Thứ 4, 03/07/2024, 12:14[GMT+7]

Nhớ lẽ khoan dân (Tiếp theo và hết)

Thứ 3, 30/10/2018 | 09:08:15
3,468 lượt xem
20 năm đã trôi qua nhưng bài học kinh nghiệm “xương máu” rút ra từ sự kiện mất ổn định chính trị ở tỉnh ta những năm 1997 - 1999 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để vận dụng thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng “thế trận lòng dân” trong tình hình mới.

An Ninh (Quỳnh Phụ) trên đường phát triển.

KỲ IV: GẦN DÂN LÀ BÀI HỌC THÀNH CÔNG

Những vấn đề đặt ra

Trong Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đánh giá: Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn hiện nay vẫn còn những hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện dân chủ; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được phát huy. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn hình thức, thiếu tính liên tục, đồng bộ, thiếu chiều sâu và tính thuyết phục. Một số nội dung công khai chưa đầy đủ, việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn để cấp có thẩm quyền quyết định còn hạn chế. Việc tổ chức để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên có nơi chưa bảo đảm yêu cầu. Một bộ phận nhân dân chưa phát huy hết công sức, trí tuệ tham gia xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp trên. Thực hiện dân chủ gắn với cải cách hành chính và đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, chưa tận tâm, tận lực, phong cách làm việc quan liêu, thiếu dân chủ còn xảy ra ở một số đơn vị. 

Một số địa phương còn tình trạng vi phạm nguyên tắc trong quản lý thu chi ngân sách, để xảy ra tình trạng nội bộ mất đoàn kết dẫn đến đơn thư tố cáo, phải xử lý cán bộ. 

Từ một điểm nóng, xã Quỳnh Hoa vươn lên ổn định về chính trị, kinh tế phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân còn lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, gây trở ngại tới việc triển khai một số nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Công tác tiếp dân ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời, chủ động theo đúng thẩm quyền dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp. Một số vụ việc xảy ra ở cơ sở chậm được giải quyết làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân, còn có những vụ việc phức tạp, kéo dài. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả, còn thiếu cơ chế, kinh nghiệm, phương pháp hoạt động còn lúng túng.

Đông Hưng thu hút doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động nông thôn. 

Theo như phân tích của ông Nguyễn Bá Côn, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Mất ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh những năm 1997 - 1999 đã để lại hậu quả nặng nề, kéo tụt sự phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình khoảng 10 năm. Những năm sau đó, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phải gồng mình, nỗ lực hết sức tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để đạt được những thành tựu như hôm nay. Vì vậy, chúng ta không bao giờ được “ngủ quên” thỏa mãn với những thành tích đã đạt được. Những hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các vụ việc xảy ra gần đây ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) hay ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho thấy bài học “xương máu” rút ra từ sự kiện mất ổn định chính trị ở Thái Bình những năm 1997 - 1999 đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thái Bình đang dồn lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Mục tiêu đặt ra là: tăng cường đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; huy động mọi nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để xây dựng tỉnh Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại. Cùng với huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình, dự án lớn: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển, khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tại Quỳnh Phụ... Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới đối với Thái Bình sẽ rất nặng nề, đòi hỏi việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải đổi mới đồng bộ cả về phương pháp, hình thức thực hiện theo phương châm linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất.

Bài học gần dân, hiểu dân


Quyền làm chủ của nhân dân Thái Bình ngày càng được phát huy.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Côn: Để thực hiện tốt hơn nữa quy chế dân chủ ở cơ sở, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; coi đây là “cẩm nang” để xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, là “chìa khóa” để mở rộng quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, là “chất keo” gắn kết Đảng và nhân dân. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ, các tổ chức đảng cần đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc chất vấn của cấp ủy viên tại các kỳ họp của ban chấp hành đảng bộ. Làm tốt công tác dự báo nắm bắt tình hình, phát hiện sớm những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở kịp thời giải quyết, không để phát sinh thành điểm nóng.

Chăm sóc giáo dục trẻ ở Trường Mầm non Vũ Nghĩa, xã Duy Nhất (Vũ Thư).

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Những tháng ngày cùng cán bộ của tỉnh đi ổn định tình hình chính trị trong tỉnh những năm 1997 - 1999, tôi cho rằng những bức xúc của nhân dân lúc bấy giờ là có cơ sở, là do huy động nguồn lực quá sức dân, do mất dân chủ. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp cần công khai, minh bạch tất cả những nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân để nhân dân nắm vững và sử dụng quyền được biết của mình; trong huy động các nguồn lực trong nhân dân và phải biết khoan sức dân. Đổi mới cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm động viên nhân dân chủ động, tích cực thực hiện và phát huy các quyền dân chủ. Cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thấu hiểu xem họ cần gì. Tôi rất đồng tình với việc thời gian qua tỉnh đưa cán bộ về sinh hoạt với chi bộ nông thôn, bởi việc này mang lại rất nhiều lợi ích. Cán bộ về mang chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Từ gần dân, cán bộ học được ở người dân những vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, Thái Bình tạo sự đồng thuận trong nhân dân triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Đặng Văn Ang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho biết: Bài học rút ra từ sự kiện mất ổn định chính trị của Thái Bình đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên sau 20 năm tình hình đã có rất nhiều thay đổi, nhiều vấn đề thực tế đặt ra cần được giải quyết, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, yêu cầu về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng vì thế mà đòi hỏi cao hơn. Vì vậy quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải có kế hoạch cụ thể, xây dựng các quy chế và quy định trên từng lĩnh vực cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, gắn với cải cách hành chính nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở. Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, kết hợp thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong nội bộ của Đảng, của cán bộ, đảng viên trước nhân dân; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tăng cường quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ với nhân dân; nơi nào nội bộ mất đoàn kết, cán bộ có sai phạm thì giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh, bởi thực tế đã chứng minh: “Đảng đoàn kết dân yên, Đảng trí tuệ dân theo, Đảng trong sạch dân tin”.

Thái Bình đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết các công việc.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chia sẻ với báo chí từng 50 lần liên tục đi về điểm nóng Thái Bình để hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết ổn định tình hình và theo ông bài học gần dân, hiểu dân là không bao giờ cũ. 

Với kinh nghiệm rút ra từ giải quyết điểm nóng những năm 1997 - 1999, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vận dụng bài học gần dân, hiểu dân như lời đồng chí Phạm Thế Duyệt nói, chắc chắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của tỉnh Thái Bình sẽ có bước phát triển hơn nữa, tạo tiền đề cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Ông Nguyễn Văn Hứa, Bí thư Đảng ủy xã An Ninh (Quỳnh Phụ)

Trong quá trình ổn định tình hình ở An Ninh, một trong những bài học kinh nghiệm mà cấp ủy, chính quyền địa phương rút ra là phải thường xuyên tuyên truyền có hiệu quả, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò của Ban Dân vận Đảng ủy, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, nhất là các tổ hòa giải ở cơ sở tham gia giải quyết các tranh chấp, xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để  thành mâu thuẫn lớn phát sinh đơn thư khiếu kiện lên cấp trên. Hòa giải là hoạt động dân vận vì mọi người và trên cơ sở tình người ngày càng phát huy tác dụng thiết thực ở An Ninh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ông Phạm Văn Chiêm, thôn Trung Thịnh, xã Thái Thịnh (Thái Thụy)

Tôi là cán bộ xã Thái Thịnh thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và trải qua sóng gió giai đoạn mất ổn định chính trị những năm 1997- 1999. Bài học kinh nghiệm rút ra những năm đó đã tạo tiền đề để Thái Thịnh nói riêng, Thái Bình nói chung có bước phát triển vượt bậc như hôm nay. Thấy quê hương đổi mới, dân chủ ngày càng được phát huy, tôi rất vui mừng phấn khởi nên nhiệt tình ủng hộ các phong trào của địa phương. Mong rằng thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã kịp thời thông tin đến người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để bà con hiểu, đồng thuận trong thực hiện, đạt kết quả cao nhất.


Nguyễn Hình - Thu Thủy


  • Từ khóa