Thứ 4, 03/07/2024, 11:41[GMT+7]

Câu chuyện về đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 5, 30/08/2012 | 15:32:31
8,729 lượt xem

Bác Hồ cho cá ăn.

Cuộc sống giản dị của Bác ở Phủ Chủ tịch
Trong những năm ở Phủ Chủ tịch, Bác đã sống hàng ngày như thế nào?
Mùa hè nóng lắm, Hà Nội là vào nơi nóng bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng như đã nói, Bác không cho lắp máy điều hòa không khí. Còn quạt máy thì cho đến năm 78, 79 tuổi, Bác vẫn không chịu dùng quạt trần và quạt để bàn. Lúc đó, số đông người Việt Nam ta ngày ấy chưa có quạt máy để dùng, cho nên từ trong lòng, Bác không muốn dùng quạt máy. Những ngày hè nóng nực nhất, Bác chỉ dùng quạt giấy và quạt nan thôi.

Đấy là mùa hè. Còn về mùa đông, Bác có một cái áo bông của đồng bào biếu. Bác dùng nhiều năm rồi. Mới đầu bông xốp còn dày, ấm. Sau dùng mãi nó lép kẹp xuống không ấm lắm nữa. Nhưng chưa ai dám nghĩ đến việc xin Bác bỏ cả mền bông đâu, chỉ nghĩ đến thay cái vỏ ngoài. Lúc đầu cái vỏ bằng vải mới, dần dần nó phai màu, đứt chỉ ở khuỷu tay và ở cổ. Bác bảo mạng lại. Nó rách ở vai thì Bác bảo vá vai. Mùa rét tháng 2-1969, nó rách một miếng nữa ở vai, đồng chí chuyên chăm sóc sức khỏe của Bác nhân dịp ấy mới nhắc một đề nghị đã nhiều lần: “Xin Bác cho thay vỏ ngoài, nó lại rách lần thứ hai ở vai rồi”.

Đây là người bạn chiến đấu mấy chục năm nay của Bác, cho nên Bác nói thẳng, thân tình lắm. Bác quay lại bảo đồng chí ấy thế này: “Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc cho dân đấy. Đừng bỏ cái phúc ấy đi”. Và nhất định Bác không cho thay cái vỏ mới. Bây giờ trong bảo tàng vẫn là cái áo bông vá vai như thế. Bác còn có lò sưởi điện. Bác có mấy cái nhưng Bác lại càng ít dùng lò sưởi điện. Cũng vì lẽ không muốn phụ thuộc vào lò sưởi điện, và nhất là vì lẽ số đông người Việt Nam không có sưởi điện hàng ngày sưởi về mùa đông.

Ở đây cũng rõ một nét trong đời sống hàng ngày của Bác. Bất kỳ cái gì có tí lãng phí cũng quyết không để lãng phí. Nhưng đã cần thì dùng cho đủ mức cần.

Về việc tiết kiệm điện, không biết bao nhiêu lần, tự tay Bác tắt những cái đèn, cái quạt và cái đài đang tiêu điện mà không ai dùng cả. Ở nước ta thế mà khi ra nước ngoài cũng thế. Đi lướt qua một hành lang trên con đường đến nơi nào đó bạn tiếp khách hay trong nhà khách của bạn, thấy có một bóng đèn điện để đấy không cần là Bác tìm xem chỗ tắt bật ở đâu, Bác tắt đi. Có đồng chí ở với Bác khá nhiều năm đã nói:

Tất cả các năm mình ở với Bác, luôn luôn mình là cán bộ tắt đèn. Bác cứ thấy xa xa có những bóng đèn đang sáng, Bác bảo xem lại có ai ở đấy không, có cần để ánh sáng để bảo vệ không? Nếu không thì tắt đi.

Suốt thời gian 15 năm từ ngày về Hà Nội, Bác nhận một ô tô loại trung bình chứ không phải loại sang nhất và Bác cứ dùng thế mãi cho đến khi qua đời.

Bác không đồng ý với Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Người
Năm 1969, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc tổ chức bốn ngày kỷ niệm lớn: Kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng ta, kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Lênin, mừng thọ Hồ Chủ tịch 80 tuổi và kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hồi đó, sức Bác đã yếu. Để giữ gìn sức khỏe của Bác, Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng và Nhà nước thì mời Bác chủ trì, còn khi bàn những việc thứ yếu thì cứ bàn rồi báo cáo lại. Bác cũng đồng ý như vậy. Khi Bộ Chính trị bàn việc tổ chức kỷ niệm bốn ngày lễ lớn thì Bác không dự. Nghị quyết đó ra từ tháng 4. Đến ngày 8-7 thì đăng trên báo Nhân dân. Mọi việc lớn hay nhỏ, khi Bộ Chính trị đã bàn xong đều báo cáo lại. Riêng việc này, các đồng chí cũng ngại rằng nếu Bác biết thì thế nào cũng không để tổ chức kỷ niệm ngày sinh của mình.

Hôm đó, đọc báo xong, Bác gọi các đồng chí trong Bộ Chính trị vào, Bác chỉ vào tờ báo Nhân dân để trên bàn và hỏi: Nghị quyết này các chú bàn bao giờ mà tại sao không cho Bác biết? Bác nói đại ý: tất cả các Nghị quyết của Đảng đều do Bộ Chính trị quyết định tập thể. Gần đây, Bác mệt, có một số cuộc họp không dự được. Đó là khuyết điểm của Bác. Khi đọc nghị quyết đăng trên báo, Bác tán thành nhiều điểm. Chỉ có việc riêng của Bác, Bác không đồng ý. Ai cũng biết Bác là Chủ tịch Đảng ta. Đọc nghị quyết này, người ta sẽ nghĩ rằng Bác chủ trì phiên họp Bộ Chính trị để bàn việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của mình cho linh đình. Thế là không đúng.

Bác ngừng một lúc, giở tờ báo, chỉ tay vào một đoạn trong nghị quyết và nói: Lênin là bậc thầy của cách mạng thế giới. Bác chỉ là học trò của Lênin? Sao các chú lại đặt việc riêng của Bác ngang với những việc lớn của Đảng và Nhà nước? Bác lại chỉ tay vào một đoạn nữa trong nghị quyết và hỏi các đồng chí trong Bộ Chính trị: Sao các chú cho in sách của Bác nhiều thế? Bây giờ nước nhà còn thiếu thốn, sách học, giấy học cho các cháu còn thiếu, thế mà sách báo của ta, kể cả sách của Bác, thì in lu bù. Nên bớt đi, cái gì cần lắm hãy in, để giấy cho các cháu học.

Nói xong, Bác lại lấy ngón tay dò dò trên tờ báo. Thì ra vẫn chưa hết! Chỉ tay vào một chỗ trong nghị quyết, ghi việc xây dựng và tu bổ những nhà bảo tàng, nhà lưu niệm của những địa phương cơ sở cách mạng Bác nói: việc này cũng cần thiết, nhưng Bác nghĩ nước ta đang có chiến tranh, nhà cửa của nhân dân bị tàn phá nặng nề, chúng ta nên để dành vật liệu trước hết xây dựng nhà ở cho nhân dân, trường học cho các cháu và nhà giữ trẻ. Khi đời sống nhân dân sung túc, lúc đó ta hãy xây dựng bảo tàng này, bảo tàng nọ.

Từ một Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bác chỉ ra nhiều bài học rất thấm thía. Bác rất khiêm tốn, không muốn đề cao cá nhân mình, lúc nào Người cũng chỉ nhận mình là học trò của Lênin vĩ đại. Mỗi việc làm của Bác đều vì dân vì nước. Ngay cả đến khi sắp từ biệt thế giới này, Bác vẫn còn căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Nguồn: Bác Hồ sống mãi với chúng ta, t.2, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2006, tr. 408-409)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày