Thứ 2, 01/07/2024, 13:11[GMT+7]

Đuối nước ở trẻ em - đến hè lại lo

Thứ 6, 24/05/2024 | 08:27:27
2,789 lượt xem
Hè về, môi trường nước luôn là lựa chọn lý tưởng để các em thiếu nhi vui chơi, khám phá. Tuy nhiên, những vụ đuối nước thương tâm do nhiều nguyên nhân lại khiến các bậc phụ huynh thấp thỏm lo âu...

Bể bơi di động xã Vũ Ninh (Kiến Xương) giúp trẻ em ở vùng nông thôn có điều kiện được học bơi lội, phòng tránh tai nạn đuối nước.

Những cái chết thương tâm 

Mới đây, người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà) không khỏi bàng hoàng và xót xa khi hay tin cháu P.V.T, sinh năm 2018 bị đuối nước tại bể nước mưa nhà hàng xóm khi mới vừa tròn 6 tuổi. Ở cái tuổi hồn nhiên, vô tư nô đùa trong sự bao bọc của những người thân yêu nhưng chỉ vì phút giây bất cẩn mà gia đình đã vĩnh viễn mất đi đứa con thân yêu của mình. 

Tại xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) cũng mới xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm một học sinh tử vong. Đó là trường hợp em N.T.A, sinh năm 2010. Sau khi tan học về, nhóm học sinh gồm 6 em rủ nhau ra sông Luộc tắm và sau đó xảy ra đuối nước thương tâm. 

Gần đây nhất, tại huyện Tiền Hải đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước làm 3 học sinh cùng sinh năm 2014 của các xã Đông Trà, Đông Long, Tây Ninh tử vong. 

Bà Phạm Thị Xuân, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiền Hải cho rằng: Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em biết bơi lội nhưng nếu cha mẹ chủ quan thì sẽ không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn. Những vụ tai nạn đuối nước đã gây ra nỗi ám ảnh cho các bậc phụ huynh và nhiều gia đình; đây thực sự là hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở những người có trách nhiệm cần phải quan tâm, bảo vệ tốt hơn nữa trẻ em trước các nguy hiểm rình rập từ môi trường nước. 

Bà Hoàng Thị Len, Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó nguyên nhân phổ biến là do các em chưa xác định được mức độ nguy hiểm của môi trường, hoàn cảnh của các trò chơi. Có một số gia đình chưa có ý thức đầy đủ về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số nơi nguy hiểm dễ gây tai nạn thương tích không có biển báo, không có chỉ dẫn hoặc có nhưng để khuất ảnh hưởng tầm nhìn. Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. 

Trẻ em đến vui chơi và học bơi tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Đến hè càng lo 

Ở bất kỳ thời điểm nào, đuối nước luôn luôn rình rập, lấy đi sinh mạng của trẻ em nếu chúng ta bất cẩn, chủ quan. Tuy nhiên, vào thời điểm nghỉ hè là lúc nguy cơ tai nạn đuối nước tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất bởi đây là lúc học sinh được nghỉ học, các em có nhiều thời gian để cùng nhau vui chơi, nhất là ở môi trường nước. 

Hè về, chị Đào Thị Lan ở huyện Kiến Xương lại nơm nớp lo lắng vì có 3 đứa con nhỏ, nhà lại có ao to nên lúc nào chị cũng phải để mắt tới các con. Chị Lan cho rằng bản thân mình phải thực sự chú ý, quan tâm tới các con bởi chỉ cần một giây phút không chú tâm là trẻ con có thể ra khu vực bờ ao nô nghịch, như thế sẽ rất nguy hiểm. 

Với gia đình chị Phạm Thị Duyên ở huyện Tiền Hải lại khác. Do cả hai bên nội và ngoại đều ít người nên dù lo lắng, chị vẫn phải đi làm và đánh liều để con ở nhà tự chơi một mình. Con đã lớn nhưng chị luôn luôn phải dặn dò con không được chơi đùa gần khu vực ao, hồ nguy hiểm. 

Chị Duyên cho rằng, lo lắng là tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi hè đến. Không chỉ có nguy cơ tai nạn đuối nước mà còn rất nhiều loại tai nạn thương tích có thể xảy đến với trẻ em trong dịp hè. Hầu hết ai cũng muốn quan tâm tới con nhưng do điều kiện công việc nên không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể bên con 24/24 giờ, nhất là với những gia đình vợ chồng trẻ, bố mẹ bận mải công việc, nhiều khi con cái để lại cho ông, bà hoặc nhờ hàng xóm trông hộ. Trong khi bản tính của trẻ em vốn hiếu động, ham chơi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường có thói quen rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ. Vì vậy, trang bị cho con các kỹ năng phòng tránh đuối nước là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng để các con hạn chế nguy cơ tai nạn đuối nước. 

Cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và xã hội 

Nhận thức được những nguy cơ của tai nạn đuối nước đối với trẻ em, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã kịp thời vào cuộc triển khai biện pháp phòng, chống. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của trung ương và tình hình thực tiễn về tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước ở trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1629/ UBND-KGVX, ngày 4/5/2024 về tăng cường chỉ đạo thực hiện phòng, chống đuối nước trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ tai nạn, thương tích trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em. 

Chị Phan Thị Ngân Phương, Bí thư Huyện đoàn Vũ Thư chia sẻ: Huyện đoàn đã chỉ đạo đoàn thanh niên các xã, thị trấn, các trường tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, đồng thời tổ chức các lớp dạy bơi cho thiếu nhi. Mới bước vào đầu hè nhưng nhiều địa phương đã triển khai tốt các lớp kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tiêu biểu như các xã Dũng Nghĩa, Vũ Hội, Vũ Vinh, Tân Hòa... 

Là giáo viên dạy môn bơi lội nhiều năm nay, anh Nguyễn Duy Ngọc ở huyện Kiến Xương cho biết, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, nhiều trẻ em ở vùng nông thôn đã được tiếp cận với các nhu cầu vui chơi, giải trí mà trước kia chỉ trẻ em ở thành phố mới có được. Anh Ngọc thấy vui mừng vì ở hầu hết các xã, thị trấn đều đã có bể bơi cố định và di động giúp các em có điều kiện thuận lợi để được vui chơi trong dịp hè. Việc có các bể bơi với các lớp dạy học bơi lội giúp các em rèn luyện sức khỏe và có được kỹ năng xử lý tình huống đuối nước khi cần thiết. 

Khu vực sông ngòi, ao, hồ vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có thể gây ra tai nạn chết người. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em. Để không còn đuối nước, để không còn những cái chết thương tâm thì cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải thường xuyên quan tâm, giám sát, nhắc nhở trẻ về nguy cơ tai nạn đuối nước. Chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đỗ Hồng Gia