Thứ 6, 05/07/2024, 19:44[GMT+7]

Sàng lọc, chăm sóc và điều trị viêm gan ngay từ y tế cơ sở

Thứ 5, 28/03/2024 | 15:37:35
2,670 lượt xem
Thái Bình được lựa chọn là địa phương triển khai dự án tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở. Với sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh, Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) và sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương, đến nay mô hình sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan B, C tại tuyến y tế cơ sở đã được xây dựng và đang triển khai thí điểm tại huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ. Sau khi thí điểm thành công, mô hình sẽ được nhân rộng ra các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ tư vấn cách phòng, điều trị viêm gan cho người dân.

Xã An Ninh (Tiền Hải) là một trong những địa phương triển khai thí điểm mô hình chăm sóc, điều trị viêm gan B, C tại tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã An Ninh chia sẻ: Việc xây dựng mô hình đã mang đến nhiều lợi ích cho y tế cơ sở, nhất là cho bệnh nhân bị viêm gan B,C, giúp chúng tôi có thêm kiến thức để tư vấn cho bệnh nhân tốt hơn tại địa phương. Chúng tôi mong muốn ngành y tế, HAIVN tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở để cán bộ, nhân viên y tế nâng cao năng lực, có thêm trang thiết bị, kinh phí phục vụ tốt hơn công tác truyền thông, quản lý, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân viêm gan B, C, góp phần thực hiện thành công mô hình.

Mục đích của dự án là tăng cường cung cấp các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở. Mục tiêu cụ thể là thiết kế và thử nghiệm thành công một mô hình tốt để phân cấp dịch vụ phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh viêm gan tại tuyến y tế cơ sở cho toàn thể cộng đồng dân cư, dự án được triển khai trong 4 năm (từ 2022 - 2026).

Đến nay, sau hơn 1 năm, các đơn vị y tế, cán bộ HAIVN đã làm việc tích cực, trách nhiệm, bám sát lộ trình đề ra, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có xây dựng, triển khai thí điểm mô hình. Chặng đường đầu tiên đã hoàn thành, đó là đưa viêm gan B, C là bệnh được quản lý, điều trị ở cơ sở dưới sự giám sát của y tế tuyến trên, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ HAIVN.

Năm 2023, các đơn vị đã cùng thiết kế mô hình, thống nhất 4 lĩnh vực can thiệp (tối ưu hoá lộ trình chăm sóc và điều trị; xây dựng năng lực của nhân viên y tế để quản lý bệnh viêm gan; cải thiện tính sẵn sàng của cơ sở, hệ thống y tế và huy động người dân, cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu)... Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp triển khai nhiều hoạt động như: Nâng cao năng lực cho nhân viên y tế; bảo đảm thuốc, vật tư tiêu hao cho dịch vụ khám chữa bệnh viêm gan B, C; thực hiện các thủ tục để người bệnh được thanh toán BHYT khám chữa bệnh viêm gan B, C; kết nối với hội liên hiệp phụ nữ các huyện Tiền Hải và Quỳnh Phụ để triển khai các hoạt động tại cộng đồng; thử nghiệm tích hợp nhiều giải pháp can thiệp, kiểm chứng việc kết hợp lồng ghép sàng lọc viêm gan với các dịch vụ khám chữa bệnh hiện có tại bệnh viện huyện và hỗ trợ kết nối điều trị mang lại hiệu quả…

Tại các trạm y tế xã, thị trấn triển khai thí điểm mô hình, cán bộ, nhân viên y tế được tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông về phòng, điều trị bệnh.

Đối với Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ và Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải, ngành y tế, HAIVN đã hỗ trợ kỹ thuật cho việc thực hiện sàng lọc, kết nối chẩn đoán, chăm sóc và điều trị... Qua thời gian triển khai thí điểm tại 2 bệnh viện đã đạt được những kết quả tích cực.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ cho biết: Bệnh viện là 1 trong 2 đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm điều trị viêm gan B, C ở tuyến huyện. Hiện Bệnh viện đã làm các quy trình, thủ tục liên quan đến khám điều trị viêm gan B, C tại cơ sở được thanh toán bảo hiểm y tế. Đến nay, các thủ tục khám chữa bệnh viêm gan B, C đã được bảo hiểm y tế thanh toán. Qua thống kê, từ đầu năm đến ngày 18/3, Bệnh viện đã khám sàng lọc cho gần 1.250 người. Người bệnh đến khám sẽ được sàng lọc, xét nghiệm đo tải lượng virus. Nếu chẩn đoán mắc viêm gan B, C sẽ được theo dõi, điều trị phù hợp.

Ông Phạm Nam Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Mô hình chăm sóc và điều trị viêm gan B, C là kết quả phối hợp của các bên liên quan nhằm thu hẹp khoảng trống trong việc phát hiện sớm, nâng cao kết nối dịch vụ chẩn đoán, điều trị viêm gan B, C tại tuyến y tế cơ sở. Sau khi thực hiện thí điểm bài bản, hiệu quả sẽ nhân rộng ra các địa phương khác. Theo chỉ đạo Bộ Y tế là viêm gan B, C phải được quản lý ngay tại cơ sở; phấn đấu đến năm 2030 loại trừ viêm gan B, C ra khỏi cộng đồng. Do đó, nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo rất lớn, cần có sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa từ các địa phương, đơn vị, nhất là những người trực tiếp làm công tác y tế. 

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm viêm gan cho người bệnh.

Từ những kết quả bước đầu, năm 2024, các đơn vị sẽ thực hiện các lộ trình tiếp theo đó là sàng lọc tại cộng đồng; lồng ghép viêm gan B, C vào những dịch vụ khám chữa bệnh khác của cơ sở y tế; duy trì đường dây điện thoại tư vấn cho người bệnh; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế; hỗ trợ lâm sàng từ cấp quốc gia, cấp tỉnh cho các cơ sở y tế triển khai mô hình; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tham gia sàng lọc, chăm sóc, điều trị viêm gan B, C…

Hiện nay, tỷ lệ mắc viêm gan ở Việt Nam vẫn ở mức cao, nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị đã ở mức độ nặng. Khi bệnh nhân mắc viêm gan phát hiện ở giai đoạn muộn, gan mất hoàn toàn chức năng và không thể phục hồi, bệnh biến chứng thành xơ gan, ung thư gan, tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, khi mô hình chăm sóc, điều trị viêm gan B, C tại cơ sở được hoàn thiện, triển khai nhân rộng sẽ giúp phát hiện sớm, chăm sóc, điều trị kịp thời cho người bệnh; giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng gây áp lực cho hệ thống y tế.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày