Thứ 7, 24/05/2025, 21:11[GMT+7]

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú mầm non

Thứ 7, 24/05/2025 | 15:25:13
270 lượt xem
Bếp ăn bán trú trong các trường mầm non không chỉ là nơi cung cấp dinh dưỡng mà còn là “phòng tuyến” bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Nhận thức rõ vai trò đó, thời gian qua, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã không ngừng nâng cao chất lượng bữa ăn, đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh.

Thực đơn của trẻ được Trường Mầm non Vũ Hội thay đổi theo tuần.

Tại Trường Mầm non Phú Xuân, thành phố Thái Bình, vào giờ ăn trưa, không khí trong các nhóm lớp thật rộn ràng, ấm áp. Những suất cơm nóng hổi với đầy đủ món mặn, canh, rau xanh được chia đều cho từng trẻ. Đây là một trong những trường mầm non có quy mô lớn của thành phố với 510 học sinh thuộc 16 nhóm lớp, được phân bổ tại 3 khu. Để bảo đảm phục vụ tốt bữa ăn bán trú, nhà trường tổ chức chế biến tập trung tại khu A, sau đó sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển thực phẩm tới 2 khu còn lại. Năm học này, nhà trường tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống bếp ăn bằng việc bổ sung nhiều thiết bị hiện đại như máy sấy bát, tủ lạnh, tủ lưu mẫu, tủ bảo quản thực phẩm, máy thái rau củ. Nhờ đó, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm trở nên thuận tiện, khép kín và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, học sinh được ăn ba bữa bán trú gồm bữa trưa và hai bữa phụ chiều với mức phí 18.000 đồng/ trẻ, gồm cả chi phí chất đốt. Nhà trường phục vụ bữa ăn sáng cho trẻ có nhu cầu với mức 7.000 đồng/trẻ. Bà Phạm Thị Minh Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân cho biết: 

Từ khâu tiếp nhận thực phẩm, nhà trường đều thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Các đơn vị cung ứng thực phẩm có hợp đồng, nguồn gốc rõ ràng. Thực phẩm đầu vào đều được kiểm tra cẩn thận, lưu mẫu đúng quy định. Nhân viên nhà bếp được tập huấn thường xuyên, bảo đảm quy trình chế biến sạch sẽ, an toàn. Thực đơn được xây dựng theo tuần, cân đối dinh dưỡng, phù hợp với từng độ tuổi. Giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi sức khỏe, khẩu phần ăn của học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân tại trường chỉ còn 1%, thấp còi 1,4%, béo phì 0,6%. Cô giáo Dương Thị Kiều Thanh, nhóm lớp 4 tuổi chia sẻ: Với trẻ nhỏ, bữa ăn không chỉ là cung cấp dinh dưỡng mà còn là quá trình giáo dục, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Với những trẻ kén ăn, ăn chậm các cô thường xuyên động viên, tạo không khí vui vẻ để trẻ ăn ngon miệng, ăn đủ chất. 

Không chỉ ở thành phố, nhiều trường mầm non khu vực nông thôn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong bán trú. Trường Mầm non Vũ Hội (Vũ Thư) là một trong những trường có số lượng học sinh đông nhất huyện với 580 học sinh ở 21 nhóm lớp. Tại đây, bếp ăn được xây dựng theo quy trình một chiều với các khu tiếp nhận thực phẩm, khu sơ chế, khu nấu chín, khu chia thức ăn và khu rửa đồ dùng riêng biệt. Thiết bị nhà bếp được trang bị đầy đủ, hiện đại, từ tủ lưu mẫu, tủ bát, giá úp khay đến hệ thống xử lý nước sạch. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Hội cho biết: Nhà trường đặc biệt chú trọng đến khâu lưu mẫu thực phẩm và theo dõi tình trạng ăn uống của từng trẻ. Bên cạnh đó, giáo viên chủ động phối hợp với nhân viên nhà bếp để điều chỉnh khẩu phần cho phù hợp, nhất là với các em có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt hoặc mới đi học. Bà Tống Thị Thoan, phụ trách bếp ăn chia sẻ: Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm túc quy định về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bếp. Thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín luôn được phân khu riêng, dụng cụ chế biến cũng được đánh dấu rõ ràng. Mỗi suất ăn của trẻ đều được cân đo kỹ càng để bảo đảm đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh. 

Từ thực tế tại 2 trường cho thấy, khi nhà trường chủ động, nghiêm túc và đồng bộ trong công tác bán trú, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - phụ huynh - nhân viên nuôi dưỡng, chất lượng bữa ăn và sức khỏe trẻ em được nâng cao rõ rệt. Không chỉ dừng lại ở chuyện “ăn no, ăn đủ”, các trường đang hướng tới xây dựng mô hình bếp ăn an toàn, giáo dục thói quen ăn uống lành mạnh, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Bữa ăn bán trú ở trường mầm non không chỉ góp phần nâng cao thể chất mà còn gieo mầm những giá trị tốt đẹp trong nhận thức và lối sống của trẻ. Sự đổi mới, đầu tư bài bản trong công tác tổ chức bán trú của các trường mầm non đang từng bước tạo dựng niềm tin vững chắc của phụ huynh, hướng đến môi trường giáo dục toàn diện, thân thiện và an toàn.

Minh Nguyệt