Thứ 7, 29/06/2024, 09:04[GMT+7]

Giá lợn hơi tăng cao nhất trong hai năm qua

Thứ 4, 29/05/2024 | 15:06:41
1,547 lượt xem
Giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng mạnh, từ giữa tháng 4 đến nay. Hiện đã gần chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết.

Việc giá lợn hơi tăng dễ dẫn đến tâm lý nhiều người chăn nuôi giữ lại lợn đã đến tuổi xuất chuồng chờ giá cao hơn.

Giá lợn hơi tăng nhưng nguồn cung hạn chế

Giá lợn hơi xuất chuồng đã tăng mạnh, từ giữa tháng 4 đến nay. Hiện đã gần chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, đang ở mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Tại các tỉnh phía Bắc, giá heo hơi dao động trong khoảng 68.000 - 69.000 đồng/kg, giảm nhẹ 1.000 đồng/kg sau chuỗi ngày dài tăng giá. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên giá đi ngang. Mức giá cao nhất là 69.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại Lâm Đồng. Tại miền Nam tiếp tục tăng nhẹ tại nhiều nơi, dao động trong khoảng 66.000 - 70.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tăng là điều đáng mừng cho hàng triệu hộ chăn nuôi. Bởi sau hơn một năm khó khăn, vất vả chống chọi với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà giá thu mua thấp, bây giờ người chăn nuôi đã có lãi. Ước tính với mức giá thu mua như hiện nay, mỗi con lợn bán ra, sau khi trừ các chi phí, bà con có thể lãi từ 1- 2 triệu đồng. Nhưng có một thực tế, khi được giá thì lại không có lợn để bán, kéo theo những tác động đến thị trường.

Chăn nuôi quy mô lớn, Hợp tác xã Hoàng Long luôn duy trì tổng đàn gồm 4.500 con lợn thịt và 400 con lợn nái. Chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến, mỗi tháng trung bình Hợp tác xã cung cấp ra thị trường 70-80 tấn thịt lợn hơi.

Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: "Bây giờ là 70.000 đồng/kg. Nó chênh nhau đến 2 triệu/tạ lợn. Trong khi đó, giá cám năm ngoái lại cao hơn giá cám năm nay. Người chăn nuôi nếu như năm ngoái là thua lỗ".

Những tháng đầu năm, hợp tác xã đã bắt đầu có lãi khi giá lợn hơi tăng dần. Theo tính toán của các trang trại, tổng chi phí nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng khoảng 3,2 triệu. Với giá bán lợn hơi như hiện tại, mỗi con lợn 100 kg xuất chuồng, người nuôi lãi khoảng 2 triệu đồng. Giá lợn đang ở mức có lợi cho người chăn nuôi tuy nhiên nguồn cung lúc này lại hạn chế.

Ông Ngô Văn Chung - Xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: "Để bán ra một kg thịt bây giờ rất dễ nhưng thực tế người chăn nuôi không có lợn và rất ít lợn để bán, chính vì thế giá mới tăng lên. Giờ gia đình nào chăn nuôi được thợ thịt liên tục gọi điện hỏi thăm, chăm sóc chu đáo chứ không như lúc ế ẩm. Lúc ế gọi người ta chẳng buồn nghe máy".

Giá lợn hơi tăng ngay lập tức tác động đến thị trường lợn thịt. Tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh, giá các loại thịt tăng theo mức giá lợn hơi. Theo ghi nhận từ các chủ quầy thịt, sức mua không tăng mà chủ yếu do nguồn cung hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Tiểu thương Chợ Đầu mối phía Nam tâm sự: "Lò về ít hàng, không có hàng mà mua. Có nhà nghỉ, có nhà không có lợn, chỉ có vài ba con đến chục con. Chúng tôi dạo này khó buôn mà lại khó bán".

Việc giá lợn hơi tăng hiện nay rất dễ dẫn đến tâm lý nhiều người chăn nuôi giữ lại lợn đã đến tuổi xuất chuồng chờ giá cao hơn, gây khan hiếm giả tạo.

Giải pháp chăn nuôi ổn định

Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tạm ngưng, không tái đàn do thua lỗ trong năm ngoái. Nhưng các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào, để hồi phục chăn nuôi. Nhờ vậy mà 5 tháng đầu năm, tổng đàn lợn của cả nước đạt hơn 28 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, con số này cho thấy xét tổng thể nguồn cung thịt lợn sẽ vẫn đảm bảo.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong nhiều năm, chăn nuôi nói chung thua lỗ. Đến giờ này, người ta thu hồi được một phần vốn để tái sản xuất, nâng cao công nghệ, hoàn thiện quy trình chăn nuôi đầy đủ an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đây là tín hiệu rất tốt với ngành chăn nuôi, đặc biệt là tình hình kinh tế xã hội đang phục hồi, nhu cầu cho thị trường lớn hơn, tăng trưởng sẽ phù hợp với nhu cầu và giá sẽ ổn định trong những tháng tới".

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nhận định: "Người tái đàn phải lưu ý, nuôi vẫn phải đảm bảo an toàn sinh học. Đặc biệt, tránh việc mất cân đối cung cầu. Giá giống cao, phải làm theo chuỗi, chuỗi từ khâu sản xuất con giống đến nuôi thịt liên kết đến việc lưu thông phân phối giết mổ và tiêu dùng".

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày