Thứ 3, 29/04/2025, 21:20[GMT+7]

Vũ Thư: Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch

Thứ 3, 29/04/2025 | 15:55:56
346 lượt xem
Nằm bên con sông Hồng phù sa màu mỡ, trải qua hàng nghìn năm bồi tụ, mảnh đất Vũ Thư ngày nay trù phú, có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nhiều làng nghề truyền thống, nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cổ, lễ hội cùng nền ẩm thực phong phú, đa dạng... Khai thác lợi thế sẵn có, huyện Vũ Thư đã tập trung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập khá cho người dân xã Hồng Phong (Vũ Thư).

Điểm đến của du lịch trải nghiệm 

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống nhiều đời nay ở xã Hồng Phong. Hiện nay, toàn xã có 257ha trồng cây dâu tằm, vì vậy, phần lớn diện tích của xã đều được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của lá dâu. Đặc biệt, vào cuối xuân là mùa dâu chín rộ có nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm để có thể thoải mái len lỏi giữa những luống dâu, tự tay hái và thưởng thức những trái dâu bé xíu, căng mọng, ngọt lịm. Ông Lưu Thanh Tình, thôn Tân Phong cho biết: Thời điểm quả dâu chín rộ là giữa tháng 2 âm lịch, kéo dài trong khoảng 2 - 3 tuần là kết thúc. Cây dâu ở đây là giống dâu lấy lá, phục vụ nuôi tằm là chính, vì vậy quả không to, không sai, cứng quả như nhiều giống dâu khác, mà quả nhỏ, mềm nhưng quả chín cho vị ngọt lịm hơn hẳn. Đặc biệt, dâu ở đây rất sạch, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào vì chúng tôi phải giữ cho cây dâu sạch để nuôi tằm. Mấy năm gần đây, vào mùa dâu chín rộ, con em trong xã cũng như du khách quanh vùng thường tìm về để được trải nghiệm hái dâu tại ruộng. Bà con thấy vậy rất mừng vì nghề truyền thống của địa phương được nhiều người biết đến, sản phẩm của địa phương nhờ vậy cũng được quảng bá rộng rãi. Theo ông Lê Mạnh Trường, Chủ tịch UBND xã: Nhiều du khách khi đến địa phương ngoài thưởng thức đặc sản nhộng tằm còn mong muốn được trực tiếp trải nghiệm ra ruộng hái lá dâu, cho tằm ăn, quay tơ, hái quả dâu chín... Vì vậy, địa phương đã và đang nỗ lực để thúc đẩy nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với phát triển du lịch. Thời gian qua, xã đã khai thác nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất vùng cánh đồng dâu để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất gắn với thực hiện dịch vụ du lịch cho người dân; giữ và nâng cao chất lượng, sản lượng nhộng tằm thương phẩm đạt chuẩn OCOP của xã. Đặc biệt, chúng tôi đang tìm giải pháp sớm khôi phục nghề ươm tơ truyền thống đã bị mai một và biến mất hơn 10 năm nay nhằm đưa vào khai thác, phục vụ du lịch trải nghiệm hiệu quả hơn. 

Nếu xã Hồng Phong có thế mạnh về nghề truyền thống thì xã Bách Thuận lại có lợi thế về cảnh quan môi trường sinh thái. Từ xa xưa, vùng đất này được phù sa sông Hồng bồi đắp, đất đai màu mỡ, nhà ở xen canh mang đặc điểm một vùng sinh thái tự nhiên với hệ thống thực vật phong phú. Toàn xã có 350ha cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, cây cảnh, nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia, 13 nếp nhà cổ được xây dựng trên 100 năm cùng nền ẩm thực phong phú. Đến với xã Bách Thuận, du khách được hòa mình vào không gian trong lành với những cây xanh quanh năm tỏa bóng mát. Hoa quả sẵn có theo mùa với nhiều loại cây như: táo, bưởi, ổi, thanh long, xoài, nhãn... Bên cạnh đó, thực khách có thể thưởng thức nhiều món ngon nổi tiếng khắp vùng tại chợ Thuận Vi như: bánh cuốn, bánh bèo, bánh hấp, bánh tẻ, bánh trôi và những món ăn như: nem nắm, giò, chả... Ông Nguyễn Kim Sáu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với đặc thù là vùng đất có địa hình thổ mô, nhà ở xen canh với đất vườn và ao, Bách Thuận mang đầy đủ đặc điểm của vùng sinh thái xanh tươi, trù phú. Mỗi nhà dân đều sở hữu các vườn cây từ 700 - 3.000m2 có tiềm năng về xây dựng mô hình nhà vườn sinh thái chuyên nghiệp. Ngoài ra, với đặc trưng nghề truyền thống trồng cây tại vườn của địa phương có thể kết hợp phát triển mô hình nhà lưu trú homestay, liên kết với những bãi hoa ven sông Hồng để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm, câu cá và trải nghiệm làng quê cùng cộng đồng dân cư và các nghệ nhân làm vườn, làm cây cảnh. Bên cạnh đó, địa phương dự định xây dựng 1 tour du lịch trải nghiệm tại làng vườn gồm: đạp xe, tham quan các nhà vườn cây cảnh, vườn hoa, tham quan nhà cổ, trò chuyện, giao lưu với người dân địa phương, thưởng thức các loại quà bánh tại chợ quê, nghỉ ngơi tại homestay làng vườn... Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, địa phương đã xây dựng đề án cụ thể, đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan nông thôn. Hiện nay trên địa bàn đang triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến đường trục xã dài 3,8km với tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng nhằm phục vụ phát triển du lịch. 

Đánh thức tiềm năng 

Xã Hồng Phong và Bách Thuận chỉ là hai trong số những điểm đến du lịch trải nghiệm của huyện Vũ Thư. Đặt chân đến mảnh đất này, nếu chỉ khám phá du lịch tại xã Hồng Phong và Bách Thuận thôi chưa đủ bởi Vũ Thư còn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và đa dạng các làng nghề truyền thống. Toàn huyện có 82 di tích văn hóa được xếp hạng, trong đó có chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, trên địa bàn huyện có các lễ hội lớn, đặc sắc với nhiều loại hình hát, múa như: lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất), chùa Lạng (xã Song Lãng), đình Bổng Điền (xã Tân Lập), Sáo Đền (xã Song An) và nhiều lễ hội truyền thống khác có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Về làng nghề truyền thống, toàn huyện có nhiều làng nghề lâu đời như: nghề thêu, nghề chế biến bún bánh, nghề mộc, nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nghề trồng cây cảnh. Để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thời gian qua, huyện Vũ Thư đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Các tuyến đường liên tỉnh, đường liên huyện, đường liên xã trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư làm mới, mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại. Các tuyến đường: ĐT.454, ĐT.463, ĐH.02, ĐH.08, đường du lịch xã Bách Thuận, đường nội đồng sản xuất xã Hồng Phong và một số tuyến đường xã đã và đang được nâng cấp, sửa chữa. Việc trùng tu, tôn tạo bảo vệ khu lưu niệm và các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ cho khách du lịch cũng được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh quan tâm đầu tư xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vũ Thư đã có Công ty Cổ phần Season World đầu tư phát triển du lịch kết hợp giữa du lịch sinh thái trải nghiệm và nông nghiệp chất lượng cao, đầu tư xây dựng các homestay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch tại bãi nổi xã Hồng Phong và xã Duy Nhất, dự kiến đến năm 2026 sẽ đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng trên 1.200 lao động trực tiếp và gián tiếp phục vụ khách du lịch. Năm 2023, huyện Vũ Thư đón khoảng trên 110.000 lượt khách du lịch, năm 2024 đón khoảng trên 160.000 lượt khách du lịch. Doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm. 

Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú cùng sự quyết tâm của các cấp chính quyền và lòng hiếu khách của người dân, Vũ Thư hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong thời gian tới.

Hợp tác xã cây cảnh xã Bách Thuận (Vũ Thư) - địa điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.

Đào Quyên