Thứ 5, 24/04/2025, 14:54[GMT+7]

Loa báo chuyển tiền - giải pháp đổi mới sáng tạo nở rộ tại Việt Nam

Thứ 6, 18/04/2025 | 09:13:26
1,860 lượt xem
"Đã nhận 60.000 đồng", âm thanh vang lên trong cửa hàng, người khách cất điện thoại và rời đi, còn bà Hòa tiếp tục gói đồ, không cần mở smartphone kiểm tra giao dịch.

Một mẫu loa báo tiền tích hợp màn hình hiển thị QR.

Kể từ khi trang bị bộ loa thông báo giao dịch cho quầy thực phẩm cách đây ba tháng, việc nghe số tiền về tài khoản đã trở thành thói quen của bà Hòa (Hà Đông, Hà Nội) thay vì phải mở điện thoại kiểm tra hoặc yêu cầu người mua cho xem màn hình chuyển khoản.

Loa thông báo nhận tiền chuyển khoản đặt tại một cửa hàng thực phẩm ở Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý

Loa thông báo nhận tiền chuyển khoản tại một cửa hàng thực phẩm ở Hà Đông, Hà Nội.

Bà Hòa, hơn 60 tuổi, bán thực phẩm 20 năm nay trong một khu chợ ở Hà Đông. Vài năm gần đây, ngày càng nhiều người muốn chuyển khoản khi mua hàng. Tự nhận chưa thông thạo công nghệ, bà thường "nhận tiền bằng niềm tin", vì không đủ thời gian kiểm tra từng giao dịch, trừ số tiền lớn. Có những lần khách chuyển thiếu, thậm chí quên, nhưng đến cuối ngày thống kê bà mới nhận ra.

"Tiếng chuông báo giúp tôi không còn phải loay hoay với cái điện thoại. Giờ cứ nghe loa báo tiền về mới yên tâm", bà Hòa nói. "Khách đôi khi phải đợi thêm vài giây, nhưng họ cũng dần quen".

Hơn một năm trước, khi thủ đoạn tạo bill chuyển khoản giả nở rộ, cửa hàng tạp hóa của Huỳnh Minh (Thủ Đức, TP HCM) cũng trở thành nạn nhân. Sau một lần khách báo chuyển tiền và rời đi nhưng không thấy tiền về, anh rút kinh nghiệm, kiểm tra từng giao dịch rồi mới đưa hàng. "Việc này đôi khi bất tiện hoặc khiến khách khó chịu, Nhưng mỗi ngày gặp hàng trăm khách, vẫn phải cẩn thận", anh cho hay.

Đầu năm, khi nhân viên tư vấn của một ngân hàng đề nghị lắp loa báo tiền, anh lập tức đồng ý. Với cửa hàng rộng, hai quầy thanh toán ở hai khu tạp hóa và thực phẩm, loa giúp tiết kiệm thời gian, không cần hỏi lại khách, đồng thời tránh rủi ro nhầm lẫn, lừa đảo. "Thật tiếc vì không biết thiết bị này sớm hơn", anh Minh nói.

Loa thông báo nhận tiền chuyển khoản, gọi là loa báo tiền, xuất hiện ở Việt Nam được khoảng một năm và nở rộ từ đầu 2025. Sản phẩm về cơ bản là một loa nhỏ, kết nối mạng qua wifi hoặc 4G/5G, cùng phần mềm quản lý hoặc phần mềm của ví điện tử. Một số tích hợp thêm màn hình LED hiển thị số tiền, hoặc có chỗ gắn mã QR. Khi xác định một giao dịch thành công trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, thiết bị sẽ nhận thông tin và phát ra loa.

Người dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm này, đến từ các ngân hàng như MBank, Techcombank, ứng dụng tài chính như MoMo, Vnpay, 9Pay, hay nhà cung cấp dịch vụ bán hàng, với giá vài trăm nghìn đồng. Một số đơn vị cung cấp thiết bị miễn phí, nhưng tính phí thuê bao hàng tháng dưới 10.000 đồng. Giải pháp sáng tạo này được nhiều hộ kinh doanh nhỏ lựa chọn, vừa tăng tính chuyên nghiệp, vừa giúp họ tiếp cận chuyển đổi số theo cách gần gũi và dễ dàng.

Theo ông Phan Bá Mạnh, nhà phát triển ứng dụng quản lý bán hàng và cung cấp loa báo tiền cho một số ngân hàng, thiết bị giúp giải quyết nhiều bài toán trong việc chuyển tiền online, nhất là với nhóm tiểu thương.

"Việt Nam có hàng triệu tiểu thương. Mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, khiến việc bị lừa đảo giả mạo chuyển khoản trở thành một nỗi lo với họ, đặc biệt những người lớn tuổi hoặc chưa có nhiều hiểu biết về công nghệ", ông Mạnh nói. "Thiết bị thông báo mỗi khi nhận tiền giống như trợ lý giúp giải quyết nỗi lo đó".

Ông Mạnh cho biết giải pháp này có nguồn gốc từ một số nước phát triển và mới xuất hiện tại Việt Nam trong xu hướng thanh toán không tiền mặt, và nhanh chóng được tin dùng.

MoMo, một trong những bên đầu tiên cung cấp loa báo tiền tại Việt Nam, cho biết ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực tế của chủ cửa hàng và hộ kinh doanh nhỏ: cần xác nhận thanh toán thành công, trong khi bận bán hàng và không tiện kiểm tra điện thoại. Việc kiểm tra hoặc chụp lại màn hình chuyển khoản không chỉ làm gián đoạn quá trình phục vụ, mà còn tiềm ẩn rủi ro sai sót, nguy cơ gian lận từ hình ảnh giả mạo.

Theo các chuyên gia, thiết bị nhỏ gọn này đáp ứng nhu cầu của một nhóm người dùng, dễ sử dụng, phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt đi sâu vào cuộc sống. Điều này cũng cho thấy chuyển đổi số không nhất thiết phải là những giải pháp đầu tư lớn và thay đổi mô hình vận hành.

Thống kê giữa 2024 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy giá trị thanh toán không tiền mặt đã gấp 23 lần GDP. Còn theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 do Visa thực hiện, thời gian trung bình một người Việt không chi tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng, tăng gần 4 lần so với 2022. 62% người được hỏi có thanh toán bằng QR, trung bình quét mã 16,2 lần một tháng, cao hơn dùng thẻ (12-13 lần mỗi tháng).

Bên cạnh lợi ích về tính tiện dụng, an toàn, loa thông báo còn hạn chế như chất lượng loa ở mức trung bình, hoặc có độ bền không cao, kết nối chập chờn, thông báo có độ trễ. Một số ứng dụng thiết lập nội dung dài, khi nhiều người chuyển tiền cùng lúc có thể khiến việc thông báo mất nhiều thời gian. Chuyên gia khuyến cáo người dùng nên chọn giải pháp từ các đơn vị có thể hỗ trợ lâu dài và đảm bảo về tính bảo mật.

Theo: vnexpress.net