Thứ 7, 29/06/2024, 08:29[GMT+7]

Tiền Hải: Tập trung phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản

Thứ 6, 31/05/2024 | 14:33:37
2,555 lượt xem
Những ngày gần đây, thời tiết diễn biến thất thường đã gây ảnh hưởng tới môi trường ao nuôi và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh gây hại cho thủy sản. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Tiền Hải đang tăng cường đôn đốc, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản (NTTS) thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, đặc biệt là bệnh đốm trắng ở tôm nuôi.

Ngành chức năng của tỉnh, huyện kiểm tra bệnh đốm trắng ở xã Đông Minh.

Năm 2024, huyện Tiền Hải duy trì diện tích NTTS với trên 5.100ha, trong đó diện tích NTTS nước ngọt trên 1.000ha, nước lợ trên 2.000ha, nuôi ngao 2.000ha. Từ đầu tháng tư, các hộ NTTS trong huyện đã xuống giống thủy sản vụ xuân hè đạt 250 triệu con giống, gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá song, cá vược... Sau khi thả giống thủy sản vụ xuân hè, các hộ NTTS trên địa bàn huyện đã tập trung chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, tại xã Đông Minh đã xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng. Địa phương cũng đã tích cực phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tuyên truyền các hộ có biện pháp bảo vệ diện tích nuôi tôm, xử lý môi trường ao nuôi để bệnh đốm trắng không lây lan diện rộng. Dù vậy, tình hình bệnh đốm trắng vẫn đang lây lan trên diện rộng, tính đến nay toàn xã có tổng 23ha của 182 hộ có tôm nuôi bị chết do bệnh đốm trắng với số lượng tôm chết 5,1 triệu con. 

Ông Lê Văn Sảng, hộ nuôi tôm tại thôn Ngải Châu cho biết: Vụ này nhà tôi thả hơn 4 vạn tôm sú tại 3 ao nuôi với tổng diện tích hơn 2.000m2. Trong đó, một ao nuôi đã bị nhiễm bệnh đốm trắng gây thiệt hại 2 vạn con. Để ngăn chặn bệnh này lây lan sang hai ao nuôi còn lại, tôi đã chủ động mua hóa chất Chlorine về xử lý nguồn nước ở ao nuôi có tôm chết, tiến hành thu gom xử lý tôm chết. Trong thời điểm dịch bệnh đang phát sinh tôi cũng hạn chế lấy nước vào ao nuôi, bảo đảm đủ khẩu phần ăn cho tôm hàng ngày.  

Theo ông Trương Xuân Hội, Giám đốc HTX SXKD thủy sản Hải Châu (Đông Minh): Toàn xã có hơn 130ha diện tích NTTS nước lợ, trong đó diện tích nuôi tôm sú 23ha với tổng 18 triệu con giống. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, HTX đang tăng cường đôn đốc, hướng dẫn người dân chủ động mua hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh, đồng thời tiến hành vệ sinh ao nuôi, thu gom xác tôm chết để tiêu hủy, loại bỏ động vật trung gian gây bệnh. Ngoài ra, HTX cũng đang chờ nguồn hỗ trợ hóa chất Chlorine của tỉnh hỗ trợ để cấp phát cho người dân đồng loạt xử lý triệt để mầm bệnh đốm trắng. 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Cùng với việc chỉ đạo xã Đông Minh tập trung khoanh vùng, xử lý bệnh đốm trắng trên tôm, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và HTX NTTS trên địa bàn tập trung đốn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi. Theo đó tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tăng cường kiểm tra, giám sát theo dõi diễn biến môi trường, thời tiết và tình trạng sức khỏe tôm nuôi; nếu thấy tôm chết bất thường cần báo ngay cho chính quyền địa phương; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.   

Cùng với việc tập trung phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi thì hiện nay các hộ NTTS trên địa bàn huyện cũng đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nóng cho thủy sản. 

Ông Lê Văn Sử, thôn Trí Cường (Nam Cường) cho biết: Những ngày gần đây thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa giông đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sản, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh. Để chống nóng cho diện tích nuôi tôm của gia đình tôi thường xuyên duy trì mực nước bảo đảm trong ao nuôi, sử dụng máy bơm nước, quạt ôxy trong những này nắng nóng để tránh hiện tượng phân tầng nước và tăng cường máy quạt nước tạo ôxy vào ban đêm; giảm lượng thức ăn hàng ngày từ 30% đến 40% cho tôm nuôi vào những ngày nắng nóng gay gắt và bổ sung các loại vitamin C, khoáng, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Nông dân xã Nam Cường lắp quạt nước để chống nóng cho ao nuôi tôm. 

Theo ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Cường: Toàn xã, có 86ha diện tích NTTS nước lợ, gồm các đối tượng nuôi như tôm, cua, cá và ngao giống. Ở thời điểm này, diện tích tôm và ngao giống đã được hộ dân thả cách đây gần 2 tháng. Trước thời tiết nắng nóng như hiện nay, HTX đã bám sát vào sự chỉ đạo từ huyện và khuyến cáo từ ngành chuyên môn để hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Hộ dân xã Nam Thịnh tăng cường chăm sóc và bảo vệ ngao giống. 

Hiện nay thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, sau nắng nóng rất có thể sẽ có mưa dông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản nuôi. Đặc biệt chênh lệch nhiệt độ, oxy hòa tan ngày và đêm lớn. Điều này rất dễ làm cho thủy sản nuôi bị sốc, dẫn đến khả năng chống chịu bệnh suy giảm, chết hàng loạt. Trước tình hình trên, huyện Tiền Hải chỉ đạo các địa phương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các hộ NTTS chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng để hạn chế thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Trần Tuấn