Thứ 4, 03/07/2024, 12:36[GMT+7]

Đồng vốn nghĩa tình (Kỳ 1)

Thứ 2, 05/11/2018 | 08:35:21
1,731 lượt xem
Các món vay tuy có giá trị nhỏ (tối đa chỉ 50 triệu đồng/món) nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn, là chiếc “phao” cứu cánh giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đó chính là những đồng vốn nghĩa tình, đang được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai thực hiện gần 16 năm qua.

Gia đình chị Hoàng Thị Phương, thôn Hiên, xã Tây Lương (Tiền Hải) phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Kỳ 1: Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách

Lan tỏa từ những mô hình

Gia đình chị Đỗ Thị Phương (thôn Lộng Khê 1) thuộc diện hộ nghèo của xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ. Chồng mất sớm, một mình chị Phương phải bươn trải kiếm tiền nuôi mẹ già và hai con ăn học. Sự khó khăn lên đến đỉnh điểm khi năm 2017 con trai chị là cháu Nguyễn Văn Hùng đỗ Đại học Dược Hà Nội. 

Chị Phương tâm sự: Tôi mừng thì ít mà lo thì nhiều bởi biết lấy tiền ở đâu để nuôi con ăn học trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ trông cậy vào 2,5 sào ruộng. 

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lộng Khê 1 đã bình xét, tin tưởng cho chị Phương vay 35 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và 15 triệu đồng từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Với số tiền đó, chị Phương đã đầu tư chăn nuôi 20 con gà, 10 con vịt, 5 con lợn; từ đó gia đình cũng bớt khó khăn hơn, cháu Hùng có điều kiện tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành trình dược viên trong tương lai. 

Cũng như chị Phương, gia đình chị Nhâm Thị Ngọc (thôn Phương Đài, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng) đang vay 62 triệu đồng của Ngân hàng CSXH. Do không có việc làm ổn định nên chị Ngọc quyết định đầu tư vào chăn nuôi để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. 

Chị Ngọc tâm sự: Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi gần 500 con gà ri lai và gà đẻ nhưng sau thấy có hiệu quả nên gia đình tôi quyết định mua 3,5 sào đất vùng chuyển đổi để mở rộng quy mô chăn nuôi với 700 con gà, 100 con thỏ và 20 con lợn. Sử dụng vốn vay có hiệu quả, mỗi năm gia đình chị Ngọc thu lãi trung bình 100 triệu đồng. 

Cùng với chị Phương, chị Ngọc, hơn 100.000 người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh cũng đang được vay vốn của Ngân hàng CSXH để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nghề và làng nghề...

16 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp:

  •  Hơn 87.000 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho hơn 82.000 lao động; giúp cho trên 91.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng, cải tạo hơn 268.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng gần 4.500 ngôi nhà cho hộ nghèo; 
  • Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,16% (năm 2011) xuống còn 2,9% (năm 2015) và 4,01% (năm 2017) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.


Ngân hàng của người nghèo

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện 9 chương trình tín dụng với quy mô ngày càng được mở rộng cả về khối lượng và đối tượng phục vụ, bao gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo và cho vay nhà ở xã hội. 

Đến ngày 30/9/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt 2.737,442 tỷ đồng, gấp 10,63 lần so với thời điểm 31/12/2003, trong đó nguồn vốn từ trung ương chiếm 83,75%, nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách địa phương chiếm 1,2% và nguồn vốn huy động được trung ương cấp bù lãi suất chiếm 15,05%. Tổng doanh số cho vay trong 16 năm qua đạt 8.900,049 tỷ đồng với 737.021 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay đạt 2.732,789 tỷ đồng với 100.039 khách hàng đang vay vốn, gấp 10,63 lần so với thời điểm 31/12/2003.

Không chỉ mở rộng về khối lượng và đối tượng phục vụ, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh còn duy trì thực hiện có hiệu quả việc ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội. Đến ngày 30/9/2018, toàn tỉnh có 99.793 hộ vay vốn thông qua 2.946 tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác từ các tổ chức chính trị - xã hội với tổng dư nợ 2.726,908 tỷ đồng; trong đó Hội Nông dân 982,34 tỷ đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ 1.131,061 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 390,768 tỷ đồng và Đoàn Thanh niên 222,739 tỷ đồng. Thông qua phương thức ủy thác từng phần, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tiết kiệm được chi phí quản lý, đồng thời tạo điều kiện lồng ghép có hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật.


Ông Tạ Tiến Khẩn, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh

Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ khi thành lập đến nay, Chi nhánh luôn tập trung nguồn vốn đầu tư cho vay theo các chương trình chỉ định của Chính phủ, từ đó đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng, thủ tục đơn giản, thuận tiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Phạm Ngọc Kiều, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban giảm nghèo xã Đông Dương (Đông Hưng)

Đến ngày 30/9/2018, xã Đông Dương có tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH đạt 4,883 tỷ đồng với 146 hộ đang vay vốn. Có thể nói, vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH đã trợ giúp rất đắc lực cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,61% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 0,98%.

Chị Hoàng Thị Phương, thôn Hiên, xã Tây Lương (Tiền Hải)

Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã ban hành chính sách rất hợp lý, thủ tục vay lại rất đơn giản, nhanh chóng từ đó giúp gia đình tôi có điều kiện phát triển sản xuất. Với 40 triệu đồng vay từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp trên tổng diện tích hơn 7.000m2. Đến nay, gia đình tôi thường xuyên nuôi 2.000 con gà ri lai, 20 con lợn và thả các loại cá truyền thống với tổng diện tích ao 3.600m2. Sau khi trừ đi chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

(còn nữa)
Minh Hương