Màn trống hội. Ảnh: Hiền Trâm

Những năm gần đây, kể từ khi di tích được phục dựng và tôn tạo cơ bản hoàn thành thì lễ hội đền Trần tại Tam Đường luôn được duy trì vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm theo đúng định lệ cổ truyền. Năm sau có quy mô lớn hơn năm trước. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường niên về dự hội. Hàng vạn lượt du khách từ nhiều tỉnh thành đã về tham dự.

Điểm sáng văn hóa của lễ hội Đền Trần là nhiều lễ thức cùng những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống có cội nguồn từ thời Trần như tục thi cỗ cá, tục rước nước, tục đấu gậy, tục thi thả diều, tục vật cầu, tục giao chạ giữa hai làng Tam Đường và Vân Đài cùng nhiều mỹ tục khác đã được duy trì nghiêm cẩn và bền vững. Điều đáng nâng niu, trân trọng hơn cả là những lễ tục cổ được coi là di sản văn hóa thời Trần tại lễ hội Đền Trần (Hưng Hà) đã ngày càng tỏa sáng. Chính do sự tỏa sáng  những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trong lễ hội Đền Trần (Hưng Hà) mà đến năm nay, lễ hội Đền Trần ở Nam Định đã đưa vào tục rước nước và tục thi cỗ cá cùng một số sự lệ cổ truyền khác, vốn là những lệ tục cổ có cội nguồn từ Thái Bình.

Từ mấy chục năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh  những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên quê hương của mình. Một trong các hoạt động đó là luôn chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương tổ chức các cuộc hội thảo khoa học nhằm hướng tới mục tiêu tìm ra những bài học từ lịch sử, tìm đúng những điểm tựa từ truyền thống để tạo ra những sức bật mới, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với thời đại.

Gần đây nhất vào tháng 12 năm 2013, UBND huyện Hưng Hà đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học mang tầm quốc gia để xác định chân xác hơn, khách quan hơn về những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa thời Trần trên vùng đất Hưng Hà. Đó là một trong những cơ sở khoa học bổ sung cho việc lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Đền Trần (Hưng Hà) là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Cuối năm Quý Tỵ (2013), Hội đồng Di sản quốc gia đã họp phiên đặc biệt để xem xét, đánh giá hồ sơ đề nghị của Thái Bình. Với số phiếu tán thành tuyệt đối, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định cấp Bằng Chứng nhận Lễ hội Đền Trần Hưng Hà là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn lao, góp thêm phần khẳng định vị thế của đền thờ các Vua Trần và vị thế của vùng đất phát đế vương ở Thái Bình, đồng thời thắp sáng truyền thống quê hương nhà Trần.

Hy vọng rằng lễ hội năm nay sẽ là một điểm nhấn trong hồ sơ trình Chính phủ công nhận di tích Đền Trần tại nơi đặt tôn miếu nhà Trần thuộc xã Tiến Đức và quần thể di tích thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung tại xã Liên Hiệp là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt để xứng tầm với việc tôn vinh vương triều Trần cũng như việc đã tôn vinh nhà Lý tại Bắc Ninh và tôn vinh nhà Lê tại Thanh Hóa.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa