Thứ 5, 18/07/2024, 11:44[GMT+7]

Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Vũ Thư

Thứ 6, 28/03/2014 | 09:20:33
1,614 lượt xem
Vũ Thư là huyện cửa ngõ của tỉnh, có vị trí thuận lợi trong phát triển công nghiệp. Tuy nhiên trước những tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện thời gian qua cũng rơi vào trạng thái trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp doanh thu giảm, hàng tồn kho lớn, một số làng nghề hoạt động cầm chừng, suy giảm.

Nghề đan chổi chít ở làng Nghĩa Khê, xã Tam Quang (Vũ Thư).

 

Theo đánh giá của Phòng Công Thương huyện Vũ Thư, từ năm 2013 đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển chậm. Đa số các doanh nghiệp trong nghề thêu doanh thu giảm, một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở các nhóm nghề may mặc, dệt, sản xuất vật liệu xây dựng doanh thu cũng giảm so với trước.

 

Toàn huyện có 175 doanh nghiệp, trong đó hơn 30 doanh nghiệp dừng hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực may, thương mại dịch vụ. Là huyện  có 7 cụm công nghiệp (CCN), tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy đạt thấp. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm dẫn tới hàng tồn kho lớn. Ðiển hình như Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Vũ Thư hàng năm đạt doanh thu tới 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập đạt 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Những năm trước, vào thời điểm cuối năm Công ty thường cháy hàng, nhưng tới cuối tháng 11/2013 Công ty vẫn tồn kho khoảng 10 triệu viên gạch, do đó doanh thu giảm 5 - 7 tỷ đồng. Hay Công ty IVORY là doanh nghiệp may lớn nhất huyện, đi vào sản xuất từ  năm 2001, tạo việc làm thường xuyên cho 3.200 lao động, doanh thu hàng năm từ 280 - 300 tỷ đồng. Tới năm 2013, đơn hàng may mặc thụt giảm khiến doanh thu cũng bị giảm theo từ 50 - 70 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có trên 10 doanh nghiệp thêu phải dừng hoạt động do không còn thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù đã có thêm 4 dự án đầu tư vào CCN Thị trấn, CCN Nguyên Xá, xã Song An và xã Bách Thuận, tuy nhiên đây chỉ là những doanh nghiệp nhỏ, việc phát triển đầu tư vào các CCN còn chậm. Năm 2013 chỉ có 2 dự án mới đi vào hoạt động là Doanh nghiệp chế biến gỗ Tuấn Mạnh, xã Xuân Hòa và Xí nghiệp may Hàn Quốc tại Việt Hùng. Trong 3 tháng đầu năm 2014, mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn đã cố gắng giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh nhưng vẫn gặp không ít khó khăn và đã có 26 doanh nghiệp giảm 135 lao động.

 

Trong phát triển nghề, hiện tại toàn huyện có 25 làng nghề, trong đó 14 làng nghề hoạt động tương đối tốt, ổn định, 11 làng nghề suy giảm. Nghề và làng nghề suy giảm không ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, ngược lại một số nghề mới du nhập đem lại nguồn thu nhập cao cho các làng nghề. Ðiển hình như nghề ươm tơ xã Bách Thuận hiện đã suy giảm do người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trước đây trong xã có từ 1.700 - 1.800 lao động làm nghề này, chiếm tỷ lệ 36 - 37% tổng số lao động của xã. Ðến nay chỉ còn 3 hộ duy trì làm nghề, diện tích trồng dâu nuôi tằm hầu hết đã chuyển sang trồng cây cảnh.

 

Trong năm 2011 và năm 2012 giá trị thu nhập từ nghề cây cảnh của Bách Thuận đạt hàng chục tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với nghề ươm tơ trước đó. Hay như Tân Phong, lĩnh vực thương mại dịch vụ phát triển mạnh đan xen với các nghề thêu, mộc, giết mổ lợn, làm bún bánh... Trước năm 2007,  giá trị sản xuất từ nghề chiếm khoảng 60%, bình quân thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên theo quy định làng nghề năm 2008 của UBND tỉnh thì giá trị sản xuất từ nghề ở Tân Phong hiện chỉ còn dưới 30%.

Nghề thêu xã Minh Lãng tạo việc làm cho hàng trăm người dân trong lúc nông nhàn.

 

Một trong những nghề điển hình nhất trong các nghề suy giảm ở Vũ Thư thời gian qua đó là nghề thêu. Thời kỳ lên ngôi nghề này đã thu hút tới 13.000 lao động với trên 20 doanh nghiệp, trên 50 đại lý. Những năm qua, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, các thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc không tiêu thụ được hàng dẫn tới đơn đặt hàng ngày càng ít, ngày công lao động thấp do đó cả doanh nghiệp và người lao động đều chuyển nghề. Số lao động làm nghề thêu trong toàn huyện hiện nay giảm còn khoảng 5.000 - 6.000 lao động với trên 10 doanh nghiệp.

 

Ở Minh Lãng, nghề thêu phát triển nhất huyện Vũ Thư từ hàng chục năm nay, giá trị sản xuất từ nghề đạt bình quân 80 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên đến nay đã có 2 doanh nghiệp phải chuyển sang làm nghề may, một số doanh nghiệp duy trì cả nghề thêu và may, kéo theo 1.500 lao động làm nghề thêu cũng chuyển sang làm may... Với lý do đó nên hai năm qua nghề may đã phát triển mạnh nhất huyện, hiện có 5 doanh nghiệp, 10 cơ sở sản xuất thu hút trên 5.000 lao động làm nghề may, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Với những tác động trên, giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2013 của huyện Vũ Thư đạt 1.672 tỷ đồng, đạt 92,46% kế hoạch năm, tăng 9,93% so với năm 2012. Ðể hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2014 đạt trên 1.847 tỷ đồng, tăng 10,47% so với năm 2013, huyện Vũ Thư sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và đôn đốc các dự án đang thực hiện hoàn thành việc đầu tư để đi vào sản xuất kinh doanh.

 Thu Thủy

 

  • Từ khóa