Thứ 6, 05/07/2024, 14:39[GMT+7]

Hưng Hà Đồng hành cùng các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh

Thứ 3, 02/04/2013 | 09:58:30
1,459 lượt xem
Năm 2013, để duy trì sản xuất, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của huyện, các cấp, các ngành ở Hưng Hà sẽ thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp, hộ SXKD…

Nghề dệt, may khăn ở làng nghề Phương La (Thái Phương).

Tại buổi đối thoại giữa UBND huyện Hưng Hà với các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD), đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: Mặc dù nhiều doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã giải thể, ngừng sản xuất, song các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề của huyện vẫn được giữ vững, sản xuất ổn định và có phần tăng trưởng.

Hiện nay, Hưng Hà có 175 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, 3.589 cơ sở đăng ký SXKD, 46 làng nghề và 4 xã nghề; tổng giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2012 đạt trên 1.800 tỷ đồng. Đầu năm 2012, các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về đầu ra, tồn kho trên 2.500 tấn khăn; các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tồn kho khoảng 13,2 triệu viên gạch… Trước thực trạng này, Hưng Hà đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp đã nỗ lực vươn lên, do đó những tháng cuối năm sản phẩm tiêu thụ khá tốt, sản xuất tăng trưởng trở lại. Một số doanh nghiệp thu hút nhiều lao động và có giá trị xuất khẩu đạt trên 4 triệu USD như Công ty TNHH Dệt may Hưng Thịnh, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Phương, Công ty TNHH Toàn Thắng. Tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp năm 2012 đạt 762 tỷ đồng, chiếm 42,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện. Các cơ sở SXKD đã nhạy bén, mạnh dạn đầu tư, nhanh chóng thích ứng với biến đổi của thị trường, sản xuất ổn định. Điển hình như cơ sở sản xuất chiếu nilon của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Văn Sơn, Hà Duy Mai (xã Tân Lễ) giá trị sản xuất đạt 15 - 20 tỷ đồng/hộ/năm; cơ sở sản xuất bánh kẹo của ông Vũ Văn Giản (xã Hùng Dũng) đạt 10 - 15 tỷ đồng/năm… Cùng với các doanh nghiệp, hộ SXKD, Hưng Hà đã có thêm 2 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận  nâng tổng số làng nghề trong huyện lên 46 làng nghề, 4 xã nghề.

Ngoài ra, Hưng Hà đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nên máy dệt đã tăng khá mạnh, hiện toàn huyện có 5.208 máy dệt khăn, tăng 277 máy; máy dệt chiếu cói, nilon có 213 máy, tăng 83 máy so với năm 2011. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Năm 2013, để CN-TTCN tiếp tục phát triển, theo ý kiến của các doanh nghiệp, hộ SXKD, các phòng, ban, ngành thì Hưng Hà cần chung tay tháo gỡ khó khăn và làm rõ những vấn đề mà doanh nghiệp, hộ SXKD còn khúc mắc. Cụ thể, hạn mức vay của các ngân hàng hiện nay là thấp, không đủ vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, vay vốn phụ thuộc vào tài sản thế chấp nên được vay ít, do đó ngân hàng cần nâng hạn mức vay. Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Văn Xuất, thôn Phương La (Thái Phương) đã đầu tư máy móc, nhà xưởng với kinh phí 1,5 tỷ đồng nhưng ngân hàng mới cho vay 200 triệu đồng. Đồng thời việc vay vốn còn quá nhiều thủ tục, thời gian lâu, do đó ngân hàng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để việc vay vốn đơn giản, nhanh gọn. Trên lĩnh vực giao thông, các doanh nghiệp khá bức xúc về tình trạng một số tuyến đường xuống cấp, nhỏ hẹp đã lâu nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể, Công ty Dệt may xuất khẩu Thành Công tại cụm công nghiệp Phương La có ý kiến về tuyến quốc lộ 39A đoạn qua Hưng Hà và đường ĐH63 vào cụm công nghiệp đang xuống cấp nghiêm trọng, do đó việc vận chuyển hàng hóa bằng ô tô tải, container rất khó khăn. Hiện nay, các làng nghề chủ yếu sử dụng máy móc để sản xuất, do đó nhu cầu sử dụng điện rất lớn, nhưng ngành điện không cung cấp đủ, đồng thời hay cắt điện; cá biệt có một số làng nghề vào các giờ cao điểm hầu như các máy dệt phải ngừng hoạt động do thiếu điện.

Năm 2013, Hưng Hà phấn đấu tổng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 2.069 tỷ đồng, tăng 14,19% so với năm 2012. Để đạt được mục tiêu trên, đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước hết, huyện đã có những giải pháp định hướng cho các doanh nghiệp và hộ SXKD bằng việc đổi mới thiết bị máy móc theo hướng hiện đại tiết kiệm nguyên liệu, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường mối liên doanh liên kết, các doanh nghiệp cần hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển… Những khúc mắc mà doanh nghiệp đưa ra, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành trong huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút các dự án đầu tư vào huyện.

Đồng thời từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, như đường điện, đường giao thông, cấp thoát nước để đáp ứng ngày càng tốt cho phát triển kinh tế. Phấn đấu sớm hoàn thiện quy hoạch mở rộng cụm công nghiệp Phương La lên trên 20 ha; quy hoạch bổ sung cụm công nghiệp Đồng Tu (Phúc Khánh); tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, về vốn, chính sách miễn giảm thuế, mặt bằng sản xuất…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa