Thứ 4, 03/07/2024, 10:44[GMT+7]

Nhật ký cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Chủ nhật, 31/08/2014 | 16:46:03
2,087 lượt xem
Về đến cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy) mà đầu óc tôi vẫn bồng bềnh theo con sóng ngoài khơi xa. Buổi chiều ở biển, con nước đang lên nhanh, đoàn tàu nối đuôi nhau trở về sau những ngày rong ruổi giữa biển khơi. Giờ đây tôi đã hiểu rằng, mỗi chuyến đi là một hành trình mưu sinh đầy gian nan, nguy hiểm và vì thế, vị mặn chát của biển phải chăng bởi những giọt mồ hôi.

Niềm vui khi bắt được Sam biển.

Chuyến đi kéo dài trong ba ngày. Ba ngày tôi lênh đênh trên con tàu đánh cá của ngư dân giữa biển khơi. Có đi mới biết, con người thật nhỏ bé biết bao giữa biển khơi mênh mông vô cùng với nắng, gió và sóng. Mẹ đại dương đã ưu ái cho ngư dân vô vàn những sản vật nhưng lại thử thách họ trước những trận cuồng phong. Mùa đi biển thường trùng với mùa bão, gió. Ðể thắng được thử thách khắc nghiệt của biển cả, họ đã chấp nhận đối đầu với khó khăn, nguy hiểm, quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển.

Tôi được các đồng chí ở Ðồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Ðiền sắp xếp đi cùng tàu cá TB 90060TS, chủ tàu là anh Nguyễn Văn Dương, 40 tuổi, thôn Vạn Xuân Nam, xã Thụy Xuân (Thái Thụy). Qua tìm hiểu tôi được biết, đôi tàu (TB 90060TS và 90061TS) của anh Dương được đầu tư hơn 3 tỷ đồng, vừa hạ thủy đầu năm 2014, công suất 750 CV. Ðây là loại tàu gỗ đánh bắt xa bờ, phạm vi đánh bắt hải sản trong khu vực vịnh Bắc Bộ, cách đất liền từ 30 - 40 hải lý, tần suất từ 2 đến 3 ngày/chuyến (tùy thuộc vào sản lượng đánh bắt được). Ba ngày khá “tròn vai” một ngư dân đã giúp tôi thấu hiểu cuộc sống cũng như nỗi vất vả của bà con ngư dân.

Hơn 10 giờ sáng, tàu chúng tôi bắt đầu nhổ neo, rời cảng cá Tân Sơn. Thời điểm này, các tàu cá đang neo đậu ở đây cũng bắt đầu rời cảng. Trước mỗi chuyến đi, ngư dân thường tổ chức các nghi thức tâm linh. Nhiều đời nay, tục lệ đi biển của bà con vẫn thế, họ trao truyền cho các thế hệ con cháu, nối tiếp nhau giữ gìn những nghi thức đó. Trò chuyện với ngư dân Nguyễn Ðình Lèn, 58 tuổi, là một trong 8 thuyền viên trên tàu, ông cho biết: Làm lễ tế thần, cầu cho chuyến đi thành công là một tín ngưỡng của người đi biển, người thực hiện nghi thức này phải là người cao tuổi, có uy tín trong tổ thuyền. Những lễ vật chỉ đơn giản là gạo, muối, tiền vàng mã, nồi nước lá gai. Vị trí làm lễ là mũi tàu, sau khi lễ xong, các vật phẩm được rắc bốn hướng xung quanh tàu. Riêng nước nồi lá gai được cho là thứ nước tẩy uế, tránh tà ma quấy nhiễu, xua đuổi những rủi ro trong quá trình trên biển…

Với tôi, những nghi thức đó cũng giống như nghi thức tế, lễ của người dân trồng lúa cầu cho mưa thuận, gió hòa để mùa vụ thắng lợi, thóc gạo đầy bồ. Với người đi biển, họ cầu cho sóng yên, biển lặng, con tàu tìm đến những ngư trường đầy cá, tôm, người đi biển được bình an, được mẹ đại dương chở che trong suốt hành trình. Tôi còn biết được thêm nhiều điều thú vị trong phong tục của những người đi biển như: nước lá gai được nấu từ các loại lá có gai mọc ở ven các con sông trong vùng cũng giống thứ nước ngũ vị hương mà các thầy cúng vẫn thường sử dụng để gột tẩy những uế tạp trong các buổi cúng, lễ. Và một điều tôi được biết, những ngư dân đi biển rất kiêng kỵ việc đặt chân lên mũi tàu khi xuống tàu, nếu vô tình đặt chân lên vùng cấm đồng nghĩa với việc người đó sẽ ở lại cảng.

Bà con ngư dân thường chọn thời điểm con nước cao nhất để ra với biển khơi, từ đây các cặp tàu tỏa đi các ngả để tìm luồng cá mới, hứa hẹn chuyến ra khơi ăm ắp cá đầy khoang. Theo kế hoạch của thuyền trưởng Nguyễn Văn Dương, đôi tàu TB 90060TS và TB 90061TS sẽ hướng về đảo Cát Bà trên khu vực biển Hải Phòng. Dự kiến đến nơi buông lưới mất gần hai giờ đồng hồ, tương đương với 40 hải lý tính từ cảng.

Con tàu rẽ sóng vươn khơi, tôi bắt đầu có cảm giác say sóng khi tàu vượt cửa lạch chừng 7 hải lý, sóng bắt đầu cao hơn, tàu cũng bắt đầu lắc mạnh hơn. Ðã chuẩn bị sẵn tinh thần, uống thuốc chống say nhưng tôi vẫn có cảm giác nôn nao, khó chịu. Tự nhủ với mình phải cố gắng giữ bình tĩnh, những con sóng ngoài kia dù có dữ dội bao nhiêu, con tàu có nghiêng ngả đến mức nào, tôi cũng phải làm quen với trạng thái đó bởi trong hành trình ra khơi này, tôi là một ngư dân. Ðã là ngư dân thì đâu có sợ sóng gió, đâu chịu khuất phục trước thời tiết khắc nghiệt giữa biển khơi. 

 Những con sóng vỗ mạnh vào mạn tàu làm tung lên từng mảng bọt trắng xóa giúp tôi hiểu được những khó khăn, vất vả và nguy hiểm của nghề đi biển, nhất là vào mùa biển động. Phải thừa nhận, ý chí kiên cường của ngư dân vượt lên trên sóng dữ để tìm đến với những ngư trường truyền thống là sức mạnh được tôi luyện từ những chuyến ra khơi. Thấy tôi bắt đầu choáng váng bởi say sóng, thuyền trưởng Nguyễn Văn Dương và anh em trên tàu động viên: “Chú muốn hết say thì ngồi dậy, ra ngoài cửa hóng gió. Chứ nằm đó thì say không dậy được đâu. Thời tiết như thế này là lý tưởng nhất đó. Những lần đầu đi biển, chúng tớ cũng say nôn mật xanh, mật vàng ấy chứ. Ði nhiều thành quen, quen rồi thì nhớ, không đi biển thì thấy nhớ biển vô cùng”. Cả tàu nói cười rôm rả. Nhìn họ, tôi thèm được như những người dân miền biển thực thụ, mặc cho con tàu lắc lư, chìm nổi cùng những con sóng cả vẫn cứ vui vẻ bàn chuyện mưu sinh.

Gần hai giờ đồng hồ vận hành hết công suất, đôi tàu của chúng tôi đã đến với ngư trường gần khu vực đảo Cát Bà (Hải Phòng). Qua bộ đàm, hai tàu thông báo thời điểm và vị trí phối hợp thả lưới. Giảm tốc độ, hai tàu tiếp cận nhau ở khoảng cách an toàn để thả lưới, 8 thuyền viên đã sẵn sàng vào vị trí. Sự phối hợp nhịp nhàng như đã được lập trình sẵn bởi với họ, đây là công việc quen thuộc từ bao năm qua...

BUỒN VUI NƠI BIỂN CẢ

“Mỗi chuyến ra khơi cũng tiêu tốn ngót nghét 2.000 lít dầu, rồi tiền đá, tiền thực phẩm, tiền bảo dưỡng tàu... Thu nhập mà dưới 30 triệu đồng là chúng tớ lỗ. Cái nghề đi biển là như thế đấy! May mắn đi vào luồng cá thì trúng lớn, còn không thì “năng nhặt chặt bị” thôi. Hy vọng chuyến này trúng đậm, cũng sắp vào năm học mới rồi, nhiều khoản phải lo cho các cháu nữa” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Dương tâm sự.

Quá trưa, nắng gắt bắt đầu chiếu rọi xuống biển từ nơi chúng tôi buông lưới cách đảo Bạch Long Vĩ chừng 10 hải lý về hướng Tây Bắc. Cả ngư trường rộng lớn, sôi động và nhộn nhịp, theo quan sát của tôi có đến hơn chục đôi tàu đang khai thác.

Ngư dân phân loại cá sau khi thu lưới.

Bữa cơm đầu tiên trên tàu, chúng tôi được thưởng thức bát canh rau đay nấu mướp, thịt kho tàu và đĩa trứng rán dậy mùi, ấm áp vị đất liền. Anh Ðỗ Hữu Tiến, người trẻ tuổi nhất được giao đặc trách làm “anh nuôi” trên tàu. Anh Tiến nấu ăn ngon và điệu nghệ, cho dù sóng dữ dội, tàu chao nghiêng nhưng vẫn thoăn thoắt trổ tài nội trợ. Chỉ trong chốc lát, mâm cơm đã được dọn ngay trên chỗ chúng tôi nằm. Hơn 20 năm đi biển, anh đã đúc rút được kinh nghiệm nấu ăn trên “sóng dữ”. Bữa cơm đầu tiên, tôi học được cách vừa ăn vừa giữ thăng bằng để khỏi ngã bổ chửng. Có lẽ những kỷ niệm đẹp về chuyến đi này sẽ theo mãi cuộc đời của tôi.

13 giờ, tàu chúng tôi thả lưới khi đã vào khu vực có độ sâu lý tưởng. Qua bộ đàm, thuyền trưởng Dương thông báo cho tàu TB 90061TS tăng tốc, tiếp cận tàu TB 90060TS để thực hiện nhiệm vụ “bắt dây lưới”. Những ngư dân lực lưỡng, nước da đen rám vì dầm sương dãi nắng, mặc trên mình chiếc áo cánh sờn, thoăn thoắt tay buông lưới.

Công việc thả mẻ lưới đầu chỉ diễn ra trong 20 phút, tất cả đều phải phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng. Anh Nguyễn Văn Huân, thuyền viên của đội chia sẻ với tôi: Nghề đi biển vất vả nhất là lúc thả lưới và thu lưới. Cho dù máy móc có hiện đại bao nhiêu cũng chưa làm thay con người công đoạn này được. Vì chỉ có con người mới sắp xếp lưới theo tầng, theo lớp để tránh lưới bị rối, nếu bị rối thì sẽ để lọt cá, coi như mẻ đó mất trắng. Máy móc chỉ thay con người việc tời dây, kéo dây để giảm bớt thời gian và sức lực.

Sau khi lưới được thả hết cũng là lúc anh em thuyền viên thấm mệt, mồ hôi ướt đẫm áo. Quanh năm mưu sinh trên biển, họ được mệnh danh là những người “ăn sóng, nói gió”, đôi tay chai sạn bởi kéo lưới, buông câu. Những chuyến ra khơi mang theo cả giấc mơ đèn sách của con cái. Dù có lam lũ đến đâu, họ cũng quyết không để cái nghèo, cái khổ đeo bám.

Khi công việc thả lưới hoàn tất, những thuyền viên mới yên tâm nghỉ ngơi. Người tranh thủ chợp mắt, người hóng gió, hướng ánh mắt xa xăm về phía đất liền. Riêng tôi, chuyến đi là một trải nghiệm vô cùng lý thú. Khi đã quen với sóng biển, tôi thỏa sức ngắm những con sóng bạc dội vào mạn tàu, ngắm những con tàu xa xa nhấp nhô trên biển. Tất cả rộn lên một cảm xúc thật khó tả.

Tôi tranh thủ ghi chép những gì mình đã quan sát được trong quá trình anh em thuyền viên lao động. Tất cả những gì tôi thấy, nghe và cả những cảm xúc bất chợt đến, tôi đều ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ nhỏ. Ðiều may mắn khi tôi bước chân vào nghề báo là được biết nhiều và đi nhiều. Mỗi chuyến đi là một lần được khám phá, một lần đặt chân đến miền đất lạ để thỏa sức tìm tòi. Ví như người đi biển, quanh năm coi biển là nhà, xa biển thì nhớ, gần biển càng thêm yêu.

Chiều trên biển, cơn mưa bất chợt đến rồi đi nhanh, mặt trời chạng vạng khuất dần sau đám mây. Còn gì thú vị hơn khi cùng ngồi ngắm hoàng hôn dần buông, nghe những ngư dân kể chuyện buồn vui trên biển. Những câu chuyện vẫn còn dang dở như nghề đi biển chẳng có chuyến ra khơi cuối cùng. Người dân miền biển là thế, họ chân chất, thật thà lắm. Mỗi chuyến ra khơi thắm thêm tình đoàn kết, sự gắn bó, đồng cảm ấy giúp họ ngày càng bó bện lấy nhau. Ðấy là điều đáng quý, điều thiêng liêng mà họ gìn giữ muôn đời.

17 giờ, thuyền trưởng Dương phát lệnh chuẩn bị kéo lưới, thông báo qua bộ đàm để tàu TB 90061TS tiến lại gần tàu của chúng tôi. Anh em thuyền viên nhanh chóng bắt mối dây, kéo lưới gần về cần tời để tời lưới vết khoang ở đuôi tàu, những đôi tay thoăn thoắt bắt lấy phao lưới. Hơn 30 phút vật lộn với sóng nước, giây phút hồi hộp đã đến, cá được dồn về chiếc túi lớn nằm ở đuôi lưới, phần này được gọi là đụt lưới. Ðụt lưới dần được kéo lại gần mạn tàu, tại đây sẽ có một chiếc vợt lớn vớt cá từ đụt lưới lên mặt khoang, mỗi vợt có thể chứa được chừng 50kg.

 Chúng tôi nín thở chờ đợi, những con mắt háo hức đổ về mạn phải của tàu. Một vợt, hai vợt, ba vợt…, những chú cá bạc tràn ra boong, mẻ đầu được khoảng 6 tạ cá. Lần đầu tiên đi cùng tàu cá của ngư dân, với tôi như vậy là quá nhiều nhưng với những thuyền viên họ đã phải bù lỗ tiền dầu cho mẻ cá đầu tiên. Ánh mắt buồn len lỏi đâu đó trên gương mặt đang ướt đẫm những giọt mồ hôi. Thuyền viên Nguyễn Ðình Lạn nói với tôi: Mẻ lưới này ít quá, phải bù lỗ tiền dầu. Hy vọng mẻ sau sẽ được nhiều hơn. Ðã theo nghề đi biển thì phải biết chấp nhận may rủi. Ði biển nhiều, những mẻ cá như vậy cũng là chuyện thường tình.

Màn đêm buông nhanh, chúng tôi động viên nhau tiếp tục cuộc hành trình. Con tàu lại băng băng tiến đến vùng biển mới. Ngàn ánh đèn giăng khắp biển, tiếng sóng hòa cùng tiếng động cơ gầm rú trong đêm. Ðêm ở biển vừa huyền bí vừa ồn ã. Một mẻ lưới nữa được thả xuống, mang theo sự hy vọng của bao người.

BÁM BIỂN ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC

Màn đêm buông xuống, ánh đèn chỉ đủ sáng một khoảng nhỏ bé trên tàu. Cuối tháng 7, cơn gió Tây Nam mang theo vị mặn mòi của biển thổi về.

Ðêm ngoài biển buồn và trống trải. Nhờ mấy câu chuyện góp vui của anh em thuyền viên nên tôi có dịp hiểu về nghề đi biển tường tận hơn. Từ câu chuyện ngày xưa, thời cửa hàng mậu dịch mua bán theo tem phiếu cho đến ngày mở cửa hội nhập. Những năm tháng miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, quân và dân cả nước dồn sức cho chiến trường miền Nam, trong trí nhớ của những lão ngư, đấy là những ngày tháng lao động hăng say và nhiệt huyết. Khắc phục thiếu thốn về phương tiện tàu thuyền, lạc hậu về kỹ thuật đánh bắt, tất cả ngư dân miền biển Thái Bình đều một lòng hướng ra biển, phất cao những khẩu hiệu thi đua lao động sản xuất giỏi, góp công, góp của cho tiền tuyến. Những hợp tác xã ngư nghiệp được thành lập, bà con ngư dân là những xã viên, bám biển, bám tàu, súng khoác trên vai cùng vươn mình ra biển lớn.

 Chính thế hệ cha ông đi trước đã truyền lại tình yêu biển cả cho lớp cháu con ngày nay. Như một quy luật bất biến hợp lẽ tự nhiên, tre già thì măng mọc, lớp trẻ sinh ra lại kế tục sự nghiệp của tiền nhân, ra khơi không chỉ mưu sinh mà còn là khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi con tàu vượt sóng ra khơi, vững vàng giữa biển, bất chấp gian nguy vẫn kiên cường bám biển, bám ngư trường.

Nhắc đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, anh em thuyền viên trên tàu ai cũng tỏ thái độ bức xúc. Mặc dù Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng những ngư dân cả đời mưu sinh trên biển vẫn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác nơi vùng biển thiêng liêng đã đổ bao xương máu của cha ông ngàn đời nay, trọng trách cao cả của họ là vươn khơi, bám biển, quyết tâm đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của quốc gia như những gì mà các bậc tiền nhân đã thực hiện.

Ðêm về khuya, chúng tôi cùng nhau thưởng thức những sản vật của biển và kể cho nhau nghe chuyện xưa, chuyện nay. Tôi lại có dịp kể về chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa trong dịp cuối năm 2013 cho cả tàu cùng nghe, một hành trình đầy kỷ niệm về những người lính hải quân vững tay súng nơi đảo xa, câu chuyện về sức sống mãnh liệt của cây bàng vuông, cây phong ba trước giông tố mà vẫn xanh mướt, trổ hoa, mang lại niềm tin cho những người lính đảo. Với tôi, những ngư dân cũng chính là những người lính, những người lính không quân phục, không quân hàm, chỉ có vũ khí là lưới, là tàu, là ý chí kiên cường bám biển để cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Giữa biển trời lộng gió, chúng tôi cùng nhau thức để đón chờ mẻ lưới thứ hai. 4 giờ sáng, ánh mặt trời bắt đầu hửng dần ở phía Ðông. Anh em lại chuẩn bị cho việc thu lưới. Theo kinh nghiệm của các thuyền viên, vùng biển Nam Ðịnh - Ninh Bình thường có nhiều cá, đặc biệt là cá thu, cá nhụ, cá đé, cá dưa, cá mực…, giá trị kinh tế cao. Thuyền trưởng Dương chỉ vào máy dò cá nói với tôi: Chú thấy chưa, chỗ này nhiều cá nên màn hình chuyển sang màu đỏ, màu đỏ càng đậm thì chứng tỏ cá càng nhiều. Hy vọng mẻ này có dư để bù cho mẻ trước.

Hơn 30 phút sau, tàu chúng tôi nhận lệnh thu lưới từ thuyền trưởng Dương. Vẫn là sự phối hợp nhịp nhàng, những mét lưới ngâm mình trong lòng biển chẳng mấy chốc đã xếp ngay ngắn trên khoang tàu. Với sự hỗ trợ của cần tời, anh em thuyền viên nhanh chóng kéo đụt lưới về phía mạn phải trước khoang lái. Mẻ lưới thứ hai thu được hơn một tấn cá, gần gấp đôi mẻ trước và có nhiều loại cá có giá trị. Anh em trên tàu phấn khởi: Mẻ này coi như gỡ lại tiền dầu của mẻ trước. Có nhiều cá thu, cá nhụ, cá đé…, chỉ cần được một tạ cá nhụ cũng bằng ba, bốn tạ cá cơm rồi.

Mẻ lưới thứ hai thắng lợi đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để anh em thuyền viên tiếp tục cuộc hành trình. Khi hơn một tấn cá nằm trọn trên khoang cũng là lúc tàu chúng tôi bẻ lái ngược về vùng biển Thái Bình và tiếp tục thả mẻ lưới thứ ba. Việc phân loại cá để đưa xuống bảo quản trong kho đá được tiến hành khẩn trương. Tuy không mấy nặng nhọc nhưng việc phân loại cá lại đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm quan sát bởi nhiều loài cá rất giống nhau, nếu không tinh mắt sẽ bị nhầm lẫn. Những đôi tay thoăn thoắt làm việc không biết mệt mỏi dưới ánh ban mai của ngày mới, bảo đảm cho cá tươi ngon thì giá thành sẽ cao hơn.

Trong ba ngày, tàu chúng tôi thả 5 mẻ lưới, thu về  hơn 6 tấn cá các loại. So với những chuyến trước cũng không hơn là bao nhưng đã nhìn thấy lãi. Nghề đi biển là thế, thu mẻ lưới nào là có thể ước lượng được lỗ hay lãi, nhiều hay ít. Một đêm nữa trôi qua và ngày mới lại bắt đầu, ngày cuối cùng của chuyến ra khơi. Ba ngày trên biển, dù đã học được cách trở thành một ngư dân thực thụ nhưng để có thể mưu sinh từ nghề đi biển thì tôi còn phải trải qua một quãng thời gian dài rèn luyện, thử sức với khó khăn, vất vả giữa trùng khơi.

Hoàn thành chuyến đi, chúng tôi trở về trong niềm vui thắng lợi. Hơn 12 giờ trưa, tàu vào tới cửa lạch. Những con sóng ngoài khơi mang theo vị mặn mòi của biển cứ ùa theo như níu giữ chân người. Cảng cá Tân Sơn giờ này nhộn nhịp người bán người mua. Hoàn thành việc đưa cá lên cảng bán cho lái buôn, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi thuyền viên được hơn một triệu đồng tiền công. Ðể được số tiền ấy, họ đã bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức. Họ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.

Chia tay các anh khi nắng chiều dần nhạt trên cảng. Nhật ký cùng ngư dân vươn khơi bám biển khép lại bằng những kỷ niệm khó phai. Ngày mai, những con tàu lại tiếp tục hành trình ra khơi.

Tất Ðạt

  • Từ khóa