Thứ 4, 03/07/2024, 12:10[GMT+7]

Có tiết kiệm mới giữ được liêm khiết

Thứ 3, 25/09/2012 | 10:31:11
4,111 lượt xem
Năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh”, phần mở đầu nói về tư cách của người Cách mạng, Bác Hồ đã viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm theo Bác Hồ phải là đức tính đầu tiên, tư cách đầu tiên của người cách mạng

Bác Hồ chăm sóc vườn rau muống trong Phủ Chủ tịch (6-1957)

Ngày 3 tháng 9 năm 1945, một ngày sau khi đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” để “Giáo dục lại tinh thần nhân dân”. Ngày 2 tháng 9 năm 1947, trên báo Sự thật, Bác lại viết: “...Một hạt gạo, một đồng tiền, tức là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác !”. Bác còn nhấn mạnh: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen, chợ đỏ, thụt két, buôn lậu. Có Cần mới Kiệm. Có Cần, Kiệm mới Liêm. Có Cần, Kiệm, Liêm mới Chính…”

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, đánh mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Bác nói: “… Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành 4 điều đó, mà muốn được lòng dân thì cũng như bắc dây leo trời!”.

Trong bài báo “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Bác viết: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Trong một lần nói chuyện với các giám đốc và chủ tịch các Ủy ban nhân dân, Bác nói: “Phải biết tiết kiệm những đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các cơ quan. Rút bớt hết những việc gì không cần thiết, chớ hao phí giấy má, tiền bạc và các thứ của công. Hao phí những thứ đó tức là hao phí mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Chớ tưởng tiết kiệm những thứ cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người tiết kiệm như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ bớt được một số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra…”.

Thật là cảm động khi trong một đoạn ngắn nói về tiết kiệm, Bác đã hai lần nhắc đến mồ hôi, nước mắt của dân nghèo! Bác Hồ cũng rất nhiều lần nhắc đến phải tiết kiệm thời giờ: “Một phút của hàng triệu người cộng lại thành rất nhiều ngày, và làm được rất nhiều công việc… Chúng ta thường than phiền không đủ thời giờ để làm việc và học tập. Đó là vì chưa biết quý trọng thời giờ, sắp đặt thời giờ cho hợp lý, còn lãng phí nhiều thời giờ. Muốn tiết kiệm thời giờ, thì mọi công việc đều phải chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ…”

Thực ra, tiết kiệm không phải là vấn đề mới. Ông cha ta tự bao đời đã truyền dạy con cháu: “Làm dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn”, “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè, tiêu xẻn”. Cũng không phải chỉ vì nước ta nghèo mới cần tiết kiệm, mà loài người từ lâu cũng đã tìm thấy bài học ấy trong cuộc sống của mình. Biết bao những câu danh ngôn đã được truyền tụng: “Nếu bạn muốn giàu có, thì chẳng những phải học cách làm ra tiền, mà còn phải biết cách sử dụng đồng tiền”, “Lười nhác và hoang phí, đó là hai cái vực thẳm!”

Bác Hồ kính yêu của chúng ta không chỉ dạy cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mà chính Bác còn là một tấm gương lớn về lối sống giản dị, tiết kiệm. Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, nhìn mâm cơm có nhiều món hơn, mà nào có gì chỉ toàn rau rừng, ngọn bí, măng nứa, một đĩa nhỏ cá kho, vậy thôi, nhưng Bác bảo: “Hôm nay các chú làm cơm cho Bác nhiều quá. Bác ăn thừa đổ đi cũng không ai biết, nhưng Bác không nỡ. Đồng bào mình còn đang thiếu thốn…”.

Về Hà Nội rồi, giữa Thủ đô phồn hoa, Bác vẫn tiết kiệm từng mẩu xà phòng, chiếc áo cũ, viết báo bằng mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam. Suốt đời, Người chỉ đi một chiếc xe ô tô đã cũ. Khi ăn không để rơi một hạt cơm! Một lần, thấy lớp nhựa ở vòng tay lái chiếc ô tô đã cũ tỏa ra mùi khó chịu, đồng chí lái xe lấy nước hoa vẩy vào trong xe. Khi lên ô tô, thấy mùi nước hoa Bác tỏ vẻ không vui. Bác bảo: “Không phải Bác không thích nước hoa. Nhưng nhân dân mình còn nghèo, vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành! Luôn luôn gắn liền cuộc sống của mình với cuộc sống của đồng bào, đó là tình cảm của Bác, đạo lý của Bác!”

Cũng trong bài “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Bác đã viết: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”.

Ngược lại với tiết kiệm là hoang phí, xa xỉ. Bác nói hao phí thời giờ là xa xỉ. Hao phí vật liệu là xa xỉ. Ăn mặc đẹp trong lúc đồng bào còn nghèo là xa xỉ. Ăn không ngồi rồi là xa xỉ. Và Bác nhấn mạnh: “Vì vậy, xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào”. Theo Bác Hồ, “Tiết kiệm nghĩa là: Một giờ làm xong công việc của hai ba giờ. Một người làm việc bằng hai, ba người. Một đồng dùng bằng giá trị hai ba đồng. Cho nên, muốn tiết kiệm có kết quả tốt thì phải khéo tổ chức… Không biết tổ chức là không biết tiết kiệm”.

Cụm từ “Tiết kiệm là một quốc sách” đã được nêu trong diễn đàn Quốc hội, trong các văn bản của Nhà nước, nhưng chúng ta không khỏi đau lòng khi thấy còn nhiều cán bộ, đảng viên sống xa hoa, lãng phí, xa rời đời sống của nhân dân. Hàng trăm triệu đồng cho một bữa tiệc, hàng chục tỷ đồng cho một lễ kỷ niệm, và khá nhiều những chiếc xe con sang trọng, quá mức cần thiết. Những công sở xây quá lớn với thừa thãi tiện nghi, trong khi đó trẻ em còn thiếu trường học, bệnh viện vẫn hai ba người một giường… Chưa nói đến sự lãng phí tiền của, mà hãy nói đến những phương tiện sống xa hoa ấy đã làm họ xa rời quần chúng nhân dân.

Đã có những cán bộ vì lối sống xa hoa, lãng phí mà dẫn đến tham nhũng, hối lộ, lập quỹ đen… làm tổn hại đến niềm tin của nhân dân với Đảng. Đã có không ít những cán bộ chỉ kêu gọi người ta tiết kiệm, còn mình thì không gương mẫu thực hiện. Trình độ dân trí ngày càng cao, nhân dân phân biệt rất rõ những người chỉ nói suông, nói một đằng làm một nẻo, và trong mắt của nhân dân những người đó đã trở thành “Những ông quan cách mạng”, như Bác Hồ từng nói. Nói và gương mẫu làm đúng những điều mình nói, chính là đạo đức cách mạng. Trong vấn đề thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nếu cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thì làm sao có thể vận động đông đảo nhân dân thực hiện tốt được. Mọi công việc đều thế, việc vận động tiết kiệm chống lãng phí càng phải thế.

Bùi Công Binh

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày