Thứ 7, 29/06/2024, 08:39[GMT+7]

Thành phố Thái Bình: Hành trình 70 năm vươn mình phát triển Kỳ 3: Thành phố chuyển mình

Thứ 3, 25/06/2024 | 23:02:19
1,786 lượt xem
Trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Bình đã tạo được những dấu ấn, ấn tượng tốt, ngày càng khẳng định vị thế trong khu vực

Công viên Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Khát vọng vươn lên 

Là tỉnh lỵ nhưng do xuất phát điểm thấp nên khi lên đô thị loại III, thị xã Thái Bình gặp không ít khó khăn. Hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông yếu kém; dân số cơ học tăng nhanh, đời sống nhân dân còn khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp. Xác định được những thuận lợi, khó khăn trong từng giai đoạn, Đảng bộ thị xã đã đưa ra các mục tiêu quan trọng vào nghị quyết đại hội của từng nhiệm kỳ nhằm thống nhất về chủ trương và hành động. 

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Bí thư Thị ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2000 - 2005 cho biết: Với quyết tâm xây dựng thị xã Thái Bình phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã cụ thể hóa nội dung các nghị quyết bằng những đột phá, chương trình hành động thiết thực. Đặc biệt, sự kiện mở đầu và cũng là mở ra tiền đồ tươi sáng cho thị xã Thái Bình trong giai đoạn 10 năm của thiên niên kỷ mới là ngày 25/12/2001 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/ TU về phát triển kinh tế - xã hội thị xã Thái Bình giai đoạn 2001 - 2010 và xây dựng thị xã trở thành thành phố, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết số 05-NQ/TU mang tầm chiến lược đặt nền móng cơ bản cho sự phát triển đi lên và cũng là lần đầu tiên cụm từ “Xây dựng thị xã trở thành thành phố” mang đầy khát vọng phát triển của bao thế hệ lãnh đạo cũng như nhân dân ở một thị xã đồng bằng nhỏ bé được chính thức đưa vào một văn kiện của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất của tỉnh Thái Bình. Với quan điểm chỉ đạo: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng tích lũy cho ngân sách. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Xây dựng thị xã trở thành thành phố là đòi hỏi khách quan của phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Xây dựng thành phố Thái Bình trên cơ sở quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, bảo đảm tính hiện đại, mang nét đặc trưng văn hóa của tỉnh, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó, kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định hàng năm. Công tác chỉnh trang, xây dựng hạ tầng đô thị luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên và tập trung thực hiện, góp phần từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí của đô thị. Ngày 30/6/2004 thị xã chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh là sự kiện chính trị đánh dấu mốc son mới trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố. 

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Thái Bình trong giai đoạn mới, năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kiến Xương, Vũ Thư và Đông Hưng để mở rộng thành phố Thái Bình. Năm 2013, thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh với 19 phường, xã. 

Dây chuyền lắp ráp xe máy điện của Công ty TNHH thương mại Tấn Thành (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình). 

Đầu tàu kinh tế 

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tình hình chính trị - xã hội luôn được giữ vững; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các nguồn lực xã hội được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc. 

Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố Thái Bình hôm nay mang một diện mạo mới với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu như năm 2005, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 2.364 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 206,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,4 triệu đồng/ năm thì đến năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt trên 51.066 tỷ đồng, gấp 21,6 lần, chiếm gần 25% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gần 3.220 tỷ đồng, gấp 15,6 lần; thu nhập bình quân đầu người gần 85 triệu đồng/ năm, gấp 9 lần so với năm 2005. Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp thành phố xếp thứ nhất khối huyện, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI, một số tiêu chí được đánh giá cao như: Vai trò người đứng đầu 10/10 điểm, sự năng động, sáng tạo 9,97/10 điểm; xếp thứ nhất về cải cách hành chính. 

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, thành phố Thái Bình luôn quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện các chế độ, chính sách, ổn định trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%, hộ cận nghèo 1,17%, giảm còn dưới 1/2 bình quân chung của tỉnh. 

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan chia sẻ: Với 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của thành phố Thái Bình, doanh nghiệp chúng tôi luôn sáng tạo, đổi mới, nỗ lực vượt khó, duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ đã đưa thị xã Thái Bình ven sông Trà Lý lớn mạnh với tốc độ phát triển nhanh, bền vững. Chúng tôi mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân thành phố tiếp tục chung tay xây dựng thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I trong tương lai gần. 


(còn nữa)

Minh Nguyệt