Thứ 7, 17/05/2025, 18:10[GMT+7]

Những người bắc nhịp cầu việc làm

Thứ 7, 17/05/2025 | 06:20:59
692 lượt xem
Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng thay đổi và có nhiều biến động, có những người ngày đêm thầm lặng với công việc kết nối, vun đắp cơ hội việc làm. Họ là cán bộ, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình (Sở Nội vụ).

Anh Trần Hồng Giang, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Gần 20 năm công tác tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình, anh Trần Hồng Giang, cán bộ Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm là một trong những người có nhiều kinh nghiệm, gương mặt tiêu biểu cho sự tận tâm gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Anh Giang đã chứng kiến và trực tiếp tham gia không biết bao nhiêu cuộc hội ngộ giữa người cần việc và nơi cần người. Theo anh Giang: Để làm tốt việc kết nối, người tư vấn việc làm phải nắm bắt thông tin từ hai phía, hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng từ các doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc từ người lao động. Từ đó, thực hiện vai trò kết nối, giới thiệu công việc phù hợp với trình độ, năng lực và mong muốn của người lao động; đồng thời giúp doanh nghiệp tuyển được ứng viên chất lượng.

Niềm vui và động lực lớn nhất của những người làm công tác bắc nhịp cầu việc làm đó là những kết nối thành công, những phản hồi tích cực từ người lao động và doanh nghiệp. Chia sẻ về kỷ niệm trong hành trình kết nối việc làm của mình, anh Giang kể: Cách đây vài năm, có trường hợp một người lao động nữ tên là Oanh ở thành phố Thái Bình đến Trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; ngoài việc hỗ trợ giải quyết nhanh hồ sơ, tôi đã tư vấn, giới thiệu, kết nối thông tin thị trường lao động để chị Oanh tìm hiểu về chính sách hỗ trợ học nghề, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó giúp chị có thêm nhiều thông tin, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân. Sau khi được tư vấn, chị Oanh đã chọn học nghề về lĩnh vực làm đẹp; nhờ sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, sau khi hoàn thành khóa học chị được chính cơ sở đào tạo giữ lại làm giáo viên. Đến nay, chị có công việc tốt với mức thu nhập ổn định. Hiện chị Oanh vẫn giữ mối liên hệ tốt với Trung tâm, hai bên phối hợp tổ chức nhiều khóa đào tạo làm đẹp cho người lao động có nhu cầu học nghề.

Ngoài tư vấn trực tiếp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình còn tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối cung cầu lao động.

Cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư vấn, hỗ trợ, kết nối việc làm, chị Đặng Hà Lan, cán bộ Phòng Tư vấn giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình là người tư vấn chuyên sâu về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động khi bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp; đồng thời kết nối việc làm để họ tìm được công việc phù hợp, ổn định, lâu dài. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, chị Lan phải tìm hiểu rõ năng lực, sở trường của người lao động cũng như các tiêu chí, nhu cầu, số lượng nhân sự cần tuyển từ phía doanh nghiệp. Theo chị Lan, trong vài năm trở lại đây, thị trường việc làm có nhiều thay đổi. Đặc thù lao động ở tỉnh ta chủ yếu là lao động phổ thông với nhu cầu tìm việc ở các lĩnh vực may mặc, da giầy và công nghệ điện tử. Người lao động thường mong muốn có được công việc phù hợp, mức lương khá và có chế độ đãi ngộ tốt. Để tìm được tiếng nói chung giữa người lao động và doanh nghiệp, chị phải khảo sát kỹ thị trường lao động tại từng địa bàn, nắm bắt đặc điểm, nhu cầu của cả hai phía. Từ đó, chủ động sàng lọc, lựa chọn những doanh nghiệp có vị trí, yêu cầu và chế độ phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Chị Lan thường xuyên xuống các khu, cụm công nghiệp, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để có những thông tin chính xác nhất truyền tải đến người lao động. Từ đầu năm 2025 đến nay, chị đã kết nối cho khoảng 40 doanh nghiệp và hàng nghìn lao động gặp được cơ hội phù hợp.

Với những cán bộ ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình, bên cạnh việc giới thiệu việc làm, họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng nghiệp, nhất là với những người trẻ mới ra trường để họ nhanh chóng tìm được cơ hội việc làm, tránh lãng phí thời gian, công sức. Bà Lương Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Người tư vấn, kết nối việc làm không chỉ là người dẫn đường cho người lao động mà còn là nhân tố tích cực giúp thị trường lao động vận hành hiệu quả, hài hòa giữa cung và cầu. Trong thời đại chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, vai trò của những người kết nối việc làm càng cần được nâng cao, chuyên nghiệp hóa để thực sự là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, góp phần không nhỏ vào việc giải quyết bài toán thất nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thị trường lao động đang có nhiều thay đổi, mỗi cán bộ, chuyên viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình vẫn đang miệt mài, tận tâm với công việc. Họ luôn nỗ lực để kết nối đúng người, đúng việc, từ đó dệt nên bức tranh việc làm ngày càng tươi sáng, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

  Đỗ Hồng Gia