Thứ 2, 08/07/2024, 12:01[GMT+7]

Giải bài toán nông dân bỏ ruộng (Kỳ 2)

Thứ 2, 30/09/2019 | 15:36:20
3,186 lượt xem
Cùng thực trạng như nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nông dân Vũ Thư bỏ hoang ruộng ngày càng nhiều và đã đến mức “báo động”. Những thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang không chỉ làm mất đi nguồn thu nhập của người nông dân mà còn gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.

Nông dân xã Tân Hòa (Vũ Thư) chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao.

Kỳ 2: Hệ lụy từ những ruộng hoang hóa

Cánh đồng Khê Kiều, xã Minh Khai (Vũ Thư) được ví như “xôi đỗ”, xen kẽ ruộng cấy lúa và ruộng bỏ hoang. Bà Phạm Thị Đầm, thôn Khê Kiều chia sẻ: Ruộng của gia đình bà nằm cạnh mấy thửa ruộng bỏ hoang khiến việc sản xuất rất vất vả mà hiệu quả kém. Chuột, sâu bệnh trú ngụ ở những thửa ruộng bỏ hoang bên cạnh thường xuyên sang gây hại lúa của gia đình bà. Bên cạnh đó, gia đình bà gặp khó khăn khi thuê khoán máy móc làm đất, thu hoạch lúa vì các hộ xung quanh bỏ hoang, không có nhu cầu, chỉ có gia đình bà thì diện tích ít, các chủ máy ngại làm. 

Nông dân xã Tân Lập (Vũ Thư) trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao.

Cánh đồng thôn Gia Hội, xã Song An (Vũ Thư) những năm gần đây luôn bị chuột hoành hành dẫn đến năng suất thấp. Ông Nguyễn Văn Căn, thôn Gia Hội cho biết: Cánh đồng của thôn nằm liền kề với 2 cánh đồng rộng hàng chục mẫu của thôn Quyết Thắng, Thắng Lợi (xã Hòa Bình) - đây là những cánh đồng bị nông dân bỏ hoang nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm, là nơi trú ngụ của rất nhiều chuột, sâu bệnh. Nông dân ra sức diệt chuột nhưng chuột ở những cánh đồng hoang hóa này tràn sang rất nhiều, không thể diệt xuể, nhiều vụ chuột cắn phá, lúa chỉ đạt năng suất vài chục cân thóc/sào. Vì vậy, một số hộ của thôn Gia Hội, Lam Sơn (xã Song An) cũng bắt đầu bỏ ruộng, không cấy. 

Ông Bùi Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Với 52ha ruộng bỏ hoang, tính năng suất và giá thóc bình quân hiện nay, ước tính, nông dân xã Hòa Bình mất đi nguồn thu từ 1,8 - 2 tỷ đồng/vụ lúa. Không chỉ nông dân thất thu mà HTXNN địa phương cũng thiệt hại hàng chục triệu đồng/vụ vì nông dân lấy lý do “ruộng bỏ hoang, không cấy” nên không đóng góp các khoản chi phí thực hiện các khâu dịch vụ như dịch vụ thủy nông mặt ruộng, dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ khoa học kỹ thuật... Trong khi đó, trên thực tế, đối với nhiều ruộng bỏ hoang nằm xen kẽ với những ruộng nông dân đang sản xuất, thì HTX vẫn phải phục vụ nước tưới, tiêu mặt ruộng cho cả xứ đồng nhưng lại không thu được đóng góp từ người dân, như vậy là HTX phải chịu “lỗ” cho những diện tích bỏ hoang này. Tiêu biểu như vụ xuân năm 2019, HTX phải đầu tư tổng chi phí 47 triệu đồng cho các khâu dịch vụ sản xuất của cả xã, thế nhưng chỉ thu được 24 triệu đồng, số còn lại không thu được là do các hộ bỏ hoang hóa ruộng nên không đóng góp. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTXNN Vũ Vân (xã Vũ Vân) cho biết: Xã có 10,43ha ruộng bỏ hoang. Với diện tích bỏ hoang này, thực tế HTXNN vẫn phải thực hiện khâu thủy nông mặt ruộng ở nhiều vùng sản xuất; đặc biệt xác định đây là những “ổ chuột” nên HTXNN Vũ Vân đầu tư chi phí diệt chuột cao hơn các xứ đồng khác. Mặc dù vậy nhưng vụ xuân vừa qua, HTXNN Vũ Vân chỉ thu được chi phí thực hiện các khâu dịch vụ sản xuất của 50% diện tích ruộng hoang hóa, số còn lại nông dân không chịu nộp, HTXNN cũng không có biện pháp nào thu được. 

Huyện Vũ Thư hiện có hơn 300ha ruộng bị bỏ hoang, trong đó có nhiều diện tích nằm trong các xứ đồng vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của các địa phương. Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Không ít nông dân hiện nay có tư tưởng “ruộng được chính quyền giao cho tôi, tôi thích cấy thì cấy, không cấy thì tôi bỏ hoang, không ảnh hưởng đến ai”. Tuy nhiên, việc để ruộng đồng hoang hóa của các hộ dân này gây ra nhiều hệ quả xấu khác nhau. Ruộng bị bỏ hoang không đưa vào sản xuất gây lãng phí nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, trong khi đó nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức mong muốn có đất nông nghiệp để sản xuất lại không có. Với hơn 300ha ruộng bỏ hoang, nông dân trên địa bàn huyện mất đi nguồn thu ước tính hơn 10 tỷ đồng mỗi vụ sản xuất. Những diện tích ruộng bị bỏ hoang, không được đầu tư cải tạo còn làm đất dần bị chai sạn, bạc màu là nơi trú ngụ của chuột và các loại sâu bệnh, phát sinh gây hại diện tích sản xuất lúa và hoa màu khác của nông dân. Ruộng bỏ hoang tác động làm giảm nguồn thu các khâu dịch vụ sản xuất, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của các HTXNN trên địa bàn. Huyện đang nỗ lực để giảm tối đa tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng thời gian tới.

(còn nữa)

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa