Thứ 5, 24/04/2025, 14:30[GMT+7]

Làm sao nhận biết sữa giả, kém chất lượng?

Thứ 5, 17/04/2025 | 10:40:35
889 lượt xem
Mọi người có thể kiểm tra sữa kém chất lượng, sữa giả tại nhà bằng cách quan sát, thử với nước và các dụng cụ thí nghiệm, đun sôi, hoặc tìm nguồn gốc mã vạch.

Ảnh minh họa.

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với những gì đã công bố hoặc đăng ký sẽ được xác định là hàng giả. Hàng giả còn là hàng mà một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định.

Với sữa, sẽ bị coi là giả khi không có chất lượng của sản phẩm sữa tiêu chuẩn đã được công bố trước đó. Ngoài ra, sữa giả là các loại sữa mà chất lượng dưới 70% công bố. Ví dụ sữa bột thành phần công bố gồm chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song thực tế không có nên sẽ được xác định là sữa giả. Hơn nữa, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố - đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Về hàng kém chất lượng, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên dựa vào Khoản 5 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, có thể hiểu rằng hàng kém chất lượng là sản phẩm, hàng hóa chưa đạt được tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật ứng dụng ở một mức độ nhất định chưa tới mức được xem là hàng giả. Bên cạnh đó, "hàng kém chất lượng" là hàng hóa của hãng sản xuất đã được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường, nhưng lý do nào đó chất lượng sản phẩm không đạt chất lượng.

Trên thế giới, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) cho biết làm giả sữa là hành động cố ý thêm vào các chất hóa học thay thế hoặc bất kỳ thành phần nào khác kém chất lượng. Giới chức nước này phát hiện sữa thường bị pha tạp với nước, chất tẩy rửa, tinh bột, ure, sữa tổng hợp, formalin, chất tạo màu và thậm chí chất tạo ngọt. Mục đích là để giảm chất lượng (làm sữa dở đi) và tăng số lượng sữa để kiếm tiền bất chính.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận việc phân biệt sữa thật - giả bằng mắt thường không dễ. Trừ những trường hợp sữa làm giả "lộ liễu", người tiêu dùng mới có thể nhận biết bằng mắt thường qua màu sắc hay mùi vị, còn lại hầu hết các sản phẩm bị làm giả rất tinh vi, giống như thật.

Bạn cần nhận diện qua mã vạch sản phẩm, mỗi quốc gia sẽ có một mã khác nhau. Với sản phẩm nhập khẩu, cần có tem phụ và hướng dẫn tiếng Việt của nhà phân phối chính thức, người tiêu dùng có thể tự tra cứu sản phẩm này nguồn gốc xuất xứ ở đâu. Sữa thật thường có hạn sử dụng được in dập nổi, rõ ràng. Ngược lại, sữa giả có thể bị tẩy xóa, in chồng hoặc mờ nhòe hoặc hình ảnh mờ, tem nhãn thiếu thông tin.

Người mua cần lựa chọn sữa ở các công ty chuyên sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa có thời gian kinh doanh nhiều năm, các công ty có thương hiệu ưu tín trong nước cũng như thế giới, tránh trường hợp mua trôi nổi trên mạng. Nhiều phụ huynh khi mua sữa vẫn có thói quen "nghe giới thiệu" thay vì kiểm tra kỹ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hoặc chọn sản phẩm có giá thấp bất thường. Điều này tạo kẽ hở để sữa bột giả len lỏi vào thị trường và đến tay người tiêu dùng.

Một vài cách nhận biết khác như sữa thật có mùi thơm dịu, bột mềm mịn, màu vàng nhạt, trong khi sữa giả có thể có mùi lạ, bột bị vón cục, màu sắc bất thường. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ mang tính tương đối, bởi nhiều loại sữa giả giống như thật, hoặc khi bạn pha sai cách cũng có thể khiến bột bị vón cục, gây nhầm lẫn. Người sử dụng cần theo dõi phản ứng sau khi dùng, nếu thấy tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hay sụt cân cần lập tức kiểm tra sức khỏe.

Tương tự, Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ gợi ý một số cách sau có thể giúp phát hiện sữa kém chất lượng:

Kiểm tra pha trộn tinh bột

Đối với thử nghiệm này, đun sôi 2-3 ml sữa và để nguội. Thêm 2-3 giọt dung dịch iốt vào sữa. Nếu sữa nguyên chất, màu sắc sẽ không thay đổi hoặc chỉ chuyển hơi vàng; nếu chuyển sang màu xanh lam thì sữa đã bị pha trộn với tinh bột.

Kiểm tra pha trộn chất tẩy

Đối với thử nghiệm này, lấy 5 ml sữa vào ly thủy tinh trong suốt và thêm một lượng nước tương đương. Lắc đều. Sữa nguyên chất sẽ không có hoặc có rất ít bọt nổi; còn sữa bị pha trộn với chất tẩy rửa sẽ có lớp bọt hoặc váng bền vững.

Kiểm tra pha tạp urê

Để thực hiện kiểm tra này, lấy 5 ml sữa cho vào ống nghiệm. Thêm vào đó một lượng bằng nhau bột đậu nành hoặc bột đậu arhar. Lắc kỹ và để yên trong 5 phút. Nhúng một giấy quỳ đỏ vào hỗn hợp. Nếu giấy quỳ đỏ vẫn giữ màu đỏ, sữa là nguyên chất; nếu chuyển sang màu xanh, sữa đã bị pha tạp urê.

Kiểm tra sự có mặt của formalin

Lấy 10 ml sữa trong ống nghiệm, thêm 2-3 giọt axit sulfuric đậm đặc dọc theo thành ống nghiệm mà không lắc. Nếu màu của sữa không thay đổi, sữa là nguyên chất; nếu xuất hiện vòng màu tím hoặc xanh, sữa đã bị pha tạp formalin.

Kiểm tra sữa tổng hợp

Thêm 5 ml sữa và 5 ml nước vào ống nghiệm. Lắc đều. Nếu không tạo ra lớp bọt bền vững, sữa là nguyên chất; nếu hình thành lớp bọt dai lâu tan, sữa đã bị pha tạp chất tẩy tổng hợp.

Kiểm tra pha trộn nước

Đối với kiểm tra này, nhỏ một giọt sữa lên một bề mặt bóng và nghiêng. Nếu giọt sữa giữ nguyên vị trí hoặc chảy chậm, để lại vệt trắng phía sau, sữa là nguyên chất. Nếu giọt chảy nhanh mà không để lại vệt, sữa đã bị pha trộn nước.

Theo: vnexpress.net 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày