Thứ 6, 05/07/2024, 16:27[GMT+7]

Xúc động những hành trình về lại vùng đất lửa Kỳ 2: Lời thề Vị Xuyên

Thứ 4, 27/07/2022 | 08:34:56
3,229 lượt xem
Năm 1979 trên mảnh đất Vị Xuyên (Hà Giang) hùng vĩ, hơn 4.000 thanh niên trai tráng từ khắp mọi miền Tổ quốc đã chiến đấu quyết tử để giữ gìn từng tấc đất trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Với lời thề "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử", 43 năm sau mảnh đất Hà Giang giờ đã thay đổi nhiều nhưng lời thề năm xưa vẫn còn nguyên giá trị để lớp lớp thế hệ luôn nhớ đến mảnh đất này như một chứng tích lịch sử.

Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của 1.864 liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể, trong đó có phần mộ của 78 người con quê hương Thái Bình.

Sống bám đá đánh giặc...

Một ngày tháng 7, trong cái nắng gay gắt của mùa hè, lần đầu tiên trong thời gian công tác tôi may mắn được cùng Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh dự lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại một số nghĩa trang liệt sĩ trên mảnh đất Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Giang. Tuyến đường từ Thái Bình đến Vị Xuyên (Hà Giang) dài gần 400 cây số, thời gian đi và về gần 2 ngày nên cả đoàn không có nhiều thời gian để gặp gỡ các nhân chứng lịch sử. 

Trong hành trình về địa chỉ đỏ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, may mắn tôi được tiếp xúc với đồng chí Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Vị Xuyên Bế Ngọc Bài - người có gần 50 năm gắn bó với mảnh đất này với vai trò người dẫn chương trình cho buổi lễ dâng hương. 

Nhấp chén trà nóng vừa pha trong lúc chờ cơn mưa tạnh, anh trải lòng: Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân xâm lược tràn sang biên giới Việt Nam phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc, thị trấn. Ðặc biệt, trong một chiến dịch xâm lược quy mô lớn nhất từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, địch đã lần lượt đưa hơn 50 vạn quân tấn công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên. Ðể bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn đã trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên. Tại các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Ðồi Ðài, Cô Ích, Bốn Hầm..., trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt. Toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trải rộng trên 20 km2 trở thành vùng đất lửa với những địa danh khốc liệt như đồi thịt băm, thác gọi hồn, lò vôi thế kỷ, ngã ba cửa tử… Với sự can đảm và anh dũng phi thường, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân xâm lược, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Hiện nay, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của 1.864 liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể, trong đó có  phần mộ của 78 người con quê hương Thái Bình đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh thắp hương từng phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. 

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, chúng tôi ngược lên biên giới Thanh Thủy - nơi chiến trường ác liệt năm xưa để dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ điểm cao 468 thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đài tưởng niệm 468 được xây dựng trên diện tích hơn 1.100m2. Trong suốt những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng, mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu “Một tấc không đi, một ly không rời” quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, từng vách đá, điểm cao với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, hơn 4.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để hôm nay sừng sững trên điểm cao 468 “Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên” trở thành nhân chứng lịch sử. 

Theo lời của đồng chí Bế Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, lời thế quyết tử được liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, quê ở xã Minh Hoà, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ khắc trên báng súng trước hy sinh vào khoảng tháng 1/1984. 9 chữ trên báng súng đã trở thành lời thề trong tâm khảm của các chiến sĩ suốt thời kỳ ấy.

Đền thờ Liệt sĩ điểm cao 468 nhìn từ trên cao. 

Giữ vững lời thề

Mảnh đất Vị Xuyên bom đạn cày xé năm xưa giờ đã phủ bạt ngàn màu xanh của cây cối. Nhưng trong tâm trí sâu thẳm của mỗi người dân Việt Nam khi đến dâng hương tại mảnh đất này không nguôi nghĩ về thời chiến đấu ác liệt của chiến trường năm xưa. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, hơn 9.000 người bị thương, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ còn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu vẫn chưa được tìm thấy và quy tập. 

Dẫn chúng tôi dâng hương tại mộ liệt sĩ tập thể và các phần mộ liệt sĩ, trong đó có phần mộ của người con quê hương Thái Bình đang yên nghỉ, anh Trần Thanh Tuấn, Tổ phó Tổ quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên cho biết: Khác với một số nghĩa trang liệt sĩ quốc gia của cả nước được quy tập các phần mộ được phân khu của từng tỉnh, thành phố, các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được quy hoạch xen kẽ với tâm niệm ở thế giới bên kia các liệt sĩ vẫn có thể trò chuyện, chia sẻ với nhau về quá khứ hào hùng.

43 năm, khắc ghi lời thề của người lính Vị Xuyên năm xưa, người dân ở khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về đây cùng nhau đoàn kết, xây dựng mảnh đất Vị Xuyên ngày càng đổi mới. 

Nhìn sự đổi thay từng ngày của mảnh đất kiên cường, hứng chịu nhiều lửa đạn, đồng chí Bế Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên mở lòng: Trước đây thôn Nặm Ngặt nói riêng và xã Thanh Thủy nói chung người dân sinh sống thưa thớt, nhà cách nhà hàng cây số, chỉ toàn là rừng núi bao la bát ngát, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ, động viên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, người dân khắp nơi đã đến bám đất, bám bản, trong đó có người con quê lúa Thái Bình. 

“Xương máu của các liệt sĩ đã nằm lại chiến trường để cây cối bát ngát một màu xanh, bản làng rộn tiếng cười. Với mỗi người dân trong xã chúng tôi luôn khắc ghi lời thề của những chiến sĩ Vị Xuyên năm xưa, cùng đoàn kết, động viên nhau phát triển, quyết tâm giữ từng tấc đất mà cha ông ta đã giành được”, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Bế Hồng Quân chia sẻ.

Chia tay mảnh đất Vị Xuyên anh hùng, chúng tôi trở về với công việc và cuộc sống đời thường nhưng lời thề năm xưa vẫn in đậm trong ký ức của mỗi người. Thấu hiểu được sự hy sinh mất mát to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, biên cương, mỗi chúng tôi luôn tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh, cùng nỗ lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Nguyễn Cường