Thứ 6, 05/07/2024, 17:26[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Quật cổ giặc trời góp công đại thắng

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:38:06
546 lượt xem
Với quân số và trang thiết bị hùng hậu cùng sự yểm trợ của lực lượng không quân nhà nghề hiện đại nhất của Pháp và Mỹ trên toàn Đông Dương, thực dân Pháp xác định biến chiến trường Điện Biên Phủ thành “cối xay thịt” đối với quân ta. Song, những người lính bộ đội phòng không trẻ tuổi Việt Nam đã dũng cảm, kiên cường, hiên ngang chiến đấu trực diện với quân thù, lần lượt quật cổ những “đầm già”, “cướp biển”, “cọp bay”..., góp phần quan trọng vào toàn thắng của quân đội ta trong trận quyết chiến chiến lược vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Trấn vui thú điền viên tuổi già.

Khắc ghi lời Bác dạy

Trong căn phòng nhỏ ấm áp tại khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa (Hà Nội), Đại tá Nguyễn Trấn, người cựu chiến binh đã gần 90 tuổi, phong thái vẫn nhanh nhẹn, hào sảng khi hồi tưởng về những chiến công hiển hách của bộ đội cao xạ Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Năm 1952, chàng thiếu niên Nguyễn Trấn, khi đó tròn 16 tuổi với lòng căm thù giặc sâu sắc đã rời làng trong vùng địch tạm chiếm của xã Tam Nông, huyện Duyên Hà, nay là xã Điệp Nông (Hưng Hà) tình nguyện gia nhập quân đội. Sau thời gian huấn luyện bí mật tại Trung Quốc, năm 1953, ông cùng đồng đội về nước, biên chế vào Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, binh chủng pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khắc ghi Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đoàn pháo cao xạ: “Học thật tốt, thật nhanh, để sớm ra chiến đấu”, những người lính Cụ Hồ ngày ấy đa số trình độ văn hóa cấp I, cấp II, khi nhập ngũ chỉ biết sử dụng vũ khí thô sơ đã khắc phục mọi khó khăn, chạy đua với thời gian để nhanh chóng làm chủ các loại khí tài hiện đại như pháo cao xạ 37mm, súng máy phòng không 12,7mm... Hưởng ứng phong trào thi đua “Công nông làm chủ vũ khí”, không chỉ nắm chắc lý thuyết với những kiến thức cơ bản về khí tài, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn sử dụng giáo cụ trực quan, mô hình và vật thực kết hợp với động tác thực hành ngay trên mâm pháo. Nhìn máy bay địch hàng ngày quần thảo gây tội ác trên bầu trời quê hương, những chiến sĩ pháo cao xạ lại ra sức học tập, huấn luyện với quyết tâm một ngày được nổ súng chiến đấu với quân thù. Sau đợt diễn tập và thực hành bắn đạn thật với thành tích cao, cuối năm 1953, ông và đồng đội trong Tiểu đoàn 383 được lệnh bí mật hành quân tập kết lên Tây Bắc. 

“Trong những ngày ở khu tập kết, tôi và đồng đội đều chung một mong ước cháy bỏng nhanh chóng được triển khai chiến đấu bắn máy bay địch đang ngày đêm bay thấp trinh sát, đánh phá các con đường giao thông, căn cứ của ta” - ông Nguyễn Trấn bồi hồi nhớ lại.

Để hỗ trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ, không quân Pháp và Mỹ đã huy động đến 80% trong tổng số 400 máy bay có mặt ở Đông Dương. Tập đoàn cứ điểm được xây dựng 2 sân bay, riêng sân bay ở khu trung tâm thuộc vào loại lớn nhất Đông Dương, máy bay hạng nặng có thể lên xuống được. Từ tháng 11/1953, cầu hàng không Hà Nội - Điện Biên Phủ được thiết lập, hàng ngày tiếp tế khoảng 200 tấn lương thực, đạn dược xuống trận địa.

Trung đoàn 367 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Quyết chí lập công

Ông Nguyễn Trấn cho biết: Bước vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch, cùng một số đơn vị thuộc Trung đoàn 367, Tiểu đoàn 383 hành quân chiếm lĩnh trận địa theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Cán bộ, chiến sĩ được sự giúp đỡ của các đơn vị bộ binh, công binh đã trải qua 12 ngày đêm bí mật kéo pháo vượt núi Pu Pha Sông cao 1.150m đưa được Đại đội 815 vào chiếm lĩnh trận địa trên cánh đồng phía Bắc Mường Thanh, hai Đại đội 816, 817 đang trên đường vào thì được lệnh tạm dừng, tăng cường ngụy trang, chờ lệnh... Sau khi cân nhắc tình hình địch có nhiều thay đổi, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Sau 18 ngày đêm phấn đấu quên mình, Tiểu đoàn 383 đã đến khu vực tập kết an toàn, bộ đội cùng dân công bắt tay vào mở đường, xây dựng trận địa pháo và tiếp tục kéo pháo vào trận địa, toàn mặt trận chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô dài ngày.

Mở đầu chiến dịch, Đại đoàn 312 nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam. Máy bay địch tập trung đánh chặn các mũi tiến của quân ta để chi viện cho cụm trung tâm đề kháng. 16 giờ ngày 13/3/1954, pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu lên tiếng, hỏa lực mãnh liệt của Đại đội 815 và Đại đội 816 bắn lên, địch không giữ được đội hình bay bậc thang đều đặn, tuần tự như trước mà nối đuôi nhau bổ nhào và ném bom tháo chạy tán loạn. Lần đầu tiên trong lịch sử, với sự có mặt của binh chủng pháo cao xạ, chúng ta đã dàn trận đối mặt trực diện với kẻ thù, lưới lửa phòng không đã làm chủ được vùng trời, không bị máy bay địch uy hiếp, sát thương và đã tiêu diệt gọn căn cứ.

Sát cánh cùng bộ binh đánh cứ điểm Độc Lập, 8 giờ 30 phút ngày 14/3/1954, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 815 đã bình tĩnh điểm xạ bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay trinh sát Morane. Ông Nguyễn Trấn và đồng đội ôm nhau hò reo khi nhìn thấy “con đầm già” bị pháo cao xạ quật cổ, bốc cháy như một bó đuốc trên bầu trời Điện Biên Phủ, cắm thẳng xuống đất sát cạnh cụm cứ điểm Mường Thanh làm không quân địch khiếp sợ, cổ vũ to lớn cho quân dân ta khắp mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 815 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, cờ thưởng “Lập công đầu” và là cơ sở xây dựng lòng tin cho bộ đội pháo cao xạ trong phong trào thi đua tiêu diệt máy bay địch.

Trong suốt chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 sát cánh cùng các đơn vị đã “giăng lưới lửa” từ đánh máy bay địch bảo vệ đội hình tiến công trong đợt một đến phối hợp cùng bộ binh, pháo binh cơ động đánh địch bảo vệ các trận địa vừa chiếm được trong đợt hai, từng bước khống chế vùng trời, cơ động phục kích đánh địch ban đêm ở đợt ba, dần dần đi đến triệt đường không của địch. Bộ đội pháo cao xạ tham gia chiến dịch đã từng bước nâng cao trình độ tác chiến, càng đánh càng mạnh, càng thắng.

56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó Trung đoàn 367 bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

Kết vành hoa đỏ ngày đại thắng, bao liệt sĩ đã nằm lại chiến trường, trong đó có máu xương của Khẩu đội trưởng Trần Thúy Tùng, Tiểu đội phó Phạm Bổng, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thăng... những người con quê hương Thái Bình anh dũng chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 367.

70 năm đã trôi qua song ký ức hào hùng của một thời hoa lửa những tháng ngày chiến đấu gian khổ, đầy tự hào của thế hệ cha ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mãi là những trang sử hào hùng để lớp lớp cháu con khắc ghi, học tập, phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đại tá Nguyễn Trấn chia sẻ những ký ức hào hùng của những tháng ngày chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Minh Hưng