Thứ 2, 08/07/2024, 12:36[GMT+7]

Bước chuyển mình thời hội nhập

Thứ 4, 07/05/2014 | 10:01:45
874 lượt xem
Nằm ở vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Thái Bình đã đóng góp sức người, sức của vừa trực tiếp chiến đấu vừa là hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Hòa bình lập lại, Thái Bình dồn sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khai thác tiềm năng thế mạnh, tập trung phát triển toàn diện kinh tế theo hướng công ng

Dây chuyền kéo sợi của Công ty cổ phần Dệt sợi DamSan (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình).

Sau khi thực dân Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, mặc dù Thái Bình được giải phóng nhưng kinh tế trong tình trạng suy sụp, nghèo nàn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Toàn tỉnh có tới gần 268.000 ha ruộng đất bỏ hoang, gần 8.000 ha chua mặn chưa được cải tạo. Tư liệu sản xuất vừa thiếu, vừa lạc hậu, nhiều xã không còn lấy một con trâu như Nam Huân, Đình Phùng (Kiến Xương). Cả tỉnh có trên 20.000 gia đình phải sống mỗi ngày với một bữa rau, một bữa cháo... Vì vậy việc phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là vấn đề then chốt, là cơ sở để cải thiện đời sống nhân dân.

Theo đó, Nhà nước đã cho nông dân vay 996 triệu đồng để mua gần 6.000 con trâu bò và mua nông cụ phục vụ sản xuất. Đồng thời phát động phong trào khơi sông ngòi lấy nước cấy cày, bảo vệ đê điều, đẩy mạnh khai hoang đưa ruộng đất vào canh tác. Ngoài trồng lúa, phát động nông dân trồng thêm rau màu và cây công nghiệp. Nhờ vậy, sau 3 năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, kinh tế Thái Bình có bước phục hồi đáng kể, năng suất lúa năm 1957 đạt 44,88 tạ/ha, cao hơn nhiều so với trước chiến tranh (năm 1939 năng suất lúa đạt 26,92 tạ/ha); đàn trâu bò đạt trên 58.000 con, tăng 11.000 con so với năm 1955; đàn lợn từ 165.000 con năm 1955 tăng lên gần 300.000 con vào năm 1957. Chỉ trong 3 năm, Thái Bình đã huy động hơn 8 triệu ngày công lao động đào đắp gần 10 triệu m3 đất, xây dựng 8 cống mới và sửa chữa 158 cống khác, cải tạo đưa vào sản xuất hơn 5.000 ha đất chua mặn...

Đây là tiền đề để Thái Bình thực hiện sâu rộng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Toàn tỉnh xây dựng hơn 3.000 hợp tác xã với 196.540 hộ xã viên; trong tỉnh có 233 xã cơ bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Ngoài ra còn có 69,4% tiểu thương gia nhập hợp tác xã. Đến năm 1960, bình quân sản lượng lương thực theo đầu người đạt 297,1 kg/người/năm, cao hơn trung bình miền Bắc. Tổng giá trị sản lượng hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh đạt 26 triệu đồng.

Sau năm 1960, tỉnh chủ trương ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đồng thời phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải, thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã. Đây cũng là thời kỳ diễn ra cải tạo hợp tác xã. Kết quả là diện tích cấy lúa năm 1965 đạt 168.625 ha, diện tích cây màu đạt 20.382 ha, cây công nghiệp đạt 7.886 ha; năng suất bình quân đạt 43,12 tạ/ha/năm, sản lượng lương thực đạt gần 432.000 tấn. Toàn tỉnh cũng đã hợp nhất 1.467 hợp tác xã nhỏ thành 564 hợp tác xã lớn.

Để làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn góp phần cùng tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Thái Bình chủ trương tiếp tục cải tiến hợp tác xã và phát triển sản xuất, lấy thủy lợi là khâu quan trọng để nâng cao năng suất. Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất 5 tấn/ha. Hoạt động công nghiệp thời kỳ này chuyển hướng vừa sơ tán, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Năm 1970, toàn tỉnh có 60 xí nghiệp. Tổng giá trị sản xuất năm 1975 đạt gần 80 triệu đồng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Thái Bình có những thuận lợi cơ bản: kinh tế nông nghiệp phát triển khá toàn diện, quan hệ sản xuất XHCN được xác lập, lực lượng sản xuất không ngừng được tăng cường...

Với tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, giai đoạn này tỉnh chủ trương khai thác mọi tiềm năng, ra sức phát triển sản xuất với tốc độ nhanh, đồng đều, toàn diện, vững chắc, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất...

Để thực hiện nhiệm vụ đó, tỉnh đề ra phương hướng hành động: "Từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên". Nhờ vậy kinh tế của tỉnh thời kỳ này tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện, năng suất lúa năm 1985 đạt 7 tấn/ha/năm, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 1986 đạt 26.000 tấn, giá trị sản xuất CN - TTCN năm 1982 đạt 127,2 triệu đồng.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tỉnh chủ trương phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất. Năm 1992, toàn tỉnh có 96 HTX tiểu thủ công nghiệp, 280 tổ sản xuất, 4 công ty TNHH, 2 xí nghiệp tư nhân và 12.000 hộ sản xuất cá thể. Giá trị sản xuất CN - TTCN năm 1995 đạt 247,5 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 18,1 triệu USD. Giai đoạn 1991 - 1995, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với giai đoạn 1986 - 1990; 100% số xã đều có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, 97,6% số hộ dân có điện sinh hoạt; cuối năm 1995 toàn tỉnh có gần 4.500km đường giao thông làm bằng vật liệu cứng, chiếm 82%...

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời kỳ đầu đổi mới kết hợp với thành tựu đạt được trên các mặt tạo tiền đề và động lực để tỉnh ta tiếp tục triển khai sâu rộng và toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm khai thác tối đa mọi nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển, không ngừng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính trọng tâm là thủ tục hành chính về thu hút đầu tư...

Nhờ đó kinh tế tỉnh ta những năm gần đây có bước tiến vượt bậc và toàn diện. Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Thái Bình không chỉ được biết đến là tỉnh dẫn đầu về nông nghiệp mà ngành Công nghiệp cũng vươn lên vị trí ngày càng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng và miền Bắc.

Tổng sản phẩm GDP của tỉnh năm 2000 mới đạt 4.550 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã tăng lên 37.188 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, năm 2013 tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 31,97%, công nghiệp - xây dựng vươn lên chiếm 34,76%, thương mại dịch vụ chiếm 33,27%, (năm 2000 tỷ trọng các ngành kinh tế nói trên lần lượt là 56%, 12,3% và 31,7%).

Từ một tỉnh cơ bản "trắng" về công nghiệp tập trung, đến nay đã quy hoạch 7 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 1.276 ha, chưa kể hàng chục cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố. Giá trị sản xuất CN - TTCN năm 2000 đạt 1.403 tỷ đồng nay tăng lên trên 30.523 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu từ 25,2 triệu USD nay đã vượt mốc 1 tỷ USD. Từ một tỉnh cơ bản thuần nông, đến nay Thái Bình đã thu hút 700 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 76.000 tỷ đồng, trong đó có 438 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn triển khai đạt 17.470 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 110.000 lao động. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có 3.884 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và hơn 400 chi nhánh, văn phòng đại diện...      

Vũ Mạnh

  • Từ khóa